Tổng thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn

22/08/2012 07:57 GMT+7

(TNO) Sáng nay 22.8, phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiếp tục với phần chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.

Theo kế hoạch, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ giải trình các giải pháp đối với các vụ việc tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai; biện pháp theo dõi, xử lý hoặc thu hồi tài sản sau thanh tra; hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...

Quản lý vốn tập đoàn, tổng công ty còn yếu kém

Trong phiên chất vấn sáng nay, đại biểu (ĐB) Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ: "Sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty tăng cao. Xin ông cho biết nguyên nhân và biện pháp khắc phục?".

Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết: "Qua thanh tra phát hiện khuyết điểm của các tập đoàn, tổng công ty: Đó là việc quản lý vốn tại các tập đoàn, tổng công ty còn yếu kém, gây lãng phí, nợ khó đòi tăng cao. Một số tập đoàn đầu tư dàn trải, sai thẩm quyền. Đầu tư ngoài ngành vượt tỉ lệ cho phép, hiệu quả đầu tư không cao. Hạch toán của các tập đoàn thiếu chính xác, gây ra số liệu ảo. Quản trị doanh nghiệp chưa tốt, kiểm tra giám sát nội bộ chưa tốt. Thậm chí có một số trường hợp cố ý vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng".

ĐB Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng, hỏi thêm: "Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, vừa qua toàn ngành thanh tra chỉ chuyển điều tra chưa đến 1% còn lại xử lý hành chính. Trong khi đó, báo cáo thừa nhận thất thoát tài sản liên quan đến tham nhũng lên đến hàng nghìn hecta đất, hàng chục nghìn tỉ đồng. Vậy có hay không xu hướng hành chính hóa trong xử lý tham nhũng?".

ĐB Triệu Thị Nái
 ĐB Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ - Ảnh: Quang Khánh

Bên cạnh đó, ĐB Tiến cũng yêu cầu Tổng thanh tra Chính phủ giải thích về việc "có những vụ xử lý tham nhũng để đến hàng chục năm, cơ quan tố tụng chờ mãi mà không thấy có kết luận thanh tra để xử lý vụ việc. Vậy có hay không sự e ngại, áp lực nào đối với cơ quan thanh tra? Thanh tra có độc lập, khách quan không? Hay thanh tra còn ngại va chạm, chọn hệ số an toàn cao?".

Trả lời câu hỏi của các ĐB, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết: "Mục đích thanh tra là tìm ra mặt làm được và chưa được của đối tượng bị thanh tra để chấn chỉnh sai phạm, buộc đối tượng thanh tra thực hiện theo kết luận thanh tra để hoạt động cho đúng quy định. Theo quy chế hoạt động của thanh tra, những sự việc nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan thanh tra sẽ làm việc với cơ quan điều tra để xác định lại sai phạm, sau đó chuyển cho cơ quan điều tra. Việc chuyển cơ quan điều tra ít là do thanh tra có khuyết điểm phát hiện vi phạm chưa đến nơi đến chốn, tôi sẽ tiếp thu để thanh tra sâu sát hơn".

Tổng thanh tra Chính phủ nói thêm: "Thanh tra có luật thanh tra, hoạt động thanh tra phải tuân thủ theo quy định pháp luật, thanh tra những nội dung được quy định. Sau khi thanh tra, để có sự đồng thuận của các cơ quan chức năng chuyên ngành, cơ quan thanh tra phải lấy ý kiến trao đổi với các cơ quan chức năng chuyên ngành để kết luận thanh tra có tính khách quan, có sự đồng thuận".

Thanh tra nhiều nhưng tỉ lệ thực hiện sau kết luận thấp

Đại biểu Phạm Văn Tấn (đoàn Nghệ An) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: “Khiếu nại tố cao tăng cao. Đề nghị ông cho biết nguyên nhân? Cuối năm 2011 vẫn còn 528 vụ khiếu nại kéo dài, chủ yếu liên quan đến đất đai. Vụ nào khiếu nại kéo dài nhất?”.

Ông Tranh giải thích: Khiếu nại tăng cao do giải quyết chưa đến nơi đến chốn, trong đó một phần do sự yếu kém, lơi lỏng của các cơ quan địa phương. Bên cạnh đó thời gian qua có nhiều dự án đầu tư buộc phải thu hồi đất, đây cũng chính là lý do khiến khiếu nại về đất đai tăng cao, chiếm 70% tổng số vụ khiếu nại.

