>> Như Lịch

Cho đến nay, ông Trương Minh Tấn (biệt danh là “Thần tài xuyên Việt”, 65 tuổi, TP.HCM) vẫn được xem là “Thần tài vé số” chuyên nghiệp đầu tiên và bám trụ lâu nhất với nghề.

Còn nhớ đầu năm 2012, lần đầu tôi được gặp ông Tấn trong dung mạo Thần tài bán vé số ở chợ Trần Văn Quang (P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM). Lúc đó, cũng như nhiều người khác, tôi mua vé số của ông vì tò mò, ấn tượng.

Ông Tấn cho biết ông sinh ra và lớn lên tại TP.HCM. Từ năm 1977 - 1982, ông đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ, ông tham gia dạy học cho đồng bào thiểu số ở tỉnh Bình Phước. Được khoảng chục năm, ông từ giã bục giảng do bị sốt rét liên tục, sức khỏe sa sút.

Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, ông loay hoay kiếm kế sinh nhai. Nghe những người bán vé số dạo kể rằng công việc này nhọc nhằn, tủi cực, trong khi đó lượng người bán vé số rất đông, nếu ông gia nhập sẽ khó lòng cạnh tranh.

Chợt nhớ tới câu: “Thần tài đem may mắn, ông Địa đem niềm vui”, ông lóe lên suy nghĩ: Mình sẽ làm “Thần tài bán vé số” mang niềm hy vọng, vui vẻ đến cho người khác. Rồi ông vắt óc thiết kế các mẫu trang phục Thần tài và đưa đi may thử.

Đến năm 1998, ông Tấn mặc bộ đồ Thần tài đầu tiên và xuống phố bán vé số. Nhiều người trầm trồ thán phục sự sáng tạo và nhạy bén của ông. Tuy vậy, cũng có người tưởng ông bị khùng.

Hằng ngày, ông thường dậy lúc 4 giờ - 4 giờ 30 để hóa trang và chuẩn bị khởi hành. Ông đánh phấn, vẽ chân mày đậm, dặm râu, tô má hồng, son môi… Nhìn ông chăm chút từng công đoạn, có thể cảm nhận cái tâm, cái tình và cả sự chuyên nghiệp với nghề. Ông thổ lộ: “Dù suốt ngày ở ngoài đường nhưng tui không bao giờ tiểu tiện bừa bãi. Bởi tui sợ làm ô uế thương hiệu Thần tài mình đã xây dựng hơn 20 năm qua”.

Đặc biệt, “Thần tài” Trương Minh Tấn đã thực hiện nhiều chuyến xuyên Việt… bán vé số. Bước chân ông đi qua nhiều vùng miền đất nước: miền Đông, miền Tây Nam bộ, vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.... Ông chia sẻ: “Mỗi tỉnh tui định ở 3-4 tháng thôi. Không ngờ thấy phong tục, con người nơi đó rất thú vị, nên tui lưu lại một vài năm. Nhiều người nói từ nhỏ đến lớn không thấy ông Thần tài, nay được gặp ông Thần tài này vui tính quá chừng”.

Một số người cắc cớ hỏi sao mua vé số của “Thần tài” mà vẫn không trúng. Ông nhẹ nhàng giải thích: Trúng hay không là do… công ty xổ số quyết định. Điều đó còn phụ thuộc vào phước phần của mỗi người. Còn “Thần tài bán vé số” luôn cầu chúc mọi người gặp may mắn.

12 giờ 30 tại khu dân cư Trung Sơn (H.Bình Chánh, TP.HCM), dưới cái nắng đổ lửa trong trang phục Thần tài đỏ rực, mũ tai chuồn, ông Tạ Văn Trong (còn gọi là Chín Trong, 55 tuổi, ở xã Viên An Đông, H.Ngọc Hiển, Cà Mau) bán vé số với phong thái rất đĩnh đạc. Cách ông bán cũng nhẹ nhàng, không chèo kéo, chẳng mời dai, lại thường xuyên “khuyến mãi” nụ cười thân thiện. Hai thanh niên chạy xe máy dừng mua hai tờ vé số. Thấy ông vui vẻ, họ mua thêm hai tờ, rồi nâng lên chẵn chục vé. “Chúc hai cậu may mắn nha”, ông vẫy tay chào.

