Việt Nam ảnh hưởng gì từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?

Vũ Hân
Vũ Hân
10/07/2018 15:47 GMT+7

“ Chiến tranh thương mại ” giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu và một nền kinh tế có độ mở rất lớn nhưng quy mô lại bé như Việt Nam không thể đơn thuần “tọa sơn quan hổ đấu”.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ góc nhìn của ông xung quanh vấn đề này.
Đêm 6.7, “súng hiệu” của cuộc chiến thương mại đã nổ ra với việc Mỹ chính thức áp thuế lên lượng hàng hóa trị giá 34 tỉ USD của Trung Quốc. Dưới góc nhìn của ông, đây là cuộc chiến nằm trong chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc, hay chỉ là cuộc chiến thương mại đơn thuần?
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Tôi nghĩ mọi vật trên thế gian này đều tùy thuộc lẫn nhau, không có gì tách biệt cả. Ta nhìn mọi việc trên thế giới trong mối quan hệ tác động qua lại rất nhiều chiều, không nên chỉ nhìn đây chỉ là sự kiện kinh tế - thương mại đơn thuần, mà nó là một sự kiện trong một thế giới đang đổi thay.
Có một khía cạnh rất mới là sự chuyển dịch sức mạnh của các quốc gia và chuyển dịch vị trí của các khu vực. Dưới tác động của sự chuyển dịch đó thì cạnh tranh trở nên rất dữ dằn mà hiện tượng chúng ta đang chứng kiến - cái người ta gọi là “chiến tranh thương mại” chỉ là một tấm gương phản ánh quá trình đó.
Cạnh tranh giữa các nước lớn là mang tính toàn diện, chứ không phải kinh tế đơn thuần và không phải chính trị đơn thuần, cũng không phải sức mạnh cứng là chính hay sức mạnh mềm là chính. Quan điểm của tôi là vậy.
Về chính trị, chắc mọi người cũng để ý rồi, ngày 18.12.2017, Mỹ có công bố chiến lược an ninh quốc gia, trong đó xác định rõ 4 đối tượng: 2 đối tượng “xét lại”, với hàm ý là có ý đồ xét lại trật tự thế giới, là Trung Quốc và Nga; 2 đối tượng “cứng đầu”, là Triều Tiên và Iraq.
Cạnh tranh thương mại này cũng phản ảnh suy nghĩ như vậy của người Mỹ, ít nhất của chính quyền Trump; phản ảnh việc người ta muốn chống lại những nỗ lực thay đổi trật tự thế giới do Mỹ xác lập. Mà điều này người ta nói công khai chứ không giấu diếm.
Nếu xem nội dung các “cú đòn”, thì cũng không nên chỉ xem cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ, mặc dầu 2 nước đó đóng vai trò chủ yếu, vì là nước lớn thứ nhất và thứ hai. Trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau thì trận chiến ấy nhiều tuyến lắm: giữa Mỹ với châu Âu - đồng minh đấy nhưng vẫn cạnh tranh khốc liệt; giữa Mỹ với Nga thì trận chiến kinh tế biểu hiện trên trừng phạt; còn giữa Mỹ với Trung Quốc là biểu hiện trên dòng thuế...
 Theo ông, với diễn biến này, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ở những góc độ nào?
Tác động với Việt Nam thế nào là một đề tài rất rộng lớn mà cơ quan có trách nhiệm phải nghiên cứu rất sâu, nhưng tôi cho rằng nên nhìn mấy tuyến như thế này:
Trước tiên là khía cạnh tiêu cực. Nước ta có nền kinh tế mở vào loại nhất thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bằng 170% - 180% GDP, ngang ngửa với Singapore; đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 20% GDP – rất cao. Thế thì sóng gió ngoài kia đương nhiên tác động ngay đến ta rồi, không trốn tránh vào đâu được.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan Ảnh Bá Ngọc
Thứ hai, chúng ta sống trong một thế giới mà sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước rất phức tạp. Ý tôi nói chiến lược nghĩa là chính trị, an ninh. Người ta có một câu “voi quần nhau thì cỏ cũng nát mà voi làm tình với nhau thì cỏ cũng nát”. Chúng ta cũng chả phải cỏ, nhưng cũng không phải đại thụ về kinh tế, chính trị, thì đương nhiên bị ảnh hưởng.