Tháng 6.2012, tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ và một số bộ ngành như Bộ Công an, Tài nguyên - Môi trường lập ra 25 đoàn công tác rà soát tình hình khiếu nại tại 51 tỉnh thành. Qua đó có thể thấy số liệu về các vụ khiếu nại chưa chính xác.


 Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn - Ảnh: Quang Khánh

Có một vụ khiếu nại được gửi đi nhiều cơ quan và từ đó được tập hợp thành nhiều vụ. Đến nay có 300 vụ khiếu nại đang được cơ quan chức năng xem xét. Số vụ còn lại đang tập hợp để tiếp tục xem xét. Do số liệu tập hợp chưa đầy đủ nên tôi chưa thể trả lời được vụ khiếu nại nào kéo dài nhất nhưng có vụ kéo dài 20 năm đến nay vẫn còn khiếu nại. Chủ yếu các vụ khiếu nại này rơi vào lĩnh vực đất đai.

Đại biểu Phạm Xuân Thưởng (Thái Bình) đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết vì sao tỉ lệ thu hồi liên quan đến thanh tra kinh tế thấp và giải pháp để hạn chế tình trạng này.

Ông Tranh thừa nhận tỉ lệ thu hồi theo kết luận thanh tra thời gian vừa qua đạt kết quả chưa cao. Thống kê từ 2007 - 2011, tỉ lệ thu hồi sau kết luận thanh tra liên quan đến tiền bạc đạt 50%, đất đai đạt 20%.

Nguyên nhân thu hồi chưa cao là do kết luận của một số vụ việc chưa có tính khả thi cao. Chưa có chế tài quy định kết luận thanh tra. Công tác theo dõi việc thanh tra chưa tốt.

“Từ những bất cập này chúng tôi đã kiến nghị thành lập một Vụ giám sát thực hiện kết luận thanh tra. Vụ này sẽ có nhiệm vụ đôn đốc các địa phương thực hiện kết luận thanh tra được tốt”, ông Tranh nói.

Trách nhiệm trong việc để Dương Chí Dũng bỏ trốn

ĐB Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ dựa vào căn cứ pháp lý nào Thanh tra Chính phủ lại loại bỏ trách nhiệm của các Bộ trong vụ Vinalines và chính từ kết luận này đã được Bộ trưởng Tài chính dùng làm bằng chứng để nói mình không có trách nhiệm trong sai phạm này trước Quốc.


ĐB Lê Thị Nga - Ảnh: Quang Khánh

Trả lời vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn chưa thuyết phục

Về trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, ĐB Nga không đồng tình và đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm của các Bộ theo quy định pháp luật chứ không thể “xác định theo thông lệ” như ông Tranh trả lời.

Đồng thời, bà Nga nêu thêm: Trong bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, Bộ trưởng Thăng đã nhận lỗi trước Quốc hội và nói khi bổ nhiệm không nhận được trao đổi thông tin từ Thanh tra Chính phủ. Còn bây giờ, Tổng Thanh tra Chính phủ lại nói là không nhận được ý kiến của Bộ GTVT. Sự thật thế nào? Vì sao Tổng Thanh tra Chính phủ không thực hiện quyền kiến nghị của mình?

“Người thanh tra thì cứ thanh tra, người bổ nhiệm thì cứ bổ nhiệm mà không có sự phối hợp nào để Dương Chí Dũng bỏ trốn là điều khiến người dân rất bức xúc”, ĐB Nga nói. Bà Nga đề nghị Thanh tra Chính phủ phải có trách nhiệm về việc này.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh giải trình: Trong thực hiện thanh tra các tập đoàn và cơ quan nhà nước, thông thường cơ quan thanh tra sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật ở các cơ quan. Sau khi thanh tra trách nhiệm của Vinalines, Thanh tra Chính phủ có trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trách nhiệm của các Bộ như rà soát lại các quy định về mua tàu của Bộ GTVT, về quản lý vốn của Bộ Tài chính và về điều chuyển cán bộ.

“Tôi thấy trước giờ xác định trách nhiệm liên đới của các bộ, ngành thường thực hiện như thế nên chúng tôi cũng kiến nghị trách nhiệm các bộ liên đới lên Chính phủ như thế”, ông Tranh trả lời.

