Trong dự án 42 triệu USD ở TP Đà Nẵng: Đường ống thoát nước tiếp tục bị vỡ nát !

08/06/2007 23:18 GMT+7

Tiếp theo sự cố vỡ nát hơn 100m đường ống thoát nước trên đường 2.9 (Thanh Niên đã phản ánh), vào những ngày đầu tháng 5.2007, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8 tiếp tục thay thế hàng chục điểm đường ống bị vỡ trên đường Nguyễn Tất Thành (cung đường Phú Lộc). Vì sao đường ống chưa hoạt động đã liên tục bị vỡ?

Lao đao vì sự cố kỹ thuật !

Sau khi gia cố đường ống thuộc cung đường Phú Lộc bằng nẹp sắt, thêm nhiều điểm đường ống thoát nước bị bể nát được phát hiện. Vào những ngày đầu tháng 5.2007, đơn vị thi công bắt đầu đào xới tan tành đường Nguyễn Tất Thành để truy tìm các đoạn ống bị vỡ và tiến hành thay thế bằng các ống nhựa HDPE phi 800. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, có ít nhất 10 điểm, mỗi điểm trên 10m đường ống bị dập nát cần phải thay thế. Trước đó, vào tháng 1.2007, hơn 3,8 km đường ống trên đường 2.9 (thuộc cung đường ống Hòa Cường) kéo dài từ Cổ viện Chàm đến đầu cầu Tuyên Sơn bị vỡ nát nhiều đoạn. Mãi đến hôm nay, các đơn vị liên quan vẫn chưa khắc phục xong. Trong khi đó, theo nguồn tin của Thanh Niên, hàng chục mét dây điện được chế tạo riêng cho máy bơm nước tự động trong đường ống - nhập khẩu từ nước ngoài - về các trạm xử lý đã bị mất trộm.

Sự cố mất trộm dây dẫn điện này khá kỳ lạ vì bọn trộm "cả gan" vào ngay trong kho chứa hàng của đơn vị thi công đặt tại 24 Trần Phú ẵm đi. Qua nhiều tháng trời báo mất với cơ quan công an, đến nay cũng chưa tìm thấy. Việc mất mát này làm cho tiến độ lắp đặt thiết bị chậm lại vì phải chờ hàng từ nước ngoài chuyển về. Rất nhiều máy bơm nước đã lắp đặt nhưng không hoạt động được! Chưa hết, trên đường Nguyễn Tất Thành, có nhiều đoạn phải đặt ống thông hơi. Tuy nhiên, sau khi đặt xong, đoạn đường này bị đào xới bởi nhiều đơn vị khác nhau. Kết quả là nhiều ống thông hơi bị bể, không phát huy tác dụng, buộc phải thay thế.  

Hậu quả đã được báo trước ?

Theo ông Nguyễn Tấn Liên, sau khi bàn giao, các hạng mục công trình của dự án vẫn chịu sự giám sát của tư vấn trong suốt 12 tháng tiếp theo và sẽ giữ lại của nhà thầu 1,8 triệu USD để bảo hành công trình, khắc phục các hư hỏng nếu có xảy ra.

Trả lời PV Báo Thanh Niên vào tháng 1.2007 về nguyên nhân gây sụt lún và vỡ đường ống, ông Nguyễn Tấn Liên - Trưởng ban Quản lý các dự án hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng khẳng định: "Trong quá trình thi công, tư vấn giám sát đã yêu cầu nhà thầu xử lý hiện tượng nền đất yếu tại vị trí lắp đặt đường ống có cấu tạo địa chất phức tạp bằng cát đầm từng lớp. Nhưng do túi bùn lớn, nằm bên ngoài phạm vi cừ Larsen nên dẫn đến một số đoạn ống bị biến dạng".

Ông Liên cũng thừa nhận chỉ có cung đường Hòa Cường dài 3,8 km được lắp đặt ống nhựa HDPE phi 800 loại gân xoắn, nên không chịu nổi áp lực dẫn đến vỡ, xẹp. Còn lại các cung đường ống khác như Phú Lộc, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn được lắp đặt đường ống nhập khẩu từ nước ngoài. Thế nhưng không hiểu vì sao đường ống trên đường Nguyễn Tất Thành (thuộc cung đường ống Phú Lộc) lại bị vỡ nhiều điểm, nhất là tại khu vực đầu giếng? Chưa  hết, trước đây, đơn vị thi công đã từng cảnh báo với Ban Quản lý và tư vấn giám sát về chất lượng đường ống nhưng không nhận được sự hồi âm tích cực. Dư luận đặt nhiều dấu hỏi nghi ngờ về chất lượng của cả tuyến đường ống dài 37 km đã được lắp đặt. Được biết, số tiền phải bỏ ra để khắc phục các sự cố kỹ thuật do vỡ đường ống hơn 10 tỉ đồng (kể cả phải chi trả cho đơn vị thi công).

Trao đổi với PV Thanh Niên, đơn vị thi công khẳng định, họ đã thi công đúng thiết kế, nên không thể buộc họ hoàn trả chi phí gia cường. Vậy lỗi thuộc về ai? Vì sao phải sử dụng ống nhựa HDPE loại gân xoắn trên nền đất yếu? Số tiền tăng thêm để khắc phục hậu quả sụt vỡ đường ống, ai sẽ phải gánh chịu ? 

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.