Vẫn còn ý kiến băn khoăn trừ điểm bằng lái xe

27/06/2020 06:57 GMT+7

Theo dự thảo luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, khi bị trừ hết điểm, tài xế phải thi lấy lại bằng lái.

Việc này được nhiều người ủng hộ, tuy nhiên để áp dụng vào thực tế hiệu quả thì vẫn còn ý kiến băn khoăn.
Như Thanh Niên thông tin, dự thảo luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ tách ra từ luật Giao thông đường bộ 2008 có nhiều điểm mới so với luật hiện hành, trong đó nổi bật là việc trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX).
Theo đó, mỗi GPLX có tổng là 12 điểm. Khi người điều khiển phương tiện vi phạm về trật tự ATGT đường bộ, GPLX sẽ bị trừ điểm; dữ liệu về điểm trừ sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, GPLX không còn hiệu lực và phải thi sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày GPLX không còn hiệu lực.
“Một số lỗi thay vì bị tước quyền sử dụng bằng lái như luật hiện hành thì nay chuyển sang trừ điểm. Khi bị trừ điểm, người chạy xe sẽ ở trong tâm thế gần có khả năng bị tước bằng, buộc họ phải nâng cao ý thức giao thông. Việc trừ điểm GPLX là văn minh, đánh giá đúng quá trình lái xe an toàn của tài xế, không làm ảnh hưởng đến việc đi lại, thậm chí là công cụ kiếm kế sinh nhai của người chạy xe. Điều này quốc tế đã áp dụng từ lâu, chúng ta dựa trên kinh nghiệm ấy đưa vào luật cho phù hợp với hoạt động giao thông ở Việt Nam hiện nay”, đại diện Cục CSGT nhận định.

11 lỗi vi phạm nào bị CSGT tước ngay bằng lái theo dự thảo luật mới?

Ủng hộ trừ điểm vào bằng lái xe

Nhiều bạn đọc (BĐ) đồng tình ủng hộ việc trừ điểm GPLX nếu vi phạm các quy định của pháp luật về ATGT và cho rằng đây là cách làm văn minh. "Tôi cho rằng đây là một giải pháp xử phạt vi phạm giao thông rất cần thiết và văn minh. Hoàn toàn ủng hộ!", BĐ Minh Trí ý kiến.
"Hay đấy, văn minh đấy, tôi ủng hộ. Từ nay đơn vị xử phạt không tính bằng tiền nữa mà tính bằng điểm. Nếu bị trừ hết điểm coi như chấm dứt hành nghề lái xe... Chỉ có thi lại mới tiếp tục hành nghề", BĐ B.Đ nêu quan điểm.

* Một điều quan trọng là quản lý như thế nào để không nảy sinh tiêu cực từ lực lượng thực thi pháp luật.    

Trung Nam

Trong khi đó BĐ Ngô Long cho rằng: "Hiện nay nhiều trường hợp vi phạm lỗi nhẹ, tài xế chỉ bị phạt tiền sau đó sẽ được nhận lại bằng lái. Hình thức xử phạt này có thể tạo ra tâm lý ỷ y, tính răn đe không cao. Vì vậy nếu áp dụng hình thức trừ điểm trên GPLX khi vi phạm thì tôi nghĩ nhiều người sẽ ý thức hơn khi tham gia giao thông".

Nghiên cứu kỹ rồi hãy áp dụng

Dù ủng hộ nhưng nhiều BĐ cũng còn băn khoăn nếu đưa quy định này áp dụng vào thực tế bởi việc trừ điểm trên GLPX không mới, từ năm 2003 cơ quan chức năng đã áp dụng hình thức bấm lỗ trên GPLX khi người lái xe vi phạm. Tuy nhiên sau 4 năm áp dụng thì quy định này cũng bãi bỏ vì nhiều lý do. Vì vậy, dù ủng hộ nhưng BĐ N.Phong cũng lưu ý: "Nghiên cứu thật kỹ số điểm trừ cho từng lỗi đảm bảo tính nghiêm minh và tính thực tiễn. Khi đã ổn hãy công bố áp dụng, đừng vội vàng đưa ra rồi sửa tới sửa lui".
"Hoàn toàn đồng ý. Nhưng khi giấy phép do Bộ GTVT cấp, xử lý vi phạm do CSGT thực hiện thì liệu kết nối công tác xử lý này có hoàn chỉnh không? Chuyện bị phạt nguội không cho đăng kiểm cũng chưa thông, liệu biện pháp trừ điểm này có hiệu quả không?", BĐ Dương Văn Tuấn băn khoăn.

* Có thì cũng tốt, nhưng làm sao thực thi nghiêm minh thì mới là tốt nhất.   

 Hai Lúa 

Hiện nay với những quy định khắt khe hơn việc thi lấy GPLX không còn dễ như trước. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, người vi phạm sẽ cố "bảo vệ" số điểm trên bằng lái của mình. Theo BĐ Hong Huynh, để tránh tình trạng tranh cãi giữa lực lượng chức năng và người vi phạm cũng như để tài xế tâm phục khẩu phục không ấm ức thì "Bộ GTVT phải coi lại các biển báo, vạch sơn, tín hiệu đèn... Các biển báo phải đặt trên cao cho tài xế dễ nhìn, chứ đặt biển báo che khuất tầm nhìn, tài xế bị phạt oan".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.