ĐB Nga hỏi thêm về trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong việc để ông Dương Chí Dũng bỏ trốn. Bà Nga phân tích: Thanh tra Chính phủ có thẩm quyền kiến nghị không thuyên chuyển công tác cán bộ nếu như thời điểm thuyên chuyển vẫn trong thời gian thanh tra, chưa có kết luận. Trong khi đó, 10 ngày sau khi ông Dũng được thuyên chuyển công tác thì Thanh tra Chính phủ vẫn đang thanh tra Vinalines. “Vậy thay vì kiến nghị không thuyên chuyển ông Dũng thì tại sao Thanh tra Chính phủ lại im lặng?”, ĐB Nga chất vấn.

Ông Tranh khẳng định: Việc thanh tra làm theo pháp luật còn công tác cán bộ thì Thanh tra Chính phủ không có thẩm quyền quản lý cán bộ. Ông Dũng do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thuyên chuyển. Cơ quan thuyên chuyển cũng không hỏi ý kiến thanh tra nên Thanh tra Chính phủ không có quyền can thiệp khi cán bộ chưa bị phát hiện dấu hiệu vi phạm.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức hiện nay còn mang nặng tính hình thức, thanh tra có biện pháp gì để việc kê khai tài sản này đúng thực tế và gắn liền với phòng chống tham nhũng.

Ông Tranh cho biết, theo thống kê, cả nước có 100.000 cán bộ, công chức phải kê khai tài sản theo luật. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản còn chưa đúng thực chất vì chưa nắm được việc kê khai nơi cu trú, công tác của cán bộ công chức. Ông Tranh nói để chấn chỉnh tình trạng này, trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Nhà nước có soạn thảo thêm quy định công khai nơi công tác và nơi cư trú của cán bộ, công chức; đồng thởi mở rộng đối tượng thanh tra.

Bộ Công an lập chuyên án riêng vụ Vinalines, Vinashine

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ giải trình thêm trước Quốc hội về thực trạng phát hiện sự việc thanh tra có dấu hiệu tội phạm nhưng rất ít chuyển cơ quan điều tra: “Qua kết quả thanh tra, chúng tôi nhận thấy sự phối hợp giữa thanh tra và CQĐT khá chặc chẽ. Theo tôi, các sự việc vi phạm chuyển ít do đặc thù tội phạm thanh nhũng khó phát hiện vì đối tượng có chức, quyền. Khi thực hiện hành vi phạm tội, họ có năng lực che giấu hành vi phạm tội rất cao, tinh vi nên để xác định cấu thành tội còn hạn chế”.


Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ giải trình thêm trước Quốc hội về thực trạng phát hiện sự việc thanh tra có dấu hiệu tội phạm nhưng rất ít chuyển cơ quan điều tra - Ảnh: Quang Khánh

Thứ trưởng Ngọ nói thêm, trong năm vừa qua, Bộ Công an nhận 8 vụ ở cấp địa phương và 3 vụ cấp Bộ. Riêng vụ Vinashine, Vinalines, ngoài kết luận của Thanh tra Chính phủ chuyển qua, Bộ Công an cũng lập chuyên án, điều tra riêng.

Báo cáo về phòng chống tham nhũng còn chung chung

Đại biểu Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chất vấn: Luật Khiếu nại tố cáo có hiệu lực từ ngày 1.7.2012 nhưng đến nay chưa có nghị định hướng dẫn thi hành. Trách nhiệm này thuộc về ai?

Ông Tranh nói trách nhiệm chậm ban hành nghị định thuộc về Thanh tra Chính phủ bởi đây là cơ quan trực tiếp soạn thảo và trình Chính phủ ban hành. “Hiện nay chúng tôi đã trình nghị định cho Chính phủ và không lâu nữa sẽ ban hành nghị định này”, ông Tranh khẳng định.

Về kết luận thanh tra 5 tập đoàn, tổng công ty chỉ ra sai phạm về thất thoát vốn lớn nhưng tỷ lệ thu hồi ít, trách nhiệm thuộc về ai, ông Tranh cho rằng, vừa qua, qua việc thanh tra 5 tập đoàn, tổng công ty, cơ quan thanh tra đã kiến nghị thu hồi hơn 3.900 tỉ đồng và đến nay đã thu hồi được hơn 2.100 tỉ đồng.

