TP.HCM: Nợ BHXH kéo dài, hàng chục ngàn công nhân lao đao

09/04/2015 11:12 GMT+7

(TNO) Ngày 9.4, BHXH TP.HCM cho biết tính đến cuối tháng 3.2015, trên địa bàn TP có gần 2.000 doanh nghiệp nợ tiền BHXH hơn 2.000 tỉ đồng khiến hàng chục ngàn lao động lao đao.

(TNO) Ngày 9.4, BHXH TP.HCM cho biết tính đến cuối tháng 3.2015, trên địa bàn TP có gần 2.000 doanh nghiệp nợ tiền BHXH hơn 2.000 tỉ đồng khiến hàng chục ngàn lao động lao đao.

Nếu không được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân thì nhiều công nhân như chị
Nguyễn Thị Lệ Hoa rất khó khăn vì không được nhận chế độ thai sản
Ra tòa vẫn bị “khất” nợ
Danh sách theo dõi nợ của BHXH TP.HCM có những “đại gia nợ khủng” với số tiền hàng tỉ đồng. Điển hình là những đơn vị trực thuộc Tập đoàn Mai Linh (gọi tắt là Mai Linh).
Từ năm 2012, BHXH Q.7 khởi kiện các doanh nghiệp (DN) trực thuộc Mai Linh (trụ sở trên địa bàn Q.7) do nợ BHXH kéo dài với số tiền hơn 52 tỉ đồng. TAND Q.7 thụ lý các đơn kiện và đã tuyên buộc Công ty TNHH Gia Định Taxi phải đóng số tiền hơn 2 tỉ đồng (nợ từ tháng 9.2012); Công ty TNHH Sài Gòn Taxi đóng trên 4,6 tỉ đồng (nợ từ tháng 9.2012); Công ty CP Taxi Mai Linh Miền Nam đóng hơn 16,2 tỉ đồng cho 1.299 lao động (nợ từ tháng 6.2012); Công ty TNHH Deluxe đóng hơn 14,4 tỉ đồng cho 1.186 lao động (nợ từ 9.2012) và Công ty TNHH Chợ Lớn Taxi phải đóng hơn 15 tỉ đồng cho 1.528 lao động (để nợ từ tháng 2.2012).
Theo ông Đào Anh Kiệt, Phó giám đốc BHXH H.Củ Chi, kiện ra tòa chỉ là biện pháp cuối cùng bởi mất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao. Thậm chí nhiều trường hợp sau khi bản án có hiệu lực cũng không thi hành được do tài sản doanh nghiệp chủ yếu đã thế chấp tại ngân hàng. Bên cạnh đó, thông thường DN cũng nợ nhiều đối tác, nợ thuế và nợ lương công nhân (như Công ty Trường Thịnh nợ hơn 3,1 tỉ đồng lương của công nhân). “Nên khi tiến hành phát mãi tài sản thì sau khi thanh toán hết các khoản nợ có đảm bảo khác, nợ thuế, lương công nhân… có khi chẳng còn gì để BHXH thu nữa”, ông Kiệt nói.
Ông Lê Liêm, Giám đốc BHXH Q.7, cho biết: "Tuy bản án có hiệu lực đã 3 năm nhưng phía Mai Linh vẫn né. Do số nợ rất lớn nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách đối với người lao động”. Theo ông Liêm, 5 DN nói trên đã đồng loạt di chuyển địa điểm về Q.1, sau đó sát nhập thành Công ty CP Mai Linh Miền Nam, nhưng tiền nợ BHXH vẫn cứ “treo”. BHXH TP.HCM cho biết hiện lũy kế nợ BHXH của Mai Linh đã lên đến 140 tỉ đồng.
Lâm vào tình cảnh nợ “khủng” còn có Công ty CP dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) với hơn 20 tỉ đồng. Từ năm 2011, BHXH TP.HCM đã khởi kiện SPT nhưng đến nay vẫn không “đòi” được. Cơ quan thi hành án đã trả lại đơn yêu cầu thi hành án với lý do SPT không có tài sản thi hành án, tài khoản ngân hàng cũng không có tiền.
Ngoài BHXH, cũng có nhiều trường hợp người lao động tự đứng ra khởi kiện nhưng vẫn “trắng tay”. Anh Nguyễn Toàn Thắng (Q.Thủ Đức) làm việc tại SPT từ năm 2007 đến 2012, đến nay số tiền công ty nợ anh gần 50 triệu đồng vẫn chưa đòi được. “Dù tôi đã thắng kiện nhưng không thể thi hành án, sổ BHXH cũng không chốt được, các quyền lợi đều bị mất hết”, anh Thắng bức xúc.