Thứ ba, tác động mà tôi cực kỳ quan tâm là xáo động về tiền tệ. Chúng ta biết khủng hoảng tài chính 1997 và 2008 khâu đầu tiên bung ra là tài chính - tiền tệ và khâu đó là cực kỳ nhạy cảm. Lần này cuộc cạnh tranh chưa đụng đến tài chính - tiền tệ một cách rõ nét lắm, nhưng đã bắt đầu, biểu hiện ở thị trường chứng khoán, tỷ giá, điều chỉnh lãi suất... Những xáo động đó tác động tới kinh tế vĩ mô của ta, như thị trường chứng khoán phập phù lên xuống, tỷ giá có dấu hiệu đáng quan tâm mà Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp, tất nhiên với biên độ rất nhỏ.
Những biến động đó phải phân tích sâu. Nó không phải do cuộc chiến này, nhưng chúng ta phải xem rất nhiều chiều, vì sao xảy ra việc đó. Nếu điều hành không khéo thì ý muốn giữ ổn định vĩ mô sẽ khó.
Thứ 4 là FDI sẽ tăng hay giảm; rồi ai tăng, ai giảm là câu chuyện cần phân định. Hiện nay FDI vào chúng ta nhiều, chiếm hơn 50% giá trị sản lượng công nghiệp và hơn 70% xuất khẩu. Họ “đánh nhau” thì rất có thể luồng đầu tư không vào Trung Quốc nữa sẽ lan tỏa sang các nước khác và có thể đến ta chăng? Nhưng cũng có thể chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, với chủ trương đưa DN về sản xuất trong nước, thì không thể trông đợi đầu tư của Mỹ - vốn đã rất thấp, tăng ở Việt Nam.
Khi tôi đi ký BTA với Mỹ năm 2000, tôi cũng có nhận định sai lầm, là nghĩ đầu tư của Mỹ sau BTA và WTO sẽ đổ vào Việt Nam. Nhưng thực tế đầu tư không nhiều, chủ yếu buôn bán bùng lên rất lớn. Với xu thế này, trông chờ vào đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tăng lên mạnh mẽ chưa chắc đã diễn ra.
Đó là mặt không thuận - rất nhiều đấy, không nên coi thường.
Mặt khác, trong cái rủi cũng phải có cái may, dù chẳng may gì lắm, nhưng khôn khéo thì cũng có thể nhặt ra được vài cái.
Thứ nhất, không phải chờ người ta “đánh loạn” thì mình lợi đâu, nhưng cũng có thể có mặt hàng nào đó có mối lợi nhất định, như thịt lợn Mỹ bị đánh thuế cao, Trung Quốc lại có nhu cầu rất lớn, thì nay họ sẽ tăng nhập ở thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Hay những mặt hàng Trung Quốc lâu nay xuất khẩu sang Mỹ bị đánh thuế cao, thì nước khác có thể thế chân vào.
Nhưng nên nhớ, ông Trump kể tên những nước xuất siêu vào Mỹ không chỉ có Trung Quốc đâu (mà có cả Việt Nam), đừng nghĩ cái đó là cái “bở”. Cái quyết định cuối cùng vẫn là chất lượng và giá cả hàng hóa thôi.
Về chính trị cũng chẳng có cơ hội gì, nhưng chúng ta đã kiên trì đa phương hóa, đa dạng hóa lâu nay rồi thì lúc này hơn lúc nào hết cần kiên trì cái đó. Bất kỳ hành động nào của những người có trách nhiệm và cả người dân lúc này cũng đừng phá “trận đồ” đó.
Nói một câu rất giáo điều nhưng 100% thật là tất cả phụ thuộc vào mình cả. Có thấy được cơ hội không, có tận dụng được cơ hội không là năng lực của mình - tôi nói cả năng lực trí tuệ và năng lực vật chất.
Mà cái này không phải Chính phủ đâu, các doanh cũng phải tính. Tôi rất muốn báo chí đánh động các DN là đừng chờ Chính phủ. Chính phủ không thể nào nhạy bén được như doanh nghiệp được đâu.
Đến nay Trung Quốc đã phá giá hơn 40% đồng nhân dân tệ so với đồng USD, nhưng đồng Việt Nam mới có hơn 1%, rõ ràng là hàng hóa Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với tỷ giá đồng tiền thế này?
Đây chính là tác động thứ 3 mà tôi lo lắng, như đã nói ở trên. Nhưng quan điểm của tôi là không thể chạy đua được theo con đường này, vì hoàn cảnh của chúng ta rất khác. Chúng ta mà gây xáo động vĩ mô lúc này thì rất bất lợi. Năm 2007 để bung lên, năm 2009 CPI vọt lên trên 18% đã là bài học không ngọt ngào gì.
