Trẻ bị xâm hại 5 ngày không dám tắm vì sợ mất tang chứng

Thu Hằng
Thu Hằng
19/09/2019 19:07 GMT+7

Dẫn chứng trường hợp bà mẹ ở TP.HCM đưa con bị xâm hại đi giám định pháp y lòng vòng qua 5-7 nơi, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, công tác giám định tư pháp hiện nay còn nhiều bất cập.

Cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giám định tư pháp (GĐTP) tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều nay, 19.9, đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho hay hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào nào quy định về cơ chế để công nhận kết quả giám định pháp y đối với trường hợp bị xâm hại tình dục (XHTD), theo yêu cầu của gia đình bị hại.
Trong trường hợp cơ quan tố tụng chưa kịp thời trưng cầu giám định, trường hợp nạn nhân bị đe doạ, phát hiện vụ việc muộn thì gần như không có kết quả giám định, khiến mất đi chứng cứ quan trọng, dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm.
Ông Đặng Thuần Phong cho biết, theo báo cáo của Sở Y tế Lạng Sơn, từ 2015-2019, tại Lạng Sơn có 45 vụ xâm hại tình dục trẻ em nhưng không tiến hành giám định tư pháp, và cũng không phối hợp với cơ quan nào để chứng minh hành vi phạm tội. “Như vậy, 45 vụ XHTD trẻ em bị “lọt sổ”, đấy chính là những vấn đề bức xúc trong trưng cầu giám định.Trong báo cáo trình dự án luật, ban soạn thảo nêu việc sửa đổi bổ sung luật GĐTP là cần thiết đối với tài chính, ngân hàng, đất đai, công nghệ, môi trường… Còn XHTD, đặc biệt là XHTD trẻ em, thì như nào, có tính toán hay không?”, đại biểu Đặng Thuần Phong hỏi.
Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ XHTD trẻ em là do không được xử lý kịp thời. Không xử lý kịp thời ở đây không phải có sự bao che, che giấu hay xử nhẹ, mà là do vướng mắc trong giám định.
Dẫn lại vụ việc xảy ra tại TP.HCM tháng hồi tháng 4, bà mẹ đưa con gái 5 tuổi bị xâm hại đi giám định pháp y, khi đến công an phường thì công an phường chỉ đến bệnh viện, đến bệnh viện lại chỉ đến trung tâm pháp y, rồi đến công an quận xong lại quay về công an phường, bà Hải bày tỏ: “Có một lời bà mẹ nói rất đau xót là 5 ngày không dám tắm cho con chỉ vì sợ mất tang chứng. Trong điều 22 luật GĐTP quy định, khi phát hiện hành vi xâm hại hoặc dấu hiệu của hành vi bị xâm hại, thì người nhà, người thân của nạn nhân phải đến trình báo sự việc với cơ quan công an; và trong thời hạn 7 ngày thì sẽ ra quyết định có trưng cầu giám định hay không. Tuy nhiên, theo tôi, quy định hạn 7 ngày quá dài”.
Bà Hải đề nghị lần sửa luật lần này là cơ hội để các cơ quan chức năng xem xét lại hiện tượng XHTD trẻ em trong thời gian qua có dấu hiệu gia tăng liệu có một phần nguyên nhân do GĐTP hay không? Nếu có thì cần phải sửa để bảo vệ trẻ em.
“Tôi đã đọc dự thảo Luật thì không thấy sửa gì về thời hạn 7 ngày. Đề nghị ban soạn thảo quan tâm, đặc biệt liên quan đến xử lý tin báo tố giác tội phạm. Đây là những trường hợp đơn lẻ, quy định 7 ngày thì chưa hợp lý và dẫn tới rất khó khăn cho người giám định và bỏ lọt tội phạm”, Trưởng Ban Dân nguyện nói thêm.
Về giám định xâm hại trẻ em, Trưởng ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan đã có hướng dẫn. Tuy nhiên, trước ý kiến của các đại biểu, bà Nga cũng đề nghị Bộ Công an xem lại trong một số trường hợp cụ thể, cần cân nhắc rút ngắn thời gian giám định để xác định nhanh thủ phạm xâm hại trẻ em.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.