Triển khai hệ thống cảnh báo tiêm chủng dịch vụ

21/09/2015 07:45 GMT+7

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đến nay đã triển khai hệ thống cảnh báo tiêm chủng dịch vụ tại 11 tỉnh, TP: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Thừa Thiên-Huế, Thanh Hóa, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đến nay đã triển khai hệ thống cảnh báo tiêm chủng dịch vụ tại 11 tỉnh, TP: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Thừa Thiên-Huế, Thanh Hóa, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng.

Triển khai hệ thống  cảnh báo tiêm chủng dịch vụCơ quan quản lý tăng cường giám sát an toàn tiêm chủng dịch vụ - Ảnh: Ngọc Thắng
Qua giám sát của hệ thống, các đơn vị tiêm dịch vụ đã phản ánh thực tế tình hình sử dụng vắc xin tại các cơ sở này. Tới đây, việc triển khai đồng bộ hệ thống báo cáo tiêm chủng dịch vụ trên toàn quốc sẽ mang lại hiệu quả cao trong quản lý tiêm chủng dịch vụ, hỗ trợ việc theo dõi, quản lý, lập kế hoạch sử dụng vắc xin.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết hệ thống này cũng sẽ kịp thời nắm được thông tin về các phản ứng, những sự cố liên quan đến tiêm chủng dịch vụ. Ngoài việc đảm bảo quy trình tiêm chủng an toàn về mặt kỹ thuật, các điểm tiêm dịch vụ còn phải cung ứng đầy đủ vắc xin, đảm bảo các trẻ phải được tiêm đầy đủ, đúng lịch, tránh để các trẻ không được tiêm chủng đầy đủ dẫn đến lây nhiễm bệnh nguy hiểm như thực tế đã xảy ra vừa qua với một số trẻ bị ho gà.
Hằng năm, có khoảng hơn 200.000 liều vắc xin đa giá được cung cấp cho khu vực tiêm dịch vụ, mỗi trẻ cần tiêm 3 mũi, bởi vậy có khoảng 70.000 trẻ được tiêm. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm các vắc xin này kéo dài từ 2014 cho đến nay đã dẫn đến tình trạng các gia đình trì hoãn, chờ đợi vắc xin dịch vụ làm tăng nguy cơ cho các trẻ.
Ngoài ra, việc theo dõi các phản ứng sau tiêm cần được chú trọng hơn nữa, bởi vì bất cứ vắc xin nào cũng có thể gây phản ứng sau tiêm chứ không phân biệt vắc xin dịch vụ hay vắc xin miễn phí.
Theo phản ánh từ các đơn vị tiêm chủng dịch vụ, hiện có khoảng 20 loại vắc xin được tiêm dịch vụ tại VN. Trong đó, một số vắc xin có nhu cầu sử dụng tăng hằng năm như: thủy đậu, sởi, quai bị, rubella, cúm, vắc xin đa giá “5 trong 1” và “6 trong 1” phòng các bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, dự báo sẽ còn khan hiếm các vắc xin “5 trong 1” và “6 trong 1” trong các tháng tới. Hiện tại, các bệnh viện có phòng tiêm dịch vụ như: BV Nhi T.Ư, BV Việt Pháp, BV Vinmec đã tiếp nhận vắc xin “5 trong 1” miễn phí của chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm thay thế cho các vắc xin dịch vụ hết hàng.
Khảo sát tại một số điểm tiêm chủng dịch vụ cho thấy vắc xin dịch vụ có giá tiêm khá đắt như: vắc xin “5 trong 1” Pentaxim (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib) hiện 710.000 đồng/mũi tiêm; vắc xin “6 trong 1” Infaric Hexa (phòng bạch hầu, ho gà uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não mủ, viêm phổi do Hib): 700.000 đồng/mũi tiêm. Cùng đó vắc xin ngừa thủy đậu có giá từ 400.000 - 650.000 đồng/mũi tiêm (tùy loại của Bỉ hoặc Pháp, Mỹ); vắc xin sởi, quai bị, rubella có giá từ 170.000 - 195.000 đồng/mũi tiêm (của Bỉ, Pháp, Mỹ). Trong đó, một số vắc xin cần tiêm 2 - 3 mũi mới đảm bảo hiệu quả miễn dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.