Tôi chia sẻ việc Chinh phủ muốn giữ vững ổn định vĩ mô, nhưng giữ vững không có nghĩa là đông kết, mà phải linh hoạt. Đây cũng là điều Chính phủ đã khẳng định. Tiềm lực của họ khác, của mình khác. Dự trữ ngoại tệ của ta có hơn 6 chục tỉ USD thì ăn thua gì, thành ra không thể làm như họ được đâu.
Trong bối cảnh trong nước, thế giới như hiện nay và trong tất cả các giải pháp về tiền tệ, cân đối thu chi, cải cách nền kinh tế... theo ông, Chính phủ nên tập trung vào cái nào?
Nếu tôi làm được tôi được giải thưởng Nobel rồi. Nhưng tôi nhớ lại hồi chống lạm phát những năm 80, mất cân đối vĩ mô khủng khiếp lắm, năm 86 lạm phát là hơn 780%. Lúc đó chúng tôi cũng tranh luận rất dữ, làm sao giải quyết được vấn đề này.
Có mấy cân đối: sản xuất - tiêu dùng; thu - chi ngân sách; tiền - hàng; xuất – nhập khẩu. Có 2 luồng quan điểm: một là phải đẩy sản xuất lên, đẩy xuất khẩu lên... nhưng thường thường trong cuộc đời, đẩy lên thì khó lắm, dìm xuống thì dễ hơn. Thay vì đẩy tăng thu, tăng sản xuất, tăng xuất khẩu... rất khó; thì ta dìm tiêu dùng xuống, dìm chi ngân sách xuống, dìm nhập khẩu xuống, dìm cung tiền xuống. Lúc bấy giờ còn có người cực đoan là phải phá máy in tiền đi. Cuối cùng, cách này thành công. Đó là bài học của những năm 80.
Bây giờ chúng ta “oách” hơn nhiều, ổn định hơn nhiều, nhưng xu hướng chung tôi nghĩ là phải dìm xuống. Chi ngân sách, chi thường xuyên còn quá cao, dù bội chi đã dìm xuống còn trên 3% rồi, nhưng rõ ràng cũng chưa phải đạt mức cần thiết.
Phải theo dõi rất chặt chẽ để điều hành vĩ mô, mà theo quan điểm của tôi là phải giảm chi tiêu đi; làm sao thay thế được nhập khẩu, tăng nguồn lực trong nước. Chúng ta nói mãi nhưng không làm được nhiều. Nếu không dùng cơ hội này để đẩy thị trường trong nước lên thì cứ bị động mãi...
Ông có cho rằng chiến tranh tiền tệ sẽ song hành cùng chiến tranh thương mại không?
Trên thế giới và trong nước cũng có 2 luồng ý kiến, cũng có người nói rằng khủng hoảng theo chu kỳ 10 năm đang xuất hiện, hàm ý khủng hoảng tài chính, tiền tệ, chứ không phải khủng hoảng hàng hóa. Cá nhân tôi nghĩ mối đe dọa chưa đến như vậy. Mọi người đều hiểu, và những người tham chiến cũng hiểu là úm ba la 3 ta cùng chết, trả giá trước hết là họ vì nền kinh tế của họ phụ thuộc rất nhiều vào tài chính tiền tệ, hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển. FED nâng lãi suất cũng rất thận trọng, “dò đá qua sông”.
Tôi nói cũng hơi liều mạng, nhưng tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay, không có chuyện họ cố tình kích khủng hoảng tài chính, tiền tệ.
Nói vậy thôi, trong bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều giữa tiền - hàng, quốc gia nọ, quốc gia kia... một động thái tính sai có thể kích động khủng hoảng. Cái đó thì chịu, không thể biết trước được.
Nói thế này không phải nói để cho an toàn, nhưng những hành vi ứng xử trên thế giới hiện nay rất khác thường, đừng lấy thước đo bình thường để nhìn nhận. Cái đó mới khó. Còn theo logic khoa học thì sách giáo khoa đủ hết, các nhà khoa học của mình chắc đầy kiến thức rồi. Nhưng người ta có làm theo sách đâu, người ta làm đôi khi rất bột phát (bột phát ở đây không có nghĩa là ngô nghê), có khi nói thế này nhưng chả làm. Có thời nào các nhà lãnh đạo đưa chính sách trên twitter đâu, rất khác thường. Cái khó hiện nay khi đối phó với cuộc chiến thương mại chính là cái khó lường...
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.