Trí thức mong được 'đặt hàng' phản biện

07/09/2014 03:00 GMT+7

Những giáo sư đại diện cho các hội chuyên ngành bày tỏ mong muốn nhà nước cần tạo cơ chế để đội ngũ trí thức VN được phản biện và giám định trước những vấn đề quan trọng của đất nước.

Những giáo sư đại diện cho các hội chuyên ngành bày tỏ mong muốn nhà nước cần tạo cơ chế để đội ngũ trí thức VN được phản biện và giám định trước những vấn đề quan trọng của đất nước.

GS Trần Đình Long phát biểu tại cuộc gặp gỡ - Ảnh: Ngọc Thắng

Mong muốn này được nêu hôm qua 6.9, khi Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ và làm việc với 21 giáo sư đứng đầu các hội trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN (Liên hiệp), nhằm góp phần cụ thể hóa Nghị quyết T.Ư 6 về đổi mới và phát triển khoa học công nghệ, phát huy đóng góp của đội ngũ trí thức VN.

Phản biện ai nghe ?

 

Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều công văn xin ý kiến nhưng ngày nhận được công văn lại trùng với ngày đã hết hạn đóng góp ý kiến

GS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học VN

Tại buổi làm việc, nhiều giáo sư trăn trở những vấn đề quan trọng cần có ý kiến tư vấn, phản biện của Liên hiệp và các hội thành viên nhưng chưa được các bộ, ngành và chính quyền địa phương quan tâm đặt hàng. Cơ chế thực hiện còn quá nhiều bất cập, yêu cầu nhiệm vụ tư vấn, phản biện cao trong khi thời gian lấy ý kiến quá ngắn.

GS Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng VN, cho rằng để hoạt động phản biện đi vào thực chất, cần có những hội đồng khoa học độc lập. GS Đăng cũng nhắc lại câu chuyện tham gia phản biện với dự án khai thác bauxite Tây nguyên, việc quy hoạch TP.Hà Nội… và bày tỏ sự “bất lực” khi góp ý của các nhà khoa học không được lắng nghe.

Theo GS Trần Tứ Hiếu, Hội Trí thức VN đã được nhà nước giao nhiệm vụ phản biện và giám định, tư vấn những vấn đề quan trọng của đất nước nhưng trên thực tế lại không tạo cơ chế cho hội làm việc. “Thực tế là phản biện ai nghe? Ai mời anh phản biện hay là phải tự đi xin việc? Mà xin việc đâu có phải dễ, phải hợp với người ta chứ không anh nói ngược lại cũng không được”, GS Hiếu phản ánh và đề nghị phải có cơ chế chính sách để nhiệm vụ phản biện, giám định và tư vấn mà nhà nước giao cho Hội Trí thức được thực thi chứ nếu chỉ có nghị quyết và nói không thôi thì không thể làm được. “Chúng tôi chỉ mong Hội Trí thức VN được đối xử và tạo điều kiện làm việc ngang bằng với Hội Nông dân và Công đoàn”, GS Hiếu bày tỏ.

Cùng chung bức xúc này, GS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học VN, chỉ ra rằng dù tổ chức rất nhiều cuộc họp để nghe trí thức nói nhưng “nghe phần lớn chỉ để nghe, nghe mà ít dùng, nghe mà ít thảo luận”. Theo GS  Hùng: “Có những biểu hiện hiểu sai trí thức, nghĩ rằng trí thức cần tiền, cần nhà ở, cần được đãi ngộ. Nhưng quan trọng nhất của người trí thức là người ta cần được nghe, được dùng. Điều này chúng ta ít quan tâm”.

“Không nên đánh đố trí thức”

 

Nhiều trí thức trẻ chưa được tập hợp

GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp, cho rằng nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cả ở cấp trung ương và địa phương còn chưa thống nhất về vai trò của Liên hiệp trong công tác vận động trí thức... Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song do thiếu các điều kiện cần thiết nên đến nay Liên hiệp mới chỉ tập hợp được trên 1 triệu trí thức (chiếm hơn 1/3 số trí thức trong cả nước). Nhiều trí thức, nhất là trí thức trẻ, trí thức hoạt động trong các khu vực ngoài nhà nước chưa được tập hợp trong các tổ chức.

GS Phạm Mạnh Hùng thẳng thắn: “Không nên đánh đố trí thức. Chúng ta nói phản biện và giám định nhưng phản biện và giám định phần lớn là không có tiền. Các bộ thường gửi công văn đến các hội để xin ý kiến nhưng không cung cấp tài chính để tổ chức lấy ý kiến” và cho biết: “Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều công văn xin ý kiến nhưng ngày nhận được công văn lại trùng với ngày đã hết hạn đóng góp ý kiến”.

GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng VN, cho rằng mọi đánh giá của nước ta về khoa học công nghệ vẫn chỉ là lý thuyết chứ chưa thực sự coi khoa học công nghệ là động lực phát triển. Thực tế ta vẫn ưu tiên những cái khác hơn. Theo GS Long, lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng có 19 viện, 3.000 cán bộ khoa học, trong đó có 60 giáo sư đầu ngành nhưng khoa học nông nghiệp không được phát huy. “Từ 10 năm nay vai trò thẩm định, phản biện về mặt khoa học nông nghiệp hầu như không có vì không được giao việc”, GS Long nói.

Chia sẻ với các ý kiến trên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Trong khi các nước đi tìm nhà khoa học, trả tiền trước để họ nghiên cứu thì nhà nước mình có sẵn thì không dùng”.

Khẳng định phải đổi mới tư duy khoa học công nghệ, từ việc đổi mới chính sách từ trên xuống và khuyến khích các mô hình ứng dụng hiệu quả, ông Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với ý kiến của nhiều giáo sư là phải có giải pháp để các doanh nghiệp coi nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. “Về chức năng giám sát, phản biện xã hội, ngoài những dự án nhà nước đặt hàng, Liên hiệp nên chủ động tìm kiếm các vấn đề để phản biện phù hợp, đúng lúc, hiệu quả”, ông Nhân đề nghị và bày tỏ khi chốt lại buổi làm việc: “Mong các nhà khoa học không nản lòng để cùng kiên trì thuyết phục người dân cùng cống hiến xây dựng đất nước. Tôi xin cam kết về trách nhiệm của MTTQ trong việc ủng hộ sự tham gia của giới khoa học”.

Tuệ Nguyễn

>> Tri thức trẻ tình nguyện
>> Cần cơ quan khách quan phản biện, giám sát
>> Mặt trận sẽ chủ động phản biện những vấn đề 'nóng
>> Thực hiện chức năng phản biện của báo chí trên tinh thần khoa học, xây dựng
>> Cần hiến định quyền giám sát, phản biện của dân 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.