Trung Quốc và mưu đồ lập ADIZ

11/03/2016 05:54 GMT+7

Trong năm 2016, tình hình khu vực nhiều khả năng sẽ gia tăng căng thẳng lên một mức độ mới với việc Trung Quốc và Mỹ có thể bị cuốn vào đối đầu mang tính chiến thuật cả ở biển và trên không.

Trong năm 2016, tình hình khu vực nhiều khả năng sẽ gia tăng căng thẳng lên một mức độ mới với việc Trung Quốc và Mỹ có thể bị cuốn vào đối đầu mang tính chiến thuật cả ở biển và trên không.

Nhiều chuyên gia lo ngại tình hình khu vực sẽ căng thẳng hơn - Ảnh: Ngọc ThắngNhiều chuyên gia lo ngại tình hình khu vực sẽ căng thẳng hơn - Ảnh: Ngọc Thắng
Đây là nhận định của GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) tại Hội thảo quốc tế về ASEAN và quan hệ Trung - Mỹ do Học viện Ngoại giao (DAV) và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tổ chức hôm qua (10.3) tại Hà Nội.
Theo ông Thayer, Mỹ cũng như nhiều quốc gia trong khu vực ngày càng cảm thấy có sự bất ổn trong mối quan hệ với Trung Quốc (TQ). Một trong các nguyên nhân là việc TQ đơn phương mở rộng các hoạt động trục lợi một cách đầy tham vọng. GS Thayer cho rằng việc TQ quân sự hóa Biển Đông đã gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung theo hướng mới.
Những bước tiến leo thang của TQ ở Biển Đông, theo GS Thayer, có liên quan đến những phản ứng của Mỹ. Khi TQ vốn đóng chiếm trái phép một số đảo, đá ở Biển Đông từ trước nhưng Mỹ hầu như không có phản ứng nào. Sau khi TQ bất ngờ đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo, rồi triển khai máy bay quân sự, tên lửa..., Mỹ đã có những phản ứng mạnh hơn nhưng TQ vẫn tiếp tục các hoạt động của mình.
Việc TQ đưa hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm là dấu hiệu của sự phát triển chiến lược đáng chú ý mà TQ sẽ ráo riết đẩy mạnh hơn nữa. Ông Thayer dự đoán rằng trong thời gian tới, TQ nhiều khả năng sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. “Thực ra ADIZ này đã xuất hiện rồi nhưng Bắc Kinh sẽ thực hiện ráo riết hơn để kiểm soát các chuyến bay đi lại trên Biển Đông”, GS người Úc nói.
“Hành vi ngây thơ” (?)
Trong khi đó, học giả TQ Tô Hạo, GS Khoa Ngoại giao - ĐH Ngoại giao TQ, tuyên bố rằng hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo của TQ ở Biển Đông không nhằm ý đồ gây hấn mà chỉ là vì TQ muốn đóng góp cho hòa bình, an ninh của khu vực (!?).
Theo GS Tô Hạo, hành động của TQ mang tính “ngây thơ” (!?) vì TQ thấy các nước khác như Malaysia, Philippines, VN đã hiện diện ở Biển Đông nên muốn có sự hiện diện tương tự. Tuy nhiên, ông thừa nhận sự tăng cường hiện diện của TQ ở Biển Đông thời gian qua với hoạt động bồi đắp một loạt các đảo nhân tạo trên quy mô lớn đã ảnh hưởng đến quan hệ của tất cả các bên liên quan ở Biển Đông trong đó có cả TQ và Mỹ.
Trả lời báo chí bên lề hội thảo, TS Lê Hồng Hiệp (Khoa Quốc tế học, Đại học KHXH-NV TP.HCM) cho rằng do đến từ một cơ quan của TQ nên những ý kiến của ông Tô Hạo ít nhiều phản ánh các quan điểm chính thống của TQ. “Điều đó phản ánh lập trường chính thức của TQ. Hành động của TQ đã tạo ra sự thay đổi về cân bằng tương quan sức mạnh trên Biển Đông, có lợi cho TQ đồng thời gây bất ổn cho toàn bộ khu vực”, TS Lê Hồng Hiệp nhận định.
Khó có COC trong năm 2016
Trả lời báo chí về khả năng đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong năm 2016, TS Lê Hồng Hiệp cho rằng điều này khó có thể xảy ra.
Theo TS Hiệp, mặc dù chính các học giả của TQ cũng kiến nghị chính phủ TQ cần thiện chí hơn để đạt được COC nhưng Bắc Kinh vẫn đang dùng chiến thuật câu giờ. “TQ dùng lá bài đồng thời bày tỏ thiện chí đàm phán COC nhưng trên thực tế vẫn chây ì không có hành động cụ thể nào để có thể đạt được COC. TQ đương nhiên không muốn bị ràng buộc bởi COC khi mà trên thực địa họ vẫn muốn có tự do để đạt được mục tiêu của mình. Chừng nào TQ chưa hoàn thành mục tiêu quân sự hóa, thực hiện kiểm soát thực tế trên Biển Đông theo một nguyên trạng mới theo ý mình thì TQ vẫn chưa sẵn sàng để ký COC”, TS Hiệp nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.