Việt Nam đề nghị ICAO sửa bản đồ hàng không về FIR Tam Á

15/01/2016 20:00 GMT+7

Việt Nam đã có công thư gửi Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) nêu rõ việc Trung Quốc mở đường bay ra đá Chữ Thập đã vi phạm các quy định của ICAO về an toàn hàng không.

Việt Nam đã có công thư gửi Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) nêu rõ việc Trung Quốc mở đường bay ra đá Chữ Thập đã vi phạm các quy định của ICAO về an toàn hàng không.

le-hai-binhNgười phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình - Ảnh: Ngọc Thắng

"Liên hợp quốc chính thức lưu hành 2 công hàm của Việt Nam phản đối hoạt động bay của Trung Quốc ra đá Chữ Thập", đây là thông tin được ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết hôm nay 15.1.

Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa” và cho biết Việt Nam đã nhiều lần phát biểu phản đối việc Trung Quốc thiết lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, sân bay trên các đảo này… "Các hành động này của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quyền hợp pháp khác của Việt Nam ở Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

Liên quan đến các bản đồ về FIR Tam Á đăng trên mạng của ICAO, ông Lê Hải Bình cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có công thư gửi ICAO khẳng định rõ chủ quyền của Việt Nam, lưu ý việc Trung Quốc mở đường bay ra đá Chữ Thập đã vi phạm các quy định của ICAO về an toàn hàng không. “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước những sự việc này; đồng thời đề nghị ICAO chỉnh sửa lại bản đồ hàng không về FIR Tam Á cho phù hợp”, ông Lê Hải Bình nói.

Trước đó, theo Thông tấn xã Việt Nam, ngày 7.1.2016, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã có công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc đề nghị cho lưu hành 2 công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao cho phía Trung Quốc ngày 2 và 7.1.2016 phản đối hoạt động bay của Trung Quốc ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, khẳng định rõ hoạt động này vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định cũng như an toàn, an ninh hàng không trong khu vực Biển Đông. Ngày 14.1.2016, Liên hợp quốc đã cho lưu hành 2 công hàm này như tài liệu chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.