Tổng kiểm tra các nguồn thải trên toàn quốc

08/05/2016 06:07 GMT+7

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường yêu cầu Tổng cục Môi trường đề nghị các địa phương ven biển, ven sông lớn trên toàn quốc rà soát, lập danh sách để kiểm tra các cơ sở có nguồn thải lớn.

*Kết thúc quá trình kiểm tra Formosa
Cụ thể, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu làm rõ nguyên nhân nước hồ Ngọc Khánh (Hà Nội) bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm không khí. 
Tại Quảng Ngãi, người dân phản ánh từ năm 2000 đến nay, tại thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn, số người chết vì bệnh ung thư rất nhiều. Cùng với đó, số người mắc bệnh ngày càng trẻ hóa khiến người dân lo ngại chất lượng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
Đặc biệt tại Thanh Hóa, từ ngày 4.5, tình trạng cá chết nhiều ở sông Bưởi đoạn chảy qua xã Thạch Lâm, H.Thạch Thành, nơi có nước sông màu xanh đục, bốc mùi hôi. Hiện tượng này dần lan sang các xã ở hạ lưu là Thạch Quảng, Thạch Cẩm, Thành Mỹ.

Lập đoàn kiểm tra các công ty có nguồn thải ra biển

Theo Bộ trưởng TN-MT, việc kiểm tra này phải được tiến hành toàn diện, bài bản, từ việc thực hiện theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, xây dựng trạm xử lý nước thải, rác thải, công tác vận hành, giám sát môi trường...
Trong ngày hôm qua 7.5, đoàn công tác của UBND tỉnh Thanh Hóa do ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh, dẫn đầu đã khảo sát và họp bàn với chính quyền địa phương để đánh giá thực trạng và bàn giải pháp khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Bưởi. Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND H.Thạch Thành cho biết, từ ngày 4 - 7.5, trên sông Bưởi, đoạn chảy qua các xã Thạch Lâm, Thạch Quảng, Thành Mỹ, Thành Vinh xảy ra hiện tượng cá sông và cá nuôi lồng bè chết hàng loạt. Hiện cá đã chết tại 73/109 lồng bè của 49 hộ dân trên địa bàn toàn huyện, tổng thiệt hại ước tính hơn 17,2 tấn cá.
Ông Nguyễn Đức Quyền khẳng định, tình trạng ô nhiễm hiện rất nghiêm trọng, không chỉ làm cá chết mà còn đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân 15 xã thuộc H.Thạch Thành và 7 xã của H.Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Ông Quyền yêu cầu Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Hòa Bình xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý.
“Ngay sau khi có kết quả phân tích các mẫu nước, Sở TN-MT phải khẩn trương tham mưu để Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc này. Công an tỉnh cần nhanh chóng điều tra vụ việc. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải khởi tố vụ án”, ông Quyền nói, và yêu cầu Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung thực hiện quan trắc nguồn nước ven sông Bưởi, thường xuyên thông báo các chỉ số cho chính quyền và nhân dân các xã ven sông; các địa phương nhanh chóng xây dựng phương án cấp nước sinh hoạt cho người dân, đồng thời tổ chức khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất cho người dân.
Cùng ngày, cũng tại Thanh Hóa, Sở TN-MT và Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Thanh Hóa) kiểm tra các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn 2 xã Hải Thanh và Hải Bình (H.Tĩnh Gia) để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng cá lồng nuôi trên lạch Bạng và kênh Than (đều đổ ra biển qua cửa Bạng, H.Tĩnh Gia) chết trong những ngày qua. Theo phản ánh của người dân, một số nhà máy chế biến hải sản xả nước thải xuống lạch Bạng và kênh Than làm cá chết.
Trong diễn biến khác, Bộ TN-MT cho biết chiều qua đoàn công tác liên ngành do ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, làm trưởng đoàn đã kết thúc quá trình tổng kiểm tra Formosa, thống nhất biên bản kiểm tra. Tuy nhiên, thông tin về kết quả vẫn chưa được công bố.
Thợ lặn Nha Trang tham gia khảo sát biển Quảng Bình
Ngày 7.5, đoàn cán bộ của Trung tâm điều tra tài nguyên - môi trường biển (Tổng cục Biển và Hải đảo VN) cùng nhóm thợ lặn ở Nha Trang phối hợp với Sở TN-MT Quảng Bình thực hiện khảo sát, tìm kiếm trên vùng biển cách cửa sông Nhật Lệ (TP.Đồng Hới) khoảng 3 hải lý. Trước đó, Sở TN-MT Quảng Bình nhận được thông tin ngư dân xã Nhân Trạch, H.Bố Trạch đi thả lưới ngoài biển, lúc kéo lên lưới trắng sạch... như giặt. Vụ việc được Sở báo cáo cho Bộ TN-MT.
Để ghi nhận tình hình, PV Thanh Niên cùng với 2 thợ lặn Lê Xuân Hòa (36 tuổi) và Phạm Văn Trị (37 tuổi) có mặt trên 1 thuyền cá của ngư dân ở xã Quang Phú, TP.Đồng Hới đi ra vùng biển cách cửa Nhật Lệ khoảng 3 hải lý. Theo các ngư dân, đây là vùng mà hải sản cũng như các loài vật sống trong biển chết rất nhiều. Khoảng 30 phút tìm kiếm dưới đáy biển, 2 thợ lặn Hòa và Trị vớt lên được những mảnh san hô đã bị chuyển màu và chỉ có xác hải sâm, vẹm, sò... đã chết, đang trong quá trình phân hủy. “Nước dưới đáy rất đục, bẩn, có lẽ do xác cá phân hủy và có mùi tanh rất khó chịu”, các thợ lặn cho hay.
Huệ Minh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.