Giá vàng nhảy múa

05/11/2010 00:15 GMT+7

Giá vàng tiếp tục nhảy múa. Vào chiều tối ngày 4.11 ở trong nước đã đạt đỉnh điểm mới 34,2 triệu đồng/lượng và trên thế giới đã vượt qua mốc 1.360 USD/ounce. Sự nhảy múa này khá lạ lùng, nằm ngoài dự đoán của nhiều người.

Sự lạ lùng này biểu hiện trên nhiều mặt.

Trước hết, giá vàng đã tăng với tốc độ cao, tăng liên tục, tăng trong một thời gian khá dài mà gần như không có kênh đầu tư nào có thể sánh kịp. Tháng 10.2010 so với tháng 12.2000 - tức là gần 10 năm - giá vàng trong nước đã cao gấp gần 7 lần, trong khi giá tiêu dùng cao gấp trên 2,1 lần, giá USD cao gấp gần 1,4 lần, lãi suất tiết kiệm gấp khoảng 2,1 lần, VN-Index gấp gần 2,2 lần... Trên thế giới, nếu trước đây để mua 1 ounce vàng chỉ cần khoảng 200 USD, nay phải cần tới 1.361 USD - tức là cũng cao gấp hơn 6,8 lần!

Giá vàng thường biến động lớn khi có những bất ổn lớn, như khủng hoảng, lạm phát... Nhưng diễn biến trong mấy năm nay không hoàn toàn như vậy. Năm 2010, tăng trưởng kinh tế cao lên, đang tiến tới phục hồi, thì giá vàng mới qua 10 tháng đã tăng tới 25%...

Đúng ra trong điều kiện mở cửa hội nhập, thì giá ở trong nước và giá trên thế giới phải thông với nhau theo nguyên tắc “bình thông nhau”. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều lúc giá vàng trong nước cao hoặc thấp hơn giá vàng thế giới, hoặc giá vàng thế giới tăng/giảm, nhưng giá vàng trong nước tăng/giảm chậm hơn. Sở dĩ như vậy là do có hai yếu tố, đó là xuất/nhập khẩu vàng và tỷ giá.

Từ năm 2008 trở về trước, hầu như chỉ có nhập khẩu vàng; từ năm 2009 đến nay, lại có xu hướng ngược lại: chủ yếu là xuất khẩu mỗi khi giá trong nước thấp hơn (trong gần 2 năm qua trị giá lên đến khoảng 5,4 tỉ USD); chỉ nhập khẩu để hạ nhiệt giá vàng ở trong nước với khối lượng và giá trị ít hơn nhiều. Tỷ giá VNĐ/USD từ vài ba năm nay cũng tăng cao hơn những năm trước.

Trước tình hình giá vàng tăng và tỷ giá VNĐ/USD tăng, Chính phủ đã đồng ý để Ngân hàng Nhà nước bơm mạnh ngoại tệ cứu tỷ giá, không tăng tỷ giá, không kết hối, để lãi suất tiền đồng vận hành theo cơ chế thị trường (thay vì yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất như trước đây), mà sử dụng các công cụ lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc... để ổn định mặt bằng lãi suất…

Lường đoán tác động của những yếu tố này, người viết cho rằng giá vàng thế giới vẫn đang trong xu hướng tăng do các nền kinh tế lớn tăng cung tiền để kích thích kinh tế, nhất là gói 2 được Fed quyết định trong một vài ngày tới (nhưng xen kẽ có đợt giảm do các nhà đầu tư bán ra chốt lời). Giá vàng trong nước vẫn trong xu hướng tăng.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.