Việc thu hồi này tuy chưa đạt so với yêu cầu nhưng tiến độ thu hồi có thể chấp nhận được nếu so với các cuộc thanh tra doanh nghiệp nhà nước diễn ra trước đây. Tuy nhiên, việc thu hồi số tiền thất thoát, sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty cần tiếp tục được đôn đốc.

Về ý kiến cho rằng, phòng chống tham nhũng là vấn đề được nhiều người dân quân tâm nhưng báo cáo về vấn đề này do Thanh tra Chính phủ thực hiện vẫn còn chung chung, ông Tranh giải thích: Vừa qua, tại hội nghị T.Ư 5, vấn đề phòng chống tham nhũng đã được ban chấp hành T.Ư Đảng kết luật rõ ràng. Trên cơ sở kết luận đó, thời gian tới, Chính phủ sẽ có chương trình, hành động cụ thể về việc phòng chống tham nhũng.

Đến nay, Thanh tra Chính phủ đã chuyển cho cơ quan điều tra 3 vụ sai phạm tại các tập đoàn, tổng công ty và trong thời gian tới sẽ tiếp tục chuyển nếu còn phát hiện ra sai phạm ở các cơ quan này.


ĐB Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Ảnh: Quang Khánh

ĐB Nguyễn Thu Anh (tỉnh Lâm Đồng) đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết vì sao khiếu nại tố cáo vượt cấp của người dân tăng cao và giải pháp của Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh đó, ĐB Anh cũng hỏi thêm về những sửa đổi trong luật phòng chống tham nhũng; vấn đề hơn 70% đơn của công dân khiếu nại về đất đai nhưng khi giải quyết thì gặp phải xung đột về luật Hành chính, luật Khiếu nại và luật Đất đai...

Ông Tranh trả lời: Yếu kém của giải quyết khiếu nại tố cáo là do trách nhiệm của các ngành các cấp chưa cao, tránh né, chậm trễ nên người dân giảm lòng tin...; tâm lý người dân muốn khiếu nại lên cấp trên cho nhanh; kích động của kẻ xấu; tư vấn của một số tổ chức tư vấn, luật sư chưa chuẩn...

Ông Tranh nêu ra hướng giải quyết: Thanh tra Chính phủ thành lập 25 tổ công tác để rà soát khiếu nại, tố cáo nhanh của dân, đặc biệt vụ việc kéo dài; đề nghị các cấp các ngành phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại cho người dân đúng thẩm quyền cho đến nơi đến chốn; đề nghị cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền cho người dân luật Khiếu nại, tố cáo để người dân hiểu được trình tự thực hiện.

Đối với câu hỏi về luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi nội dung nào sẽ được Thanh tra Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 4, ông Tranh cho biết, sửa đổi về quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản; quy định công khai bảng kê khai tài sản thu nhập; quy định việc xử lý tài sản không được kê khai đúng; ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng; trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan về việc phòng chống tham nhũng.

Phát động “thanh tra đức”

“Câu hỏi của tôi chưa được Tổng Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan tại đây làm rõ. Tôi muốn hỏi liệu có xu hướng hành chính hóa trong việc thanh tra xử lý các vi phạm tham nhũng không?”, ĐB Lê Như Tiến một lần nữa đặt câu hỏi lại với Tổng Thanh tra Chính phủ.

ĐB Tiến cũng cho biết phản ánh của cử tri rằng khi nhận được thông báo thanh tra, các cơ quan, doanh nghiệp rất lo lắng: lo chuẩn bị báo cáo, lo nội dung, thậm chí lo hành xử thế nào cho các thanh tra viên "đẹp lòng". "Khi thanh tra đến lo chăm sóc chu đáo, khi thanh tra về thì phải lo hậu hĩnh. Giáo dục có đức dục, ngành y có y đức, ngành thanh tra cũng nên phát động “thanh tra đức”, ĐB Tiến đề nghị.

Trước nội dung phản ánh của ĐB Tiến, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận có những tình trạng như ĐB Tiến đặt ra trong cán bộ thanh tra. Ông Tranh nói, thời gian vừa qua, ngành thanh tra cũng đã xử lý nhiều cán bộ vi phạm, mới nhất năm 2012 đã có 2 thanh tra bị xử lý hình sự.

“Chúng tôi sẽ tăng cường quản lý, giáo dục chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức thanh tra”, Tổng Thanh tra Chính phủ hứa.

Ông Tranh tiếp thu ý kiến và nói sẽ thực hiện kỹ hơn, có trách nhiệm hơn và nâng cao trách nhiệm thanh tra để đi đến tới cùng các vi phạm tham nhũng.

