TP.HCM hơn nửa năm mới họp báo, nhiều vấn đề 'nóng' được trả lời 'nguội'

06/01/2020 19:32 GMT+7

Tại buổi họp báo của UBND TP.HCM, phóng viên đặt câu hỏi về nhiều vấn đề nóng như xử lý tài sản công; vụ giám đốc sở GD nhận thù lao từ nhà xuất bản; bồi thường cho người dân Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao...

Trưa 6.1, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, chủ trì buổi họp báo với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành gồm: Công an TP.HCM, Sở Văn hóa -  Thể thao, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, Sở Tài nguyên Môi trường,  Sở Thông tin và Truyền thông.
Đây là buổi họp báo đầu tiên sau các buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP.HCM trong nửa năm qua, kể từ thời điểm ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, được bổ nhiệm là Phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Khó xử lý hình sự đòi nợ thuê

Phóng viên Thanh Niên đặt 2 câu hỏi về hoạt động đòi nợ thuê nở rộ khiến người dân hoang mang, nhất là thời điểm cuối năm và việc xử lý kỷ luật cán bộ liên quan đến xây dựng sai phép ở Q.Thủ Đức.
Trả lời câu hỏi, trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết vấn đề tín dụng đen và xử lý các băng nhóm đòi nợ thuê đã được ông trả lời trong kỳ họp HĐND TP.HCM hồi tháng 12.2019 nên không trả lời chi tiết.
Theo đó, TP.HCM còn lại 51 nhóm, 171 người có dấu hiệu thực hiện hành vi đòi nợ thuê. Năm 2019, lực lượng chức năng xử lý 9 vụ với 31 người liên quan, xử lý chung là 38 nhóm với 168 người liên quan.
Giám đốc Công an TP.HCM cho biết các vụ việc đe doạ, tạt chất bẩn cũng được hạn chế do sự đấu tranh quyết liệt của công an các cấp.

Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong

Ảnh: Sỹ Đông

Trung tướng Lê Đông Phong cho biết đây là hành vi trái pháp luật nhưng quy định để xử lý dù đã cụ thể hơn nhưng vẫn còn khó khăn trong việc chứng minh dấu hiệu vi phạm để xử lý hình sự… Do đó, UBND TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ không chấp nhận loại hình đòi nợ thuê.
Công an TP.HCM nhận định đòi nợ thuê là dịch vụ hỗ trợ giao dịch bình thường nhưng các doanh nghiệp này thường có đối tượng xấu ẩn sau. Cách thức đòi nợ là khủng bố tinh thần, gây căng thẳng cho con nợ và gây mất trật tự công cộng.
Về giải pháp, Giám đốc Công an TP.HCM đề nghị phải nắm và ngăn chặn từ đầu tất cả dấu hiệu đòi nợ thuê dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở, các đoàn thể tiếp cận với các tầng lớp, người có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay tạo điều kiện các khoản vay hỗ trợ hoặc sự tương trợ giúp đỡ lẫn thì phải phát hiện, giáo dục để ngăn ngừa chuyện vay vì mục đích trái pháp luật thì sẽ bớt đi sự lệ thuộc vào tín dụng đen.

Nhà một người dân ở Q.Bình Thạnh bị tạt chất bẩn

Ảnh: Trác Rin

Trả lời câu hỏi về xử lý cán bộ vi phạm xây dựng không phép, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết việc xử lý các công trình xây dựng được thực hiện theo đúng Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM.
Tại Q.Thủ Đức, ông Lê Hữu Thành, Phó chủ tịch HĐND Q.Thủ Đức, đã có đơn từ chức. Đối với các cán bộ liên quan thì Q.Thủ Đức đang thực hiện các bước xử lý, khi có kết quả, Sở Xây dựng sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.

Nhiều câu trả lời chung chung

Liên quan đến xử lý cán bộ vi phạm trong vụ việc cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM dâm ô trẻ em, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, cho biết sở này đã tiến hành kiểm điểm và đề nghị hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm đối với Phó giám đốc Trần Ngọc Sơn. Còn lãnh đạo Phòng Bảo trợ xã hội cùng một chuyên viên cũng bị kiểm điểm nghiêm khắc phê bình rút kinh nghiệm.
Đối với lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, nơi vụ việc xảy ra, giám đốc trung tâm bị giáng chức, còn phó giám đốc phụ trách thì bị cảnh cáo. Riêng các trưởng, phó phòng và cán bộ cấp dưới ở trung tâm sẽ có Hội đồng kỷ luật đánh giá mức độ vi phạm để đưa ra hình thức kỷ luật.
Ông Tấn cho biết đã yêu cầu rút kinh nghiệm và chấn chỉnh 17 cơ sở khác, đồng thời yêu cầu đội ngũ cán bộ viên chức phải chăm lo tốt cho các đối tượng (khoảng 6.300 người).
Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đặt các câu hỏi về các vấn đề nóng như xử lý tài sản công; bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị giải tỏa để thực hiện Khu đô thị mới Thủ ThiêmKhu Công nghệ cao nhưng các câu trả lời đều chung chung, chưa đi vào chi tiết các giải pháp, chính sách...

Người dân Thủ Thiêm vẫn đang chờ TP.HCM chi trả bồi thường, hỗ trợ

Ảnh: Ngọc Dương

Đối với việc họp báo cung cấp thông tin vụ giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều lãnh đạo, cán bộ sở này nhận thù lao của một nhà xuất bản, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết sở đã làm việc với lãnh đạo Sở GD - ĐT để thống nhất kế hoạch, cung cấp thông tin trước Tết Nguyên đán.
Thông tin thêm, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cho biết cách đây 2 tuần, lãnh đạo TP.HCM đã nghe Sở GD - ĐT tạo báo cáo về việc nhận thù lao. Tại cuộc họp này, lãnh đạo TP.HCM giao sở nắm kỹ thông tin, làm việc với các nhà xuất bản liên quan, báo cáo lại UBND TP. trước ngày 10.1.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.