Trọng tài thương mại sẽ có quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp?

21/11/2009 11:01 GMT+7

(TNO) Sáng nay (21.11), Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự Luật Trọng tài thương mại (TTTM).

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại công nghiệp VN cho biết, qua hơn 6 năm thi hành Pháp lệnh TTTM mới có 280 vụ được xử bằng TTTM. Hiện tại, doanh nghiệp tìm đến TTTM để xử tranh chấp có xu hướng tăng, vì thế việc ban hành Luật TTTM là rất cần thiết, phù hợp với xu thế hội nhập.

Theo luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) thì “chúng ta chưa có thói quen xử bằng trọng tài chứ ở các nước, khi có tranh chấp thì các doanh nghiệp nhờ trọng tài là phổ biến”. ĐB Trừng cho rằng, so với xét xử tại tòa thì xử bằng trọng tài có nhiều ưu điểm có lợi cho doanh nghiệp.

“Trọng tài là xử kín chỉ có hai bên tranh chấp dự, do đó bảo vệ được uy tín của hai bên còn xử tại tòa là công khai, ai cũng có quyền đến dự. Thứ hai là đưa ra tòa thì sẽ kéo dài lê thê, có khi kéo dài tới mười năm, mười mấy năm, có khi nguyên đơn chết rồi nhưng vẫn kéo nhau ra tòa, trọng tài chỉ có một lần xử còn tòa án có nhiều cấp. Tòa thì chỉ có hội thẩm, còn trọng tài viên có chuyên môn”, ĐB Trừng cho biết.

Phó trưởng đoàn ĐB QH TP.HCM Trần Du Lịch hưởng ứng: “Hình thức trọng tài là một xu hướng phù hợp, cần thiết, giảm gánh nặng của tòa án. Tôi ủng hộ có luật này để phù hợp hội nhập”.

Dự luật quy định, Hội đồng trọng tài có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm duy trì, khôi phục hiện trạng tranh chấp, tiến hành các biện pháp bảo quản tài sản cần thiết đảm bảo cho việc thi hành phán quyết, bảo quản chứng cứ hay bảo quản tài sản liên quan đến tranh chấp. Đặc biệt đối với một số loại tranh chấp có liên quan đến tài sản, hàng hóa mau hư hỏng, nếu chờ các thủ tục tại tòa án thì sẽ không kịp thời, có thể dẫn đến những tổn thất không đáng có cho các bên.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH (cơ quan thẩm tra dự án luật) Lê Thị Thu Ba cho biết, ủy ban này tán thành với quy định trên của dự luật, với lập luận: “mặc dù đây là quy định mới so với Pháp lệnh TTTM năm 2003, nhưng phù hợp với thực tiễn của VN và luật mẫu về TTTM quốc tế của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật thương mại quốc tế, cũng như luật trọng tài của nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, việc giao cho trọng tài có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phù hợp”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán đồng với quy định của dự luật, cho rằng chỉ có tòa án mới có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp. ĐB Trần Du Lịch bày tỏ, khi cần thiết thì Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, tuy mới xử được 280 vụ bằng trọng tài nhưng đã có tới 4 vụ bị tòa tuyên hủy. Trong khi đó ở các nước có lịch sử xử bằng trọng tài hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nhưng chưa hề có trường hợp nào bị tuyên vô hiệu. “Điều này không phải do trình độ của trọng tài ta kém mà do các quy định của mình”, ông Huỳnh nói. Các quy định hiện tại không chặt chẽ nên khiến nhiều trường hợp lợi dụng để kéo dài thời gian thi hành.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng và ĐB Trần Du Lịch cùng quan điểm, đề nghị dự luật phải quy định chặt chẽ hơn việc tòa án xử vô hiệu phán quyết của trọng tài để tránh bị lạm dụng. “Quy định chặt chẽ ngay cả vấn đề thụ lý chứ chưa nói đến việc xử. Quyết định của trọng tài phải được công nhận tại tòa”, ĐB Trừng nhấn mạnh.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.