Thời trẻ, ông Trong làm thợ may. Sau khi lấy vợ, ông nuôi tôm, buôn bán thủy sản. Rủng rỉnh tiền bạc, ông lao vào chơi số đề, đánh bài rồi đổ nợ đầm đìa. Chín Trong cùng vợ con bỏ xứ lên tỉnh Bình Dương làm bảo vệ, công nhân.

“Thần tài vé số” Tạ Văn Trong

Năm 2012, tình cờ đọc báo biết có người mang y phục Thần tài đi bán vé số, ông Trong quyết định đổi nghề. Thời gian qua, “Thần tài bán vé số” Chín Trong tha phương cầu thực khắp các tỉnh, thành miền Tây: Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu… Hiện ông trọ gần Bến xe miền Tây, mỗi ngày bán ở một khu vực.

Bình thường ông bán được khoảng 400 - 500 tờ vé số/ngày. Vào dịp Tết và ngày vía Thần tài mùng 10 tháng Giêng âm lịch, ông bán 1.000 vé/ngày. Mỗi đợt bốn tháng, ông mua vải nhung may ba bộ y phục Thần Tài (1,3 triệu đồng/bộ). Ông dứt khoát: “Đã bận đồ Thần tài thì phải luôn thể hiện sự tôn kính ông, từ cách bán vé số đến đi đứng, ăn uống… Mình cũng không được phép tranh giành với những đồng nghiệp nghèo khó. Để thiên hạ kêu ca Thần tài gì mà kỳ cục, mất lịch sự là không được!”. Có những hôm xong sớm, ông bán giúp vé số cho người già, tàn tật.

Hơn 6 năm làm “Thần tài vé số”, ông Trong khẳng định sức khỏe của mình “lên đô” rõ rệt. Ông khoe: “Tui lội bộ mỗi ngày 15-20 cây số, càng lội càng mạnh, cái giò càng cứng. Chứng nhức mỏi kinh niên cũng biến mất”.

Trước đây Chín Trong nóng tính, chơi bời, tiêu xài phung phí. Từ ngày cầm cọc vé số đi bán, ông thấm thía việc kiếm đồng tiền cực khổ nên chi tiêu tằn tiện. Thỉnh thoảng, gặp những thanh thiếu niên lêu lổng, ông coi như con cháu, tận tình khuyên nhủ bằng kinh nghiệm xương máu của bản thân.

Phút nghỉ ngơi, “Thần tài vé số” Tạ Văn Trong xem hình đứa cháu ngoại qua điện thoại cho đỡ nhớ

Trên con đường thiên lý mưu sinh, đôi lúc “Thần tài” Chín Trong cũng chạnh lòng, nhất là những ngày Tết xa nhà. Nhưng vì lời thề với hai đứa con: “Cha mần tới lúc nào nằm xuống, có tiền để lại cho tụi con thì mới nhắm mắt. Không có tiền, người ta khi dễ”, ông tiếp tục bước.

Chín Trong tâm sự lúc mẹ bệnh nặng, ông nghỉ việc về quê nuôi bà nằm viện gần một tháng. Năm 2017, bà mất trong lúc ông bán vé số ở xa. Tức tốc trở về, ông chỉ còn có thể giở tấm vải phủ mặt mẹ mà hôn vĩnh biệt… “Nếu không vớt vát được một tháng về chăm sóc mẹ, chắc bây giờ tui khổ tâm, day dứt nhiều lắm”, giọng ông chùng xuống, mắt đỏ hoe.

Đến bây giờ tôi mới biết, “Thần tài” cũng…khóc! (còn tiếp)

Đồ họa: Lâm Nhựt | Ảnh: Như Lịch

Báo Thanh Niên
28.03.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.