Vụ hạt dưa có chất gây ung thư: Các “đại gia” hạt dưa rúng động!

13/12/2009 01:33 GMT+7

Sau vụ hạt dưa Tấn Phát (H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) bị các cơ quan chức năng của Đà Nẵng phát hiện có chất Rhodamine B, một chất độc có khả năng gây ung thư cấm dùng trong thực phẩm, đã làm rúng động các “đại gia” hạt dưa trong nước và ngay cả các thương lái Trung Quốc! Mời nghe đọc bài

Việt Nam: Thị trường tiêu thụ hạt dưa Trung Quốc

Trong vai một thương lái hạt dưa cho các mối hàng Trung Quốc, PV đã trở lại huyện Bắc Bình, nơi có 3 lò rang hạt dưa còn lớn hơn của Tấn Phát. Câu chuyện về hạt dưa trở nên “nóng” khi Tết sắp về. Chị M., một đầu nậu chuyên mua hạt dưa của nông dân, ở thị trấn Lương Sơn cho biết: Ngày trước thì các vùng đất cát như Hòa Thắng, Hồng Phong, Lương Sơn, Hồng Thái (H.Bắc Bình) là vùng nguyên liệu cực lớn cho các lò rang. Nhưng bây giờ, dưa địa phương gần như mất giống vì thoái hóa. Trong khi đó, phong tục của người Việt dịp Tết, hay đám cưới, đám ma đều sử dụng hạt dưa. Để phục vụ cho nhu cầu lớn này, nguyên liệu của các lò rang hiện nay duy nhất chỉ có từ Trung Quốc. Chị M. cho biết, hạt dưa Trung Quốc to hơn hạt dưa của mình và nhân chắc nhưng không thơm bằng hạt dưa Việt Nam. Hiện nay chị M. là một tay mối lái có tiếng cho các lò rang hạt dưa ở khắp mọi nơi chứ không chỉ ở Bình Thuận bởi chị là người Quảng Đông, sống ở Bình Thuận. Theo thống kê của chị M., ở Bình Thuận không chỉ có cơ sở chế biến của Tấn Phát, mà riêng ở H.Bắc Bình đã có đến 3 cơ sở, trong đó có một cơ sở ở Lương Sơn có quy mô còn lớn hơn nhiều so với quy mô của Tấn Phát.

Theo kiểm tra tại cơ sở Tấn Phát thì ở đây có 85 tấn hạt dưa, trong đó có đến 79 tấn là hạt dưa Trung Quốc. Chị M. cho rằng cả 3 cơ sở ở H.Bắc Bình hiện phải có vài trăm tấn hạt dưa của Trung Quốc.

 

Một số lượng lớn hạt dưa đang tiêu thụ trên thị trường hiện nay xuất xứ từ Trung Quốc - Ảnh: shutterstock

Báo cáo cho đoàn kiểm tra hôm 11.12, ông Châu Kim Mộc - chủ cơ sở Tấn Phát - cho biết do năm nay dự báo thị trường tiêu thụ lớn nên ông nhập nhiều, chứ năm trước bán không chạy. Theo thống kê của ông K., một chủ cơ sở rang hạt dưa ở Bắc Bình thì hiện Bình Thuận có các cơ sở lớn, gồm:  Tấn Phát (Hàm Thuận Bắc); Kim Phát 2; Lâm Thanh; Liên Phát (H.Bắc Bình) và một cơ sở nhỏ ở Hàm Thuận Nam. Ở TP.HCM, thì có nhiều hơn và đều là những cơ sở rang rất lớn. Ở Đà Nẵng cũng có một cơ sở là thuộc hàng lớn; ở Hải Phòng hiện cũng có hai cơ sở; ở Móng Cái (Quảng Ninh) có một cơ sở và đây chính là đầu nậu trước kia chuyên lấy hạt dưa nguyên liệu đem vào Nam bán cho các lò rang; sau này họ đã mua lò và tự chế biến hạt dưa thành phẩm. Các cơ sở này có từ 20 đến 30 “banh” (lò). Quy mô cơ sở 20 lò có thể rang từ 60-70 tấn/năm. Chỉ tính đợt Tết này, nếu mỗi cơ sở tiêu thụ chừng 80 tấn thì các cơ sở rang hạt dưa hiện nay có thể tiêu thụ từ 800 đến 1.000 tấn hạt dưa của Trung Quốc, một chủ rang hạt dưa ở Bắc Bình tính sơ bộ.

