Trắng đêm chăm hổ đẻ

20/09/2015 04:55 GMT+7

Tối 7.7.2015 là một buổi tối đặc biệt trong lịch sử 150 năm Thảo Cầm Viên Sài Gòn, bởi lần đầu tiên tại VN có 3 chú hổ trắng bengal chào đời trong môi trường nuôi nhốt.

Tối 7.7.2015 là một buổi tối đặc biệt trong lịch sử 150 năm Thảo Cầm Viên Sài Gòn, bởi lần đầu tiên tại VN có 3 chú hổ trắng bengal chào đời trong môi trường nuôi nhốt.

Hổ trắng mẹ và 2 chú hổ trắng con sống trong chuồng nuôi ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn
Hổ trắng mẹ và 2 chú hổ trắng con sống trong chuồng nuôi ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn - Ảnh: Phạm Hữu
Theo các nhà khoa học, số lượng hổ trắng bengal trên thế giới đã giảm từ 100.000 con (năm 1900) xuống còn 3.200 con (năm 2013) và đang trong tình trạng rất nguy cấp. Loài động vật này chỉ phân bố tự nhiên ở Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Myanmar... không có ở VN. Để có được kỳ tích nhân giống thành công hổ trắng trong môi trường nuôi nhốt, những cán bộ kỹ thuật của Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã trải qua quá trình kéo dài nhiều năm chăm sóc, nuôi dưỡng, phối giống rất kỳ công.
“Vuốt ve cả tiếng mới bú hết bình”
3 giờ sáng, tại căn phòng nhỏ của Xí nghiệp động vật trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn, chúng tôi gặp Nguyễn Bá Phú (32 tuổi), bác sĩ thú y, từng học Khoa Chăn nuôi - thú y (Trường ĐH Tây Nguyên), đang pha sữa và cho hổ con bú sữa bình một cách rất thuần thục. Hai chân trước quấn chặt cánh tay của Phú, chú hổ con ngoan ngoãn ngậm bầu sữa uống hết rồi lăn ra ngủ ngon lành. Còn Phú cặm cụi súc rửa bình, lấy khăn khô lau sạch những giọt sữa vương vãi ra sàn...
Ra trường năm 2006, Phú từng làm cho một bệnh viện thú y ở Thảo Điền, Q.2, đến 2013 mới vào công tác ở đây. Khi “dự án hổ trắng” bắt đầu, cùng 2 đồng nghiệp khác là anh Lê Anh Tâm (31 tuổi) và Nguyễn Phước Thịnh (29 tuổi), Phú trở thành “ngự lâm chăm hổ”.
Trắng đêm chăm hổ đẻ
Trong số 3 hổ con ra đời tối 7.7, có một con sức khỏe yếu nên được tách đàn để chăm sóc riêng. Hơn 2 tháng qua, 3 “chàng ngự lâm” vừa làm nhiệm vụ thường xuyên ở xí nghiệp, vừa luân phiên trực 24/24 để cho hổ bú sữa, theo dõi sức khỏe và vệ sinh khu vực hổ con nằm...
Riêng việc chăm sóc chú hổ trắng tách đàn không hề đơn giản. Xí nghiệp đã chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện quy trình đặc biệt. Ở tầng trệt ngôi nhà 2 tầng của xí nghiệp, cạnh phòng thú y chuyên chữa trị những con thú bị bệnh có riêng một phòng rộng hơn 20 m2 dành cho chú. Mọi thứ trong phòng như bình sữa, khăn bông, bình đun nước nóng, đèn sưởi... được trang bị tươm tất, không khác là bao so với sự chuẩn bị của một bà mẹ đang chăm con nhỏ.
Một cuốn sổ nhật ký ghi nhận từng chi tiết của quy trình chăm sóc hổ con: 11 giờ 45 ngày 12.7 tách đàn, hổ con nặng 0,81 kg, thân nhiệt hạ xuống 32,90C (bình thường 370C). Sau khi sưởi đèn, cho bú 25 ml sữa, lúc 12 giờ thân nhiệt tăng lên 37,60C. Trong ngày 12.7, thông tin ghi nhận sức khỏe hổ con và chu kỳ cho bú sữa lặp lại lúc 14 giờ 15, 16 giờ, 17 giờ 15, 22 giờ 30, 2 giờ 30, 3 giờ... Đúng một tháng sau, ngày 12.8 ghi nhận hổ con đang lớn lên khỏe mạnh mỗi ngày, cân nặng 4,65 kg, uống được 150 ml sữa/lần. Đến ngày 13.9 hổ con tăng lên 8,55 kg, lượng sữa uống mỗi lần 180 ml kèm với 3 gr thịt bò tươi xay nhuyễn...
Trắng đêm chăm hổ đẻ 3
“Ở đây chăm hổ như chăm con nhỏ”, Phú ví von và kể: “Hiện mỗi ngày hổ con tăng trọng bình quân 2 gr. Quy trình chăm sóc phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt, chỉ cần bỏ khẩu phần ăn của hổ một lần thì tốc độ tăng trưởng của nó sẽ bị thay đổi ngay. Khổ nhất là việc cho hổ bú sữa. Lúc nó khỏe thì bú hết bình chỉ mất khoảng 15 phút nhưng lúc nó đỏng đảnh thì phải ngồi vuốt ve cả tiếng đồng hồ hổ mới bú hết. Thường thì 3 - 4 giờ cho bú sữa một lần nhưng để tránh xảy ra tình huống rủi ro, ảnh hưởng đến sức khỏe của hổ con, anh em trong mỗi phiên trực thường xuyên phải thức trắng đêm”.