Trong tổng số tiền hơn 90 tỉ đồng mà các DN trên địa bàn Q.7 nợ BHXH còn có Công ty CP thương mại - dịch vụ hàng hải Phú Mỹ với hơn 4 tỉ đồng. Ông Lê Liêm than thở: “BHXH đã kiện từ tháng 3.2011, nhiều lần gửi văn bản đòi nợ, nhưng DN chỉ hứa sẽ cố gắng trả mà không biết lúc nào họ thực hiện”.
Kiện 2 lần vẫn không trả
Trong số những DN của Mai Linh bị kiện có Công ty CP Taxi Mai Linh Miền Nam và Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải Sài Gòn Bình Minh đã bị kiện đến 2 lần với số tiền khoảng 76 tỉ đồng, nhưng BHXH TP.HCM vẫn không thể thu được.
Từ tháng 2.2011, Công ty CP nhựa Trường Thịnh (KCN Tân Phú Trung, H.Củ Chi) không đóng BHXH. Tháng 8.2012, BHXH H.Củ Chi khởi kiện và TAND H.Củ Chi ra phán quyết buộc công ty này phải trả hơn 1,5 tỉ đồng BHXH. Tuy nhiên công ty vẫn không chịu trả. Năm 2014, BHXH H.Củ Chi lại tiếp tục khởi kiện đòi hơn 3,5 tỉ đồng BHXH mới phát sinh. Tháng 2.2015, TAND H.Củ Chi lại tiếp tục xét xử lần thứ 2, nhưng sau khi bản án thứ 2 được ban hành, Công ty Trường Thịnh vẫn tiếp tục phớt lờ. Tính đến nay, Công ty Trường Thịnh đã nợ BHXH số tiền tổng cộng hơn 6,6 tỉ đồng.
Ông Đào Anh Kiệt, Phó giám đốc BHXH H.Củ Chi cho biết đã gửi công văn “cầu cứu” đến UBND H.Củ Chi và UBND huyện đã chuyển hồ sơ, chỉ đạo Thi hành án H.Củ Chi tổ chức thi hành án, nhưng đến nay vẫn không thể thi hành được. Ngày 19.3, Thi hành án H.Củ Chi trả hồ sơ về lại BHXH H.Củ Chi, trong đó nêu rõ: “Qua xác minh điều kiện thi hành án, nhà xưởng Công ty Trường Thịnh là của Công ty CP xây dựng Sài Gòn cho Công ty Trường Thịnh thuê. Các tài sản còn lại tại Công ty Trường Thịnh đều đang được thế chấp tại ngân hàng. Công ty Trường Thịnh không còn hoạt động và cũng không có tài sản nào khác để thi hành”.
Công nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn phải tự túc khám thai, khám chữa bệnh vì quyền lợi
về bảo hiểm bị tước đoạt
DN mặc dù đã trừ lương của công nhân nhưng không đóng BHXH, dẫn đến việc công nhân bị thiệt thòi đủ đường. Trường hợp của Công ty TNHH Bách Hợp (391 An Dương Vương, Q.6) là một điển hình. Kể từ tháng 4.2014, Công ty Bách Hợp đã không đóng BHXH dù vẫn trừ tiền BHXH của công nhân. Đến tháng 7.2014, công ty ngưng hoạt động, giám đốc (người Áo) rời khỏi VN. Hơn 160 công nhân đột nhiên bị mất việc, trong đó có 20 lao động là phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Nữ công nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết do không có BHYT nên khi mang thai, chị phải tự túc đi khám thai, khám chữa bệnh mà không hề được hưởng một quyền lợi nào. Tương tự, chị Nguyễn Thị Lệ Hoa cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn đó, vừa bị mất việc, vừa đang mang thai và bị mất hết quyền lợi. 7 nữ công nhân khác của công ty đang chuẩn bị sinh con cũng rơi vào hoàn cảnh này.
Trước tình hình đó, Liên đoàn Lao động Q.6 đã phải trích quỹ xã hội của công đoàn và vận động thêm các mạnh thường quân tiếp tục đóng BHXH cho các công nhân này, nhờ đó mà các chị mới được hưởng chế độ thai sản sau khi sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.