ĐB Đỗ Văn Đương kiến nghị hoạt động thanh tra nên để tổ chức độc lập, có thể giao việc thanh tra cho cơ quan kiểm sát và công tố thực hiện. ĐB Đương cũng yêu cầu Tổng Thanh tra Chính phủ làm rõ tỉ lệ các vụ khiếu nại tố cáo, việc theo dõi đôn đốc giải quyết khiếu nại đúng...

Ông Tranh cho biết, tổng kết 4 năm thực hiện luật Khiếu nại tố cáo, khiếu nại đúng không đến 30%. Điều này cũng nói lên việc khiếu nại của công dân cũng do nhiều lý do khác nhau về quyền lợi đồng thời người dân cũng chưa hiểu rõ pháp luật.

Riêng đối với 528 vụ khiếu nại kéo dài, ông Tranh cho rằng số liệu còn biến động do phải xem xét lại tiêu chí, bổ sung và hứa sẽ nhanh chóng giải quyết dứt điểm.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang giải trình thêm về việc giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai. Theo đó, ông Minh cho biết thống kê có 70% số vụ liên quan đến thu hồi, đền bù; 20% tranh chấp; 10% đòi lại đất cũ (chủ yếu ở miền Nam)...

Chất lượng đội ngũ thanh tra chưa cao

ĐB Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề: Hằng năm có hàng ngàn cuộc thanh tra nhưng việc phát hiện ra sai phạm còn ít, năm sau thấp hơn năm trước. Trong khi hội nghị T.Ư 5 vừa qua cho rằng sai phạm tham nhũng ngày càng tinh vi. ĐB Quyền đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ giải thích.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh giải thích: Việc phát hiện tham nhũng ít là do thời gian dài trước đây chưa có thống kê nên nhiều vụ tồn đọng kéo dài. Ngoài ra, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi do người vi phạm thường có chức vụ quyền hạn. Việc tố cáo tham nhũng ngày càng ít. Việc giải quyết phòng chống tham nhũng ngày càng mạnh mẽ nên thời gian qua đã xử lý kịp thời một số vụ. Tuy số vụ tham nhũng giảm nhưng tình hình tham nhũng ngày càng phức tạp, tinh vi và có dấu hiệu nghiêm trọng hơn.

ĐB Bùi Nguyên Xúy, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đề nghị Thanh tra Chính phủ cho biết những giải pháp để nâng cao hiệu quả trong việc giải quyết tố cáo và phòng chống tham nhũng. Theo ông Tranh, do khiếu nại liên quan đến đất đai tăng cao, nên việc xử lý khiếu nại, tố cáo cần tăng cường sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật, các quy định bồi thường, giải tỏa mặt bằng, sửa đổi luật Đất đai; tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất đai một cách có hiệu quả, tránh bức xúc cho người dân...

“Hiện nay toàn ngành thanh tra có 18.000 người nhưng chất lượng đội ngũ chưa cao. Trong thời gian tới cần tăng số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra”, ông Tranh cho biết.

Về phòng chống tham nhũng, ông Tranh cho rằng cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan về việc theo dõi, xử lý tham nhũng; tăng cường sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng; xử lý kiên quyết hành vi tham nhũng.

Né tránh việc Dương Chí Dũng bỏ trốn?

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt câu hỏi về việc Thủ tướng Chính phủ thuyên chuyển công tác và Bộ GTVT bổ nhiệm ông Trương Chí Dũng, Thanh tra Chính phủ nói không thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ và chỉ gửi báo cáo thanh tra theo quy trình bình thường là một việc không bình thường. Vậy liệu Thanh tra Chính phủ có ngán ngại gì hay không?

ĐB Nghĩa cũng chất vấn Bộ Công an: “Qua việc ông Dương Chí Dũng, Bộ trưởng Công an có hứa trước Quốc hội sẽ điều tra xem có lộ, lọt thông tin hay không, nếu có sẽ xử lý nghiêm khắc. Nay, xin Bộ Công an cho biết đã làm gì, kết quả điều tra bước đầu ra sao?”.

Với việc ông Dũng, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị sẽ trả lời bằng văn bản.