Nguyễn Phạm Minh Phương, người “se duyên” cho hổ trắng đang theo dõi tăng trọng của chú hổ con được chăm sóc đặc biệt

Nguyễn Bá Phú, một trong 3 “chàng ngự lâm” chăm sóc hổ trắng

Chuyện tình... Lem và Luốc
Cặp hổ trắng bố mẹ được nhập về từ vườn thú Elmvale (Canada) bằng đường hàng không qua sân bay Tân Sơn Nhất. Con đực được đặt tên là Lem, con cái là Luốc. Khi mới nhập về vào cuối năm 2009, mỗi con nặng khoảng 120 kg. Đến đầu năm 2011, Lem và Luốc bước vào độ tuổi trưởng thành, mỗi con nặng khoảng 200 kg. Tập tính của hổ trắng là sống đơn lẻ, con đực và con cái chỉ “chịu nhau” trong chu kỳ lên giống, chứ bình thường mà cho ở chung thì nó có thể đả nhau đến một mất một còn.
Đa phần cán bộ của Xí nghiệp động vật đều rất trẻ, chỉ trên dưới 30 tuổi nhưng nhiều người trong số đó lại rất mát tay trong việc “se duyên” cho hổ, đặc biệt là bác sĩ thú y Trần Thị Mỹ Hạnh và Nguyễn Phạm Minh Phương. 12 năm gắn bó với Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Mỹ Hạnh từng “se duyên” thành công một cặp hổ vàng bengal sinh được 3 hổ con, đặc biệt một cặp hổ Đông Dương sinh 5 hổ con vào năm 2014. 5 chú hổ Đông Dương này sau đó lần lượt được gọi tên là Thảo, Cầm, Viên, Sài, Gòn để đánh dấu sự kiện đặc biệt: hổ Đông Dương lần đầu tiên nhân giống thành công sau hàng chục năm nuôi và cũng là lần đầu tiên sinh 1 lần đến 5 con (bình thường sinh 2 - 4 con).
Trắng đêm chăm hổ đẻ 4
Lần này, cũng chính chị Mỹ Hạnh là người chăm sóc Lem và Luốc những ngày đầu “mới đến VN”. Đến khi chuyển sang phụ trách cứu hộ voọc chà vá, nhiệm vụ “se duyên” hổ trắng chị Mỹ Hạnh mới bàn giao lại cho Minh Phương. “Hổ trắng trưởng thành có chu kỳ lên giống trong vòng 30 - 75 ngày. Điều khó khăn nhất là phải canh cho được chính xác “giờ G” của hổ cái để cho hổ đực tiếp cận lên giống mới hy vọng có kết quả. Thời gian mang thai của Luốc kéo dài khoảng 104 ngày. Suốt thai kỳ của nó, xí nghiệp gắn 4 camera theo dõi cho tới lúc sinh”, Minh Phương cho biết. “Mọi người hết sức hồi hộp khi chứng kiến qua camera hổ mẹ sinh con ở chuồng nuôi. Khi mẹ tròn con vuông rồi, mọi người mừng rơi nước mắt nhưng cũng rất lo vì trách nhiệm chăm đàn hổ sẽ rất nặng và áp lực nhiều hơn. Chú hổ con khi mới tách đàn, anh em chăm rất cực”, Minh Phương chia sẻ thêm.
Cùng là cán bộ trẻ, chị Phạm Diệp Ngân, Giám đốc Xí nghiệp động vật, luôn đồng cảm với đồng nghiệp qua lòng yêu nghề, tận tâm nuôi dưỡng hổ trắng cũng như hơn 1.000 cá thể thú đặc hữu khác như trĩ sao, voọc chà vá, báo lửa, vượn má vàng, hươu vàng... hiện có trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Chị bảo: “Anh em ở miết với thú nên có lúc đi ra ngoài mọi người trêu là sao chơi với thú hoài, có thấy chán không? Nói thật là càng làm càng bị công việc cuốn hút. Nuôi động vật quý hiếm để bảo tồn nguồn gien là một công việc rất đặc thù. Không có đam mê thật sự thì không thể làm được thành công”.
Bảo vệ công trình nghiên cứu
Sau khi Thảo Cầm Viên Sài Gòn tổ chức đầy tháng cho 3 chú hổ trắng, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân vào ngày 12.8 đã đến thăm, tặng bằng khen cho đơn vị này về thành tích lai tạo giống thành công loài hổ trắng bengal. Ông Quân đánh giá việc nhân giống hổ trắng bengal là một thành công lớn, đồng thời chỉ đạo lập hồ sơ trình Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT để bảo vệ công trình nghiên cứu.
Ông Quân cũng đề nghị cần tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp tục nhân giống, bảo tồn các loại động thực vật quý hiếm, phát triển Thảo Cầm Viên Sài Gòn ngày càng phong phú, đa dạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.