Vụ "Chữa bách bệnh bằng... chưởng" (!): Thuốc của "thầy" Tám có độc tính cao

21/04/2009 23:30 GMT+7

Ngày 21.4, trao đổi với Thanh Niên, trung tá Phan Thanh Ngạt, Trưởng công an thị trấn Hà Lam cho biết: sau khi Báo Thanh Niên đăng bài về việc “thầy" Tám tự xưng chữa bách bệnh bằng chưởng, công an đã tiến hành kiểm tra việc hành nghề của "thầy" thì “thầy” đã ngưng việc khám chữa bệnh. Hiện tại, công an đang phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ việc khám chữa bệnh của “thầy" Tám.

Đáng chú ý, như thông tin đã đưa: thang thuốc "thầy" Tám cho bệnh nhân có nhiều loại cây không rõ nguồn gốc. Qua tham khảo với các nhà chuyên môn, đã xác định trong thang thuốc này có chứa cây vòi voi. Theo bác sĩ Lê Thân - Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam: nếu dùng cây vòi voi để sắc nước uống như cách của "thầy" Tám thì cực kỳ nguy hiểm. Đây là loài cây mọc hoang ở nhiều nơi, có độc tính cao đối với gan, gây đau bụng, tiêu chảy, xuất huyết lan tỏa và có thể gây ung thư. Độc tính này thường không thể hiện ngay sau khi dùng, mà âm ỉ kéo dài, khó phát hiện. Vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới từng khuyến cáo không nên dùng vòi voi làm thuốc; Bộ Y tế Việt Nam năm 1985 cũng đã có chỉ định cần thận trọng khi dùng vòi voi chữa bệnh, chỉ dùng ngoài để đắp theo kinh nghiệm cổ truyền trong các trường hợp tụ huyết, bầm tím do chấn thương, viêm tấy, áp xe, sưng vú, sưng khớp, đinh nhọt giai đoạn chưa có mủ... Tuy nhiên, không nên dùng cho người già yếu.

 Ở nhiều sách xuất bản trước đây có hướng dẫn dùng cây vòi voi làm thuốc chữa phong thấp, đinh nhọt... bằng đường uống. Sau năm 1985, tuy Bộ Y tế đã có thông báo nhưng nhiều tác giả chưa nắm được thông tin cây vòi voi có độc, nên vẫn tiếp tục phổ biến các bài thuốc có vòi voi để chữa phong thấp, mụn nhọt... Theo bác sĩ Thân, việc các tác giả này đính chính thông tin về vòi voi là cần thiết để bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.