Việt Nam hoan nghênh sự hiện diện hòa bình của tất cả các nước

09/12/2010 00:30 GMT+7

Năm 2010 đã đánh dấu một bước tiến lớn của các nước Đông Nam Á trong việc tiếp cận tập thể các thách thức an ninh - quốc phòng của khu vực. Nhân hội nghị Nhóm công tác quan chức quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng họp tại TP Đà Lạt ngày 7.12, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trả lời Báo Thanh Niên về những chuyển động mới này.

Trong năm 2010, tại các sự kiện như Hội nghị Cấp cao ASEAN, Cấp cao Đông Á, ADMM+, ARF... người ta nhắc nhiều đến mối quan hệ Việt Nam - Mỹ - Trung Quốc. Cá nhân ông nhìn nhận các mối quan hệ này như thế nào?

Không nên đặt VN - Mỹ - Trung Quốc trong mối quan hệ tay ba như vậy, mà cần tách bạch quan hệ Việt - Trung, và quan hệ Việt - Mỹ. Chúng ta luôn coi TQ là một nước láng giềng XHCN, có quá trình quan hệ lịch sử giữa hai nước, nhất là từ khi hai Đảng Cộng sản ra đời. Lãnh đạo hai nước đã khẳng định phương châm 16 chữ, mới đây đã nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hợp tác quốc phòng gần đây giữa đôi bên được tăng cường cũng nằm trong khuôn khổ phát triển đối tác chiến lược toàn diện.

Đối với một nước không lớn như VN, sự hiện diện và ảnh hưởng của các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ ở khu vực là một thực tế khách quan. Không có gì phải lo ngại về vấn đề này... Cách ứng xử tốt nhất của VN là giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế, sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên vì lợi ích chung, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh

Quan hệ Việt - Mỹ, sau hơn 20 năm đổi mới, mở cửa và 15 năm bình thường hóa quan hệ, đã có những bước đi tích cực góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Kết quả của quá trình này là sự xuất hiện ngày càng nhiều những điểm tương đồng giữa VN và Mỹ. Trên cơ sở đó, hai bên đã từng bước phát triển quan hệ cùng có lợi trên nhiều lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu từ kinh tế, chính trị đến quốc phòng, an ninh. Mối quan hệ quốc phòng được hai bên thúc đẩy từng bước, thận trọng và chắc chắn, với nhịp độ vừa phải, sao cho các vấn đề đặt ra không làm khó cho nhau. Tất nhiên, trong quan hệ song phương vẫn tồn tại những khác biệt có tính khách quan và chỉ có thời gian mới có thể làm cho những khác biệt đó bớt đi. Quan trọng là hai nước đã tìm ra những hướng hợp tác hiệu quả trong khi chấp nhận và có thái độ tôn trọng những khác biệt đặc thù của nhau.

Dư luận cũng có lý khi đặt vấn đề về mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ có liên quan gì đến an ninh khu vực, vì đây là hai nước lớn, can dự chủ yếu vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng - trong đó có VN. Tuy nhiên, quan điểm của VN là không đặt vấn đề về một mối quan hệ tam giác với hai cường quốc này. Chúng ta xử lý các vấn đề trong quan hệ với hai nước trên cơ sở quan hệ truyền thống với từng nước, tuân thủ luật pháp quốc tế, cùng có lợi và phù hợp với sự phát triển chung của tình hình. VN sẽ không can dự vào các vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ nếu không ảnh hưởng đến lợi ích của VN, không vi phạm luật pháp quốc tế và không phương hại đến hòa bình ổn định của khu vực.

Thứ trưởng nhận định thế nào về việc Mỹ thể hiện quan điểm về vấn đề biển Đông (được Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton khẳng định tại Hội nghị ARF tại Hà Nội), đồng thời khẳng định sự hiện diện của mình tại khu vực? Là quốc gia có quyền lợi trực tiếp ở biển Đông, VN cần ứng xử như thế nào trước sự hiện diện của các nước lớn?

Phát biểu của Ngoại trưởng H.Clinton tại Hà Nội có đề cập một số vấn đề liên quan biển Đông như xây dựng một vùng biển hòa bình và phát triển, giải quyết mọi vấn đề nảy sinh bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử trên biển Đông (DOC); tự do hàng hải, an ninh biển... là những vấn đề VN đồng tình.

VN tôn trọng quan điểm của Mỹ đối với khu vực và hoan nghênh sự quan tâm của họ đối với châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Sự tôn trọng và hoan nghênh này chỉ có với điều kiện sự có mặt ấy giúp tạo nên môi trường hòa bình ổn định trong khu vực, tạo nên sự bình đẳng hơn trong quan hệ quốc tế. Có sự khác biệt trong sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á đầu thế kỷ 21 so với hơn nửa thế kỷ trước. Ngày nay, chúng ta ủng hộ và hoan nghênh sự hiện diện thông qua hợp tác kinh tế, văn hóa, thương mại, khoa học - công nghệ, một sự hiện diện "bình đẳng, hòa bình và có tính xây dựng". Trong bài phát biểu của Ngoại trưởng Clinton tại Hà Nội vừa qua đã khẳng định sự hiện diện hòa bình của Mỹ tại châu Á - TBD, tôn trọng các nước trong khu vực - đó là những nội dung được hoan nghênh.

Sau hội nghị ADMM+, có nhà báo Mỹ hỏi tôi về câu trả lời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Gates tại buổi nói chuyện tại ĐH Quốc gia Hà Nội khi sinh viên đặt câu hỏi: "Mỹ sẽ ở lại khu vực này trong bao lâu?". Tôi đã trả lời: "Đây là một câu hỏi hay, nhưng nếu là tôi, thì câu hỏi sẽ là: "Mỹ dự định ở lại khu vực này như thế nào?". Tôi thấy câu trả lời của ông Gates là hợp lý, Mỹ cần và sẽ ở lại khu vực này lâu dài vì tại đây có những lợi ích chiến lược của Mỹ. Vấn đề là Mỹ làm thế nào để vừa duy trì lợi ích của mình, vừa đảm bảo lợi ích của các nước trong khu vực, làm cho các nước trong khu vực đồng tình với sự có mặt của Mỹ tại đây? Và tôi nghĩ là người Mỹ đã có kinh nghiệm trong chuyện này.

Xuất phát từ quan điểm như vậy, VN hoan nghênh sự hiện diện của tất cả các nước tại khu vực, nếu sự hiện diện đó đem lại lợi ích cho các bên, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập tự chủ, chế độ chính trị và chủ quyền lãnh thổ của các nước trong khu vực.

Kể cả việc nước Nga mới đây cũng đã thể hiện mối quan tâm sâu hơn đến khu vực châu Á, Thái Bình Dương, thưa Thứ trưởng?

Nga là một trong các cường quốc của thế giới, là một trong 5 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nên có trách nhiệm với an ninh của thế giới nói chung và của châu Á - Thái Bình Dương; hơn nữa Nga có nhiều lợi ích ở khu vực này. Gần đây Nga có những hành động trên thực tế thể hiện mong muốn quay trở lại khu vực; trong đó có việc tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Động thái này cho thấy Nga đã có sự quan tâm hơn đến khu vực, rất đáng hoan nghênh.

Tấn Tú - Trường Sơn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.