Trao 'quyền lực' cho vùng trọng điểm phía nam

24/12/2016 06:42 GMT+7

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía nam” được tổ chức hôm qua 23.12 tại TP.HCM.

Mạnh tỉnh nào tỉnh ấy làm
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhận xét trong giai đoạn 2001 - 2015, các tỉnh thành nằm trong vùng có những bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và khá hiệu quả. Vùng đã tạo công ăn việc làm cho 500.000 lao động, mức tăng trưởng cao hơn mức chung của cả nước đến 1,5 lần. Đặc biệt, TP.HCM với vai trò đầu tàu, GDP hằng năm tăng gấp 1,72 - 1,75 lần so cả nước. Tính đến cuối năm 2015, TP.HCM chiếm hơn 60% tổng GDP, hơn 60% tổng thu ngân sách nhà nước và 51% tổng vốn đầu tư phát triển toàn vùng.
Tuy nhiên theo ông Phong, việc liên kết vùng vẫn còn rời rạc, mạnh ai nấy làm và đặc biệt đang có nguy cơ phát triển thiếu bền vững. Đồng tình với nhận định này, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng đây là vấn đề mà năm nào cũng họp bàn, mổ xẻ rồi đâu lại vào đó.
“Cái chúng ta cần là bàn cấu trúc của một vùng. Rời rạc bởi tuy gọi là vùng nhưng bao năm qua chúng ta vẫn phát triển theo cấu trúc tỉnh. Mỗi địa phương đều có chính sách phát triển kinh tế riêng nhưng na ná nhau sao gọi là vùng trọng điểm. Theo tôi, cần có thể chế riêng cho vùng, không mang tư duy tỉnh nữa, có như vậy, vùng mới mạnh mới đúng ý nghĩa trọng điểm. Phải xây dựng chiến lược kinh tế trên quan điểm đây là vùng mạnh nhất, có khả năng cạnh tranh cao nhất của cả nước. Khi đã có thể chế vùng, điểm cốt lõi là trao quyền lực, quyền lực về tài chính, ngân sách, quyền lực điều hành, quy hoạch… Có như vậy mới tạo động lực để đột phá”, ông Trần Đình Thiên nói.
Đồng quan điểm, GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trung tâm nghiên cứu kinh tế tài chính, Đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhấn mạnh: “Lợi thế của vùng kinh tế là bổ sung cho nhau chứ không phải làm kiểu từ thiện. Tức là không phải thành phố đầu tàu gánh vác giúp đỡ cho những tỉnh thành khác. Mỗi tỉnh thành trong vùng phải tìm được thế mạnh của mình để phân chia vai trò và quyền lực có lợi cho nhau”.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho rằng tính vi mô của liên kết vùng chính là tìm ra được điểm mạnh điểm yếu của từng ngành, để từ đó phân bổ nhiệm vụ cho mỗi địa phương rõ ràng hơn, chú trọng vai trò của doanh nghiệp hơn.
Đặt hàng trí thức
Phát biểu kết thúc hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng thừa nhận các địa phương trong vùng chưa đánh giá hết tiềm năng của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam , chưa cụ thể hóa và xây dựng được cơ chế chính sách đặc thù để vùng phát triển, chưa xây dựng chính sách đồng bộ và chưa bố trí nguồn lực thật sự hiệu quả. “Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của TS Trần Đình Thiên về xây dựng cấu trúc vùng… Các địa phương trong thời gian tới cần nâng cao trách nhiệm, phải xây dựng được một cấu trúc liên kết bền vững. Với cách làm như hiện nay thì rất khó vì các địa phương không thể hy sinh lợi ích của mình cho lợi ích của cả vùng. Cơ chế ngân sách hiện nay không phải nộp theo vùng mà nộp theo địa phương nên để gắn lợi ích của địa phương vào cả vùng là rất khó”, Bí thư Thăng nhấn mạnh. Theo đó, cần có cơ chế xây dựng hiệu quả, gắn địa phương với cả vùng, thành đặc khu kinh tế mở của cả vùng chứ không chỉ riêng TP.HCM nữa.
“Tôi đề nghị các địa phương thật sự coi trọng liên kết gắn lợi ích của địa phương với lợi ích của cả vùng. Chúng ta có nguồn chất xám to lớn là các viện trường. Sắp tới, cần mời các viện trường, chuyên gia, nhà khoa học chung tay với vùng xây dựng đề án phát triển cụ thể, phải đặt hàng các chuyên gia, có hợp đồng trả phí đàng hoàng chứ không phải nhờ làm giúp. Có như vậy mới phát huy nguồn tri thức mà chúng ta đang có”, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.