Câu chuyện từ nước Nga

06/06/2021 07:02 GMT+7

'Ngày hôm ấy, 28.3.2020, các bạn con đi ra sân bay theo nhóm nhỏ lẻ. Có một nhóm đến sớm thì được nghe thông báo là máy bay chỉ để đón người Nga từ Việt Nam sang Nga không nhận chở người Việt từ Nga về'.

Các bạn nghe vậy thì thấy khó hiểu vì đằng nào cũng bay về Việt Nam, tại sao không chở người về mà lại bay máy bay trống? Thắc mắc thế nhưng các bạn vẫn quyết định bắt taxi để về lại ký túc xá. Các nhóm đi sau đang trên đường thì nhận được tin như vậy nhưng vẫn cố đi ra sân bay xem thế nào.
Ra đến đó cũng được nghe thông báo như vậy, các bạn quyết định nhắn Đại sứ quán Việt Nam nhờ giúp đỡ. Sau một hồi lâu trao đổi thì cuối cùng hãng hàng không của Nga cũng chấp nhận chở người Việt về. Đó là chuyến bay thương mại cuối cùng từ Moscow trở về Hà Nội”.

“Chạy trốn thì không”

Trên đây là nguyên văn lời kể của con gái tôi, một du học sinh tại Nga, về cái thời điểm con và các bạn phải đấu tranh tư tưởng giữa ở lại và về nước trong tình hình diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp ở châu Âu với ghi nhận hàng ngàn ca lây nhiễm mỗi ngày.
Ở trong nước thì mặc dù là thời điểm dịch Covid-19 quay trở lại lần thứ hai, nhưng về cơ bản vẫn đang được kiểm soát tốt. Thế nhưng, tâm trạng chung của mọi người vẫn là hoang mang và lo lắng, rất nhiều người còn có phản ứng tiêu cực. Cũng may lúc đó Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời để toàn dân định hướng rõ hơn trong phòng chống dịch: giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và khử khuẩn...
Con gái tôi đã quyết định không trở về trong chuyến bay thương mại cuối cùng đó và kể cả sau này khi nhà nước Việt Nam có tổ chức những chuyến bay “cứu trợ”. Tôi hỏi tại sao thì con trả lời: “Nếu về để thăm bố mẹ và gia đình thì con rất sẵn sàng nhưng về để... chạy trốn thì không. Bởi vì rất có thể con sẽ bị nhiễm Covid-19 trong quá trình di chuyển rồi kéo theo biết bao hệ lụy”.
Tôi đồng ý với con nhưng trong lòng vẫn còn lo lắng khi biết nơi con sinh sống chính là một trong những tâm dịch lớn, khi mà ở đó người ta vẫn ít nhiều còn kỳ thị người châu Á và kỳ thị cả việc đeo khẩu trang.
“Mẹ đừng lo! Chúng con bắt đầu học online rồi nên rất hạn chế đi lại và tiếp xúc. Một tuần con chỉ ra ngoài mua đồ ăn một lần, trùm khăn vải thay cho khẩu trang, lúc nào cũng đem theo nước sát khuẩn để rửa tay liên tục...”.

Được chăm lo nhiều mặt

Dần dần, người dân Nga cũng đã nhận ra tầm quan trọng của chiếc khẩu trang và bắt đầu đem theo để sử dụng như một vật thiết yếu. Qua thời gian, các nước khác trên thế giới trong đó có nước Nga đã phải công nhận những biện pháp phòng chống dịch của Việt Nam là đúng đắn.
Hơn một năm qua, con gái tôi vẫn an toàn vì đã thực hiện tốt những biết pháp tự bảo vệ bản thân. Chính phủ cả hai nước hết sức quan tâm đến những du học sinh còn kẹt lại, từ nơi ăn chốn ở đến việc chuyển học bổng đều đặn không để các con rơi vào tình trạng khó khăn. Đặc biệt, con đã được tiêm miễn phí và đầy đủ hai mũi vắc xin Sputnik V của Nga vào hồi tháng 2.2021.
Về việc tiêm vắc xin, hiện nay nhiều người ở nước ta chờ đợi được tiêm vắc xin. Trong hoàn cảnh hiện tại đó là biện pháp tốt nhất để đẩy lùi Covid-19.
Hội sinh viên Việt Nam tại Nga cũng thường tổ chức những trò chơi hay cuộc thi online để các bạn không cảm thấy buồn và cô đơn trong khu cách ly hay khi phải đón Tết ở xứ người trong lòng dịch bệnh.

Thông điệp để vượt qua Covid-19

Tôi thiết nghĩ, không phải ai cũng có điều kiện hay khả năng để làm những điều lớn lao. Nhưng để dẹp những ham muốn và đòi hỏi cá nhân, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng là trong khả năng của mỗi người có thể làm được. Covid-19 không phải là quỷ ma hay thần thánh có phép biến hóa, nó bùng phát và lây lan có phần là do chính chúng ta.
Con gái tôi nói: “Khi Tổ quốc cần, ta phải biết... dẹp nỗi nhớ qua một bên”. Tuy chỉ là một câu tếu vui nhưng tôi thấy cũng không phải là không đúng.
thông điệp để vượt qua Covid-19 chỉ cần hiểu đơn giản thôi: Đừng hoang mang, hoảng sợ và phức tạp hóa mọi chuyện, hãy tự bảo vệ mình và người thân một cách có hiểu biết và văn minh. Bởi vì mỗi người là một phần của thế giới, cứ mỗi người bình yên, nhiều người bình yên thì đại dịch sẽ qua thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.