Trình dự thảo giám sát các doanh nghiệp nhà nước

Tiếp theo, ĐB Trương Văn Vỡ chất vấn Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện kết luận thanh tra chưa kiên quyết, hiệu quả chưa cao và giải pháp của Thanh tra Chính phủ như thế nào để chấn chỉnh tình hình này.

Ông Tranh cho rằng Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục giám sát, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ sẽ thành lập Vụ giám sát theo dõi thực hiện kết luận thanh tra.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng nói thêm về việc quản lý, giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo đó, trong các sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty, cụ thể liên quan đến sai phạm tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, trách nhiệm của cơ quan chức năng là chậm ban hành các văn bản pháp luật dẫn đến một số sơ hở và khi xảy ra thì chậm khắc phục.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ - Ảnh: Quang Khánh

Ngoài ra, đang có sự lúng túng của các bộ ngành trong việc phân định vai trò cơ quan quản lý nhà nước với việc đại diện chủ sở hữu. Hiện nay Chính phủ đang ban hành nghị định mới thay thế cho Nghị định 132.

Theo nghị định này, cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện về vốn, quản lý nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty thuộc về các bộ quản lý chuyên ngành.

Tới đây, dự kiến Thủ tướng chỉ bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thanh viên, ủy viên hội đồng thành viên của 5 - 6 tập đoàn. Còn tổng giám đốc các tập đoàn sẽ do các bộ quản lý giới thiệu để bầu theo quy định của pháp luật.

Ông Huệ nói, trách nhiệm của Bộ Tài chính là sẽ thẩm định tất cả các dự án vay vốn nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty. Còn vay trong nước thì chính bản thân các doanh nghiệp nhà nước phải tự thẩm định. Bộ Tài chính sẽ ban hành tiêu chí và chuẩn y về việc bổ nhiệm kế toán trưởng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo quy chế giám sát các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo hướng công khai, minh bạch và tăng cường sự quản lý của nhà nước.

Tiếp tục thanh tra tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Kết thúc buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu bế mạc phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trách nhiệm của các Bộ trưởng, người đứng các ngành phải thực hiện sau phiên họp.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH có trách nhiệm làm tốt hơn tham mưu, triển khai công tác đào tạo nghề để đạt được chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, T.Ư đề ra cho năm nay và 5 năm tới; phối hợp các ngành liên quan kiểm soát cho được, xử lý nghiêm lao động nước ngoài trên thị trường Việt Nam vi phạm pháp luật.

Thống đốc NHNN có trách nhiệm giải quyết cho được nợ xấu của ngân hàng đồng thời tăng nợ tốt; giải quyết tình trạng tài chính của ngân hàng và nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp trong thời gian tới (mỗi năm đều phải có chuyển biến); cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng ngân hàng có chuyển biến tích cực và lành mạnh trong thời gian tới nhưng không được để tổ chức tín dụng, tài chính nào thuộc quyền quản lý của NHNN bị đổ vỡ ảnh hưởng đến hệ thống.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Thống đốc NHNH có trách nhiệm kiềm chế lạm phát đồng thời bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng hợp lý để hồi phục sản xuất kinh doanh; không để suy giảm kinh tế giúp ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Tổng Thanh tra Chính phủ phải giải quyết cơ bản khiếu nại tố cáo còn tồn đọng thuộc cấp T.Ư từ đây đến cuối năm; xây dựng ngành thanh tra để hạn chế tối đa khiếu nại tố cáo mới. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở ngành thanh tra phải nâng cao năng lực hiệu quả, chất lượng hệ thống thanh tra để đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

“Trong quá trình thanh tra phát hiện dấu hiệu tham nhũng thì chuyển ngay cho cơ quan điều tra xử lý nghiêm”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ tập trung bổ sung sửa đổi để trình Quốc hội luật Phòng chống tham nhũng; tiếp tục thanh tra các tập đoàn, tổng công ty; doanh nghiệp nhà nước góp phần chống thất thoát, tiêu cực và tái cơ cấu nền kinh tế.

Trung Hiếu - Viên An

>> Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn
>> Nóng" chuyện xử lý lao động nước ngoài không phép
>> Thường vụ Quốc hội chất vấn 3 thành viên chính phủ
>> Doanh nghiệp “chất vấn” Thống đốc
>> Sẽ chất vấn Thống đốc Ngân hàng về nợ xấu
>> Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lời chất vấn
>> Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường
>> Bộ trưởng GTVT nhận nhiều câu hỏi chất vấn nhất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.