Trung Quốc lại bắt giữ tàu cá VN: Ngang ngược và vô lý!

29/03/2010 23:32 GMT+7

Ngày 22.3, tàu cá QNg-50362 TS cùng 12 ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc ngang nhiên bắt giữ đòi tiền chuộc, trong lúc họ đang hành nghề tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa của VN. Như vậy, từ năm 2005 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã có 33 tàu cá với 373 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ.

Bắt tàu, bắn người

Suốt những ngày qua, người thân của 12 ngư dân ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) - đang bị phía Trung Quốc bắt giữ tại đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa, VN) - như ngồi trên lửa vì không biết số phận chồng, con họ ra sao. Ngày 29.3 - thời điểm phía Trung Quốc hẹn sẽ liên lạc - nhiều gia đình lại lặn lội đến nhà chị Nguyễn Thị Bưởi, vợ thuyền trưởng và cũng là chủ tàu cá QNg-50362 TS Tiêu Viết Là (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), để ngóng chờ nhưng vẫn bặt vô âm tín. Cố liên lạc theo số điện thoại 00 86 13976018105 và 13976688406 thì chỉ nghe toàn tiếng Trung Quốc nên chả ai hiểu gì.

Yêu cầu Trung Quốc thả ngay ngư dân VN

Ngày 29.3, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của VN trước việc ngày 22.3.2010, tàu cá QNg-50362 TS và 12 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã bị lực lượng tuần tra Trung Quốc giữ và yêu cầu nộp tiền phạt khi đang hành nghề đánh cá bình thường tại khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Nguyễn Phương Nga cho biết: "Sau khi nhận được thông tin về sự việc, Bộ Ngoại giao VN đã gặp phía Trung Quốc khẳng định rõ chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ vụ việc, thông báo kết quả cho phía VN và thả ngay, vô điều kiện, tàu cá cùng toàn bộ số ngư dân nói trên".

Nguyên Phong

Mắt đỏ hoe, chị Bưởi kể: "Tối 25.3, khi anh Là điện thoại về báo tin tàu và 12 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ, đòi tiền chuộc 70.000 nhân dân tệ, tui điếng cả người, ngất xỉu luôn". Theo chị Bưởi, đây là lần thứ 4 trong 4 năm qua, tàu cá của gia đình bị phía Trung Quốc tấn công, bắt giữ. Trong đó, năm 2006, khi chạy vào núp gió tại khu vực đảo Phú Lâm, tàu của anh Là cùng 10 ngư dân bị phía Trung Quốc cho ca-nô đuổi theo thu sạch máy móc, dụng cụ, gạo, cá..., chỉ còn chừa đủ dầu cho chạy về đến Bình Châu, thiệt hại hơn 150 triệu đồng. Một năm sau, tháng 6.2007, trên đường chạy tránh bão tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, khi phát hiện tàu Trung Quốc từ xa, anh Là cho mở hết tốc lực mong thoát nạn nhưng bị tàu Trung Quốc rượt theo, nổ súng xối xả làm 6 ngư dân bị thương, nhiều người sau đó trở nên tàn phế, chẳng thể đi biển. Sau đó, dù được thả về trên một chiếc tàu khác (cũng ở Bình Châu) nhưng chiếc tàu trị giá trên 300 triệu đồng của anh Là bị Trung Quốc tịch thu luôn...

Tán gia, bại sản

Sau 2 lần bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tàu, gia đình anh Là trở nên trắng tay, nợ nần đầm đìa. Nhưng dân biển nếu không ra khơi thì biết làm nghề gì nuôi sống gia đình, lấy gì trả nợ? Vì vậy, đầu năm 2008, vợ chồng anh Là quyết định thế chấp căn nhà để vay ngân hàng cả trăm triệu đồng, vay mượn thêm của họ hàng mua lại chiếc tàu cá công suất 160 CV, trị giá khoảng 500 triệu đồng. Sau một thời gian chuyển đổi ngư trường vào Nam nhưng thua lỗ, anh Là và các ngư dân trở lại quần đảo Hoàng Sa - ngư trường truyền thống mà từ bao đời nay ngư dân Quảng Ngãi đã bám trụ - để một lần nữa tàu của anh lại bị Trung Quốc vô cớ bắt giữ, tịch thu máy móc, phương tiện hành nghề. Và cũng một lần nữa, gia đình anh Là đành phải bán tàu công suất lớn, mua lại tàu nhỏ hơn để trả bớt nợ nần.

Những ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ ngày 22.3: Tiêu Viết Là, 44 tuổi; Tiêu Viết Lành, 25 tuổi; Tiêu Viết Vấn, 18 tuổi; Nguyễn Văn Đưa, 28 tuổi; Nguyễn Đức Chung, 40 tuổi; Nguyễn Văn Thoại, 40 tuổi; Phạm Vĩnh, 37 tuổi (đều ở xã Bình Châu); Nguyễn Văn Say, 25 tuổi; Võ Thanh Tra, 32 tuổi; Huỳnh Văn Hòa, 32 tuổi; Võ Tấn Hùng, 34 tuổi; Dương Minh Tình, 24 tuổi (đều ở xã Bình Hải).

Tu sửa, mua sắm máy móc, thiết bị vừa xong, hôm 12.3, anh Là cho tàu QNg-50362 TS cùng 11 ngư dân, trong đó có 2 người con là Tiêu Viết Lành và Tiêu Viết Vấn, rời bến Bình Châu rẽ sóng thẳng tiến ra Hoàng Sa hành nghề lặn. Đi chuyến biển đầu tiên trên chiếc tàu mới, các ngư dân đều cầu mong trời yên biển lặng, khai thác được nhiều hải sản. Nào ngờ, chỉ 10 ngày sau họ lại bị Trung Quốc bắt giữ, đòi tiền chuộc.

