Tránh quyết sách đột ngột, chồng chéo gây khó doanh nghiệp

25/10/2018 07:11 GMT+7

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng 'nơi này, nơi khác, chỗ này, chỗ kia' công tác chỉ đạo còn rất chậm, nhiều thủ tục lặt vặt gây khó khăn cho DN.

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội ngày 24.10, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và nhiều đại biểu lưu ý cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục kinh doanh, đặc biệt chính sách khi ban hành làm sao tránh “giẫm chân nhau”, tránh dừng đột ngột gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Liệu cơm gắp mắm”
Chúng ta đưa ra một quyết sách nhưng cần phải tính tới việc giải quyết hậu quả, chứ không người ta kêu lắm. Có dự án 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm thủ tục đầu tư đầy đủ rồi nhưng không làm được, bao công sức họ bỏ ra. Trách nhiệm của cơ quan ban hành thủ tục hành chính ở đâu phải rà soát lại.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Góp ý kiến tại tổ Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá kết quả trong điều hành kinh tế - xã hội (KT-XH) đạt được thời gian qua là tương đối toàn diện. Theo Thủ tướng, đó là điều đáng mừng song vẫn “chưa an tâm” và những bất cập, tồn tại cũng đã được Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận trong báo cáo.
Trong các giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh việc tháo gỡ sự chồng chéo trong thể chế, để thực sự có một Chính phủ kiến tạo phát triển là rất quan trọng. Hiện nay, văn bản này chồng văn bản kia, hệ thống pháp luật chằng chịt, làm việc này lo việc kia, quy định lâu đời, nhiều tầng lớp ràng buộc… “Cần cố gắng sắp xếp, tổ chức lại, tháo gỡ những ràng buộc cho sự phát triển”, Thủ tướng chỉ rõ.
Đề cập tới các giải pháp về tài chính, ngân sách, Thủ tướng hoan nghênh các ĐB đã có những ý kiến thảo luận rất tốt, đặc biệt là việc sử dụng tiền hiệu quả hơn, chống lãng phí. Thủ tướng lưu ý, phải “liệu cơm gắp mắm”, đừng để “mặc áo quá đầu”. “Anh đi vay tràn lan cho đầu tư phát triển sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Tất nhiên, nếu dừng lại không làm gì cũng chết, nhưng đầu tư bừa bãi còn nguy hiểm hơn”, Thủ tướng phân tích.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) ghi nhận về thành công lớn trong 3 năm qua là đã cơ cấu lại nợ, giảm khoản trả nợ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ĐB này lưu ý từ nay đến 2021 mỗi năm có thể mất 400.000 tỉ đồng để trả nợ lãi và gốc, tương đương với chi đầu tư của VN. Vì vậy, ngoài việc siết chặt quản lý nợ thì đầu tư từ các nguồn vay nợ làm sao phải tạo được sự tăng trưởng, có khả năng thu hồi vốn. Chính phủ cũng phải nhìn lại việc cho vay lại và bảo lãnh, vì hiện nay nợ quốc gia sắp chạm trần, nếu vượt trần này thì mức tín nhiệm của VN sẽ khác, các doanh nghiệp (DN) không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.
Trước lo ngại của ĐB Hàm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (Hà Tĩnh) trấn an nợ nước ngoài quốc gia bao gồm cả nợ nước ngoài của Chính phủ và tiền vay của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. “Vừa qua có việc DN Thái Lan mua bia Sài Gòn với giá khoảng 5 tỉ USD, thì họ cũng dùng cả vốn đi vay. Có điều ở đây pháp nhân mua lại là một công ty con là DN tư nhân của VN nên vẫn tính vào là nợ của quốc gia”, ông Huệ dẫn chứng, đồng thời lưu ý nghĩa vụ trả nợ các khoản này không phải của Chính phủ mà là của các DN ngoài nhà nước, tuy nhiên Chính phủ đã biết và kiểm soát chặt.
Về kỳ hạn vay nợ, Phó thủ tướng thông tin, trước đây kỳ hạn trả nợ trong nước vay bình quân 2,3 năm, nhưng nay cơ cấu lại thì tính bình quân thời gian trả nợ trên 7 năm, đã dài gấp 3 lần trước đây và tỷ lệ trả nợ trên thu ngân sách giảm xuống.
Chính sách dừng đột ngột gây khó DN
Tại tổ Hải Dương, ĐB Phạm Xuân Thăng đánh giá cao Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo thuận lợi hơn cho người dân và DN, tuy nhiên nhiều chính sách khi thực thi chưa được làm mạnh mẽ. Đơn cử, luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã có hiệu lực gần một năm, nhưng nghị định và thông tư hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia thị trường chậm được triển khai, nhất là các chính sách về tiếp cận nguồn vốn, đất đai... Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều DN, tuy các điều kiện thủ tục kinh doanh có cắt giảm, nhưng trong văn bản hướng dẫn vẫn còn có những quy định gây khó khăn cho DN. Điều đó cho thấy, môi trường đầu tư được cải thiện nhưng còn nhiều rào cản.
Về vấn đề này, tại tổ Cần Thơ, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư là rất đáng ghi nhận, song ở “nơi này, nơi khác, chỗ này, chỗ kia” công tác chỉ đạo còn rất chậm, nhiều thủ tục lặt vặt gây khó khăn cho DN. Đặc biệt, tình trạng chính sách ban hành đột ngột dẫn tới hậu quả, thiệt hại cho các nhà đầu tư.
“Chúng ta tạm dừng việc lấy đất công để thanh toán cho các dự án BT, nhưng trước đó DN họ làm với nhà nước, thủ tục và hợp đồng đàng hoàng, tự nhiên dừng một cái gây khó khăn. Chúng ta đưa ra một quyết sách nhưng cần phải tính tới việc giải quyết hậu quả, chứ không người ta kêu lắm. Có dự án 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm thủ tục đầu tư đầy đủ rồi nhưng không làm được, bao công sức họ bỏ ra. Trách nhiệm của cơ quan ban hành thủ tục hành chính ở đâu phải rà soát lại. Đầu tư mới rất hoan nghênh, nhưng dự án mà họ đang đầu tư gặp khó khăn thì phải giải quyết”, Chủ tịch QH lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.