Tranh luận sôi nổi về 'lựa chọn cách tính tiền điện'

11/07/2020 06:09 GMT+7

Nhiều bạn đọc đã tranh luận sôi nổi về việc thay vì chỉ có một cách tính là theo biểu giá bậc thang như hiện nay, người dùng điện sinh hoạt có thể có thêm phương án 1 giá (1 bậc) để lựa chọn, tính toán tiền điện.

Như Thanh Niên đã thông tin trên số báo ra ngày 10.7.2020, bên lề hội thảo “Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời áp mái” do Bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết trong phương án tính giá điện sắp tới, Bộ sẽ đưa ra thêm một lựa chọn là ngoài phương án tính biểu giá điện theo 5 bậc, sẽ thêm một phương án nữa là 1 bậc. Theo đó, khách hàng không thích tính giá điện theo biểu giá bậc thang sửa đổi là 5 bậc, sẽ có thêm lựa chọn nữa là chỉ trả bằng 1 giá.

Một hộ nghèo tá hỏa vì nhận hóa đơn 90 triệu tiền điện một tháng - Video tháng 6.2020

Quan trọng là cách tính giá điện bình quân

Bạn đọc (BĐ) Nguyễn Viết Vinh viết: “Cách tính thang bậc tiêu thụ điện để áp giá của ngành điện đã quá lạc hậu. Ví dụ, bậc 1 là 50 kWh đầu giá thấp đã áp dụng cả gần 2 thập niên khi mà điều hòa, quạt máy và các dịch vụ khác hầu như chưa phát triển”. Ý kiến này được nhiều BĐ đồng tình.
BĐ Nhan Nguyen cho biết thêm: “Theo ý kiến cá nhân tôi, giá điện tính theo bậc cũng được, nhưng bậc 1 nhất thiết phải tăng lên 200 kWh thì mới đúng nhu cầu đời sống thực tế”. BĐ Chuong Do cũng cho rằng: “Vẫn tính như cách cũ nhưng tăng định mức cho bậc 1, 2 thì sẽ công bằng cho người nghèo và người giàu”.

Tính cách nào cũng được, làm sao để người tiêu dùng không bị thiệt thòi là được.

Nguyễn Minh Chi

Trong khi đó, BĐ Hoang Tung Vo lại đề nghị: “Nên chia làm 2 loại (một là sinh hoạt, hai là kinh doanh). Với kinh doanh thì giá điện phải cao hơn vì dùng điện để đẻ ra tiền, còn điện sinh hoạt chỉ là nhu cầu và đây là nhà nước phục vụ an sinh xã hội. Quan trọng là cách tính giá điện bình quân thế nào (cơ sở để tính giá)?”.
BĐ Xuan Vo Thanh cũng nêu câu hỏi: “Chúng tôi muốn biết giá thành điện thực tế 1 kWh là bao nhiêu? Phải căn cứ vào giá thành thực tế + lãi % + 10% VAT là thành giá bán buôn điện”.

Cần định mức tiêu thụ bình quân phục vụ sinh hoạt cho hộ gia đình hợp lý với nhu cầu sinh hoạt thời công nghệ hiện nay. Ví dụ, tối thiểu cũng cần nấu ăn, tắm giặt, thắp sáng cho hộ gia đình 4 người. Các nhà nghiên cứu với các thiết bị như vậy cần bao nhiêu chỉ số điện thì đủ cho hằng tháng?   

Thu Thủy

Dùng hết 500 ngàn tiền điện, gia đình ở Nghệ An choáng váng nhận hóa đơn 16 triệu - Video tháng 6.2020

Bao giờ có đủ điện ?

Đó là câu hỏi được khá nhiều BĐ đặt ra. BĐ Trúc Trần bức xúc: “Chúng ta cứ nói thiếu điện và không khuyến khích dùng nhiều điện, đã bao lâu rồi? Và còn kéo dài bao lâu nữa? Bao giờ thì chúng ta có đủ điện, dư điện để khuyến khích mọi người xài nhiều điện?”.
Cùng quan điểm, BĐ Lam Phương chia sẻ: “Tôi cũng mong có ngày xài càng nhiều điện càng được ưu đãi, khuyến mãi như mua hàng hóa khác vậy”.
BĐ Nguyễn Long nêu một thực tế của mình: “Tối ngủ nóng quá chịu không nổi mới dám mở máy lạnh. Hôm nào có chút mưa, mát mát, thì chỉ mở cái quạt cho đỡ tốn điện”, và đặt câu hỏi: “Bao giờ thì máy lạnh không phải là thứ xa xỉ, chỉ nhà giàu mới dám xài?”. Đáp lại, BĐ Dực cho biết: “Câu trả lời là còn lâu bạn à”, và đưa ra một giải pháp hiện tại thực tế hơn là: “Nếu không dám mở máy lạnh chỉ vì sợ tốn tiền thì nên nghĩ cách làm thêm gì đó để có thêm tiền, còn hơn là mơ có ngày điện dư thừa tha hồ xài mà giá lại rẻ”.

Bây giờ có hy vọng giá điện theo cách 1 bậc có lợi hơn không là còn hơi sớm. Vì chưa biết sẽ tính bao nhiêu mỗi kWh. Tuy nhiên, nếu hộ gia đình tiêu thụ mỗi tháng trên 600 kWh, tôi nghĩ họ sẽ áp dụng giá 1 bậc. Với những hộ kinh doanh nhà trọ công nhân, nên buộc họ áp dụng giá 1 bậc. Hiện nay, có không ít chủ nhà trọ kiếm thêm chênh lệch từ việc thu tiền điện. Họ nêu lý do là phải tính bậc thang rất rắc rối.   

Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.