Cơ quan chức năng ở đâu?

Chị M., người Quảng Đông nói trong bài, cho biết trong suốt sáng ngày hôm qua, chị nhận nhiều cuộc điện thoại của các bạn hàng từ Trung Quốc gọi sang hỏi thăm về việc các cơ quan y tế Đà Nẵng phát hiện chất độc có trong hạt dưa của cơ sở Tấn Phát. Điều đó cho thấy vụ hạt dưa Tấn Phát đã “rúng động” cả giới buôn bán hạt dưa bên kia biên giới phía Bắc.

Cơ sở sản xuất nhiều như vậy, cơ quan chức năng kiểm tra, theo dõi đến đâu? Theo anh Nguyễn Thăng, cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường Bình Thuận, thành viên đoàn kiểm tra cơ sở Tấn Phát hôm 11.12, hạt dưa Trung Quốc muốn vào Việt Nam chỉ cần có nhãn phụ tiếng Việt,  ghi xuất xứ và có giấy kiểm dịch thực vật là “vô tư”. Còn trong hạt dưa nhập, được sản xuất theo quy trình nào, có hóa chất tẩm lên nguyên liệu hay không, chỉ có cơ quan y tế lấy mẫu đi xét nghiệm mới biết, hải quan và quản lý thị trường đành chịu. Việc quản lý hàng nông sản nói chung và hạt dưa nói riêng, hiện nay có rất nhiều cơ quan cùng chức năng và đang có dấu hiệu vừa chồng chéo, vừa mạnh ai nấy làm nhưng vẫn không hiệu quả. Theo bác sĩ Võ Dương Đức - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Bình Thuận thì, hiện nay không đủ cán bộ chuyên môn làm nhiệm vụ khi thị trường ngày càng nhiều sản phẩm cần kiểm tra ATVSTP. Cả Chi cục ATVSTP Bình Thuận hiện nay chỉ có 10 người (cả chi cục trưởng). Ở huyện nào nhiều có 3 người, còn lại là 2 người, nên không thể kiểm soát hết được. Muốn kiểm tra phải thành lập đoàn liên ngành gồm nhiều cơ quan chức năng, vừa mất thời gian, vừa không hiệu quả. Có khi đoàn kiểm tra đến nơi thì cơ sở vi phạm đã tẩu tán hết hàng hóa. Ông Nguyễn Ngọc Hai - Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, vừa mới thành lập Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản của tỉnh. Mặc dù kiểm soát sản phẩm ba lĩnh vực nông - lâm và thủy sản nhưng chi cục cũng chỉ có 10 người, không thể kiểm soát hết được.

Chỉ tính đơn giản, nếu hạt dưa nhập khẩu có các chất gây hại cho con người, thì với lượng hạt dưa hàng nghìn tấn như nói trên, điều gì sẽ xảy ra? Không ai có thể nói trước khi công tác kiểm tra ATVSTP còn quá nhiều lỗ hổng, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của một bộ phận dân cư rất lớn. Chị M. cho biết, bây giờ không chỉ người miền Nam mới cắn hạt dưa dịp lễ tết, mà người Bắc cũng cắn hạt dưa như một thói quen rồi. Nhưng nguồn nguyên liệu sạch trong nước hầu như không còn, các lò rang phải nhập hàng từ Trung Quốc để sản xuất là một thực tế cần suy nghĩ.  

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.