"Cớ sao tàu của gia đình tui ra Hoàng Sa đánh bắt lại bị Trung Quốc bắt, giữ? Bây giờ có bán nhà cũng không trả nổi 700 triệu đồng tiền nợ, lấy đâu ra tiền chuộc tàu, chồng con?", chị Bưởi khóc tức tưởi. Thấy mẹ liên tục ngất xỉu, trong lúc cha, anh bị bắt, bị đòi tiền chuộc, mấy ngày qua em Tiêu Thị Vang (đang học lớp 9) cũng chẳng thiết học hành, ở nhà chăm sóc mẹ và dự định nghỉ học kiếm việc làm để phụ giúp gia đình.

Bám biển, ra khơi mong cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn và nuôi con học hành, nhưng cứ ra khơi xa lại bị Trung Quốc bắt giữ khiến gia đình anh Là rơi vào cảnh cùng quẫn, tán gia bại sản. Tương tự, gia đình của những ngư dân đang bị Trung Quốc giam giữ cũng đang rơi vào cảnh khốn khó, con cái đứng trước nguy cơ thất học, bởi nguồn thu nhập chính chỉ mong vào từng chuyến đi biển của chồng, cha, anh. Chị Cao Thị Phụng, vợ ngư dân Nguyễn Đức Chung, lo lắng: "Mấy ngày qua không có tin tức gì, tui lo quá. Ảnh mà có mệnh hệ gì, chắc mấy mẹ con cũng chết theo chứ biết bấu víu vào ai".

 
 Những người vợ thẫn thờ chờ ngóng tin chồng - Ảnh: Hiển Cừ

Không thể chấp nhận

Không chỉ lo lắng mà nhiều ngư dân quanh vùng còn tỏ ra khá bức xúc chuyện Trung Quốc liên tục bắt giữ tàu cá VN. "Quần đảo Hoàng Sa là ngư trường truyền thống mà bao đời nay cha, ông chúng tôi ra đó đánh bắt có sao đâu. Nhưng bây giờ liên tục bị Trung Quốc rượt đuổi, bắt giữ. Thật vô lý!", ngư dân Dương Tằm bất bình.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, bức xúc: "Không ra quần đảo Hoàng Sa đánh bắt thì ngư dân Bình Châu chỉ còn biết bỏ nghề biển, bởi đây là ngư trường chính. Còn ra đấy, Trung Quốc thích bắt thì bắt, rồi buộc nộp phạt mới thả người thì làm sao ngư dân chịu cho thấu". Theo ông Hùng, chỉ tính trong năm 2009, Trung Quốc đã 3 lần bắt giữ 3 tàu cá cùng 38 ngư dân Bình Châu, đồng thời tịch thu tài sản trị giá khoảng 2 tỉ đồng của ngư dân. Điều này là hết sức ngang ngược và vô lý. "Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN, không lý gì Trung Quốc lại bắt, giữ tàu cá của ngư dân VN. Nhà nước cần có sự can thiệp kịp thời để các ngư dân bị bắt nhanh chóng được trở về quê nhà", ông Hùng nói.

Trước sự tái diễn những hành động vô lý của phía Trung Quốc, ông Trương Ngọc Nhi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết ngày 29.3 UBND tỉnh đã có công văn gửi các cơ quan chức năng trung ương nhanh chóng can thiệp và yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện toàn bộ tài sản cùng 12 ngư dân. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nhi khẳng định: "Việc Trung Quốc liên tiếp bắt giữ tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi khi mưu sinh trên quần đảo Hoàng Sa là hành động vô nhân đạo, không thể chấp nhận được, gây tổn hại đến vật chất và tinh thần cho ngư dân nên phía Trung Quốc cần phải bồi thường".

Tính từ năm 2005 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có 33 tàu cá với 373 ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ. Trong đó có một số vụ điển hình:

- Ngày 26.4.2009, tàu QNg-94734 TS của ông Phạm Tĩnh, 58 tuổi, ở thôn Phần Thất, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ cùng 13 ngư dân đang trên đường tìm kiếm ngư trường tại tọa độ 17 độ vĩ bắc - 111,50 độ đông thì bị hai tàu của Trung Quốc (số hiệu 44061, 44831) rượt đuổi tịch thu khoảng trên 3 tấn cá.

- Ngày 16 và 17.6.2009, 3 tàu cá là QNg-6364 TS, QNg-6517 TS và tàu QNg-6597 TS, cùng 37 ngư dân Quảng Ngãi đang hành nghề tại quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc bắt giữ tại đảo Phú Lâm và buộc nộp phạt 210.000 nhân dân tệ.

- Ngày 1.8.2009, tàu QNg-95031 TS, công suất 105 CV của ông Nguyễn Tấn Lự (57 tuổi, quê ở Bình Châu, Bình Sơn) có 13 lao động, nghe tin thời tiết xấu vào trú ẩn ở quần đảo Hoàng Sa thì bị Trung Quốc bắt giữ.

- Ngày 7-8.12.2009, Trung Quốc lại bắt giữ 3 tàu cá QNg-66398 TS, QNg-96004 TS và QNg-66119 TS cùng 43 ngư dân huyện đảo Lý Sơn.

Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.