Xác lợn nổi lềnh bềnh trên sông ở Thanh Hóa

04/10/2019 15:20 GMT+7

Hàng chục xác lợn chết nổi lềnh bềnh trên sông Ngang , đoạn chảy qua địa bàn xã Nga Liên (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) khiến chính quyền địa phương phải huy động lực lượng thu gom, chôn lấp.

Ngày 4.10, ông Trần Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Nga Liên (huyện Nga Sơn), cho biết sáng cùng ngày, UBND xã phải huy động lực lượng công an xã và dân quân thu gom xác lợn chết trôi nổi trên sông Ngang đem đi chôn lấp.
“Xác lợn trôi từ phía thượng nguồn theo sông Ngang, khi đến địa bàn xã thì mắc đọng lại từ chiều 3.10. Xác lợn không phải do người dân xã tôi vứt, mà từ phía thượng nguồn sông, chảy qua địa bàn nhiều xã như Nga Thành, Nga An…, nên không biết xuất phát từ đâu. Tổng số xác lợn sáng nay thu gom, chôn lấp là 11 con. Thực tế lợn chết trôi về vào chiều ngày 3.10 lớn hơn nhiều, nhưng đã trôi ra biển”, ông Bình nói.

Chính quyền địa phương chỉ kịp thu gom 11 xác lợn chết đem đi chôn lấp, nhiều xác lợn đã trôi ra biển

ẢNH NGƯỜI DÂN CUNG CẤP

Cũng theo ông Bình, đây không phải lần đầu tiên phát hiện xác lợn trên sông Ngang. Thi thoảng địa phương này vẫn phát hiện xác lợn, và phải xử lý theo quy định.
Việc vứt lợn chết ra sông không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là nguyên nhân lây lan dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát mạnh ở Thanh Hóa hiện nay.
Liên quan đến tình trạng vứt lợn chết ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh, ngày 3.10, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã huy động lực lượng của địa phương tổ chức phát hiện để kịp thời thu gom, tiêu hủy xác lợn vứt ra môi trường, thời gian trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện xác lợn.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương theo dõi, điều tra, bắt và xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn, lợn bệnh và nghi mắc bệnh ra môi trường gây ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.

Tính đến hết ngày 2.10, lực lượng chức năng ở Thanh Hóa đã tiêu hủy gần 10.200 tấn lợn bị dịch tả lợn châu Phi

ẢNH PHÚC NGƯ

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Thanh Hóa, tính từ ngày 23.2 (ngày phát hiện ổ dịch đầu tiên ở tỉnh này) đến hết ngày 2.10, trên địa bàn tỉnh, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 18.909 hộ trên địa bàn 468/635 xã ở tất cả 27 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Lực lượng chức năng đã phải tiêu hủy 144.461 con lợn, với tổng trọng lượng gần 10.200 tấn.
Đáng lo ngại, mặc dù đã có 7 huyện, thị xã và 270 xã công bố hết dịch (qua 30 ngày không phát hiện dịch), nhưng sau đó lại có 5 huyện và 151 xã tái phát dịch trở lại. Đặc biệt, từ ngày 28.8 - 2.10, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại. Trước ngày 28.8, trung bình mỗi ngày tỉnh Thanh Hóa tiêu hủy khoảng 121 con lợn, nhưng từ ngày 28.8 đến nay phải tiêu hủy khoảng 1.121 con/ngày, có ngày lên tới 3.498 con.
Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho rằng, nguyên nhân chính của việc dịch bùng phát trở lại và số lợn phải tiêu hủy tăng đột biến trong những ngày gần đây là do ảnh hưởng của bão số 3 và số 4.
Hoàn lưu bão số 3 (đầu tháng 8) và số 4 (cuối tháng 8) gây mưa lũ diện rộng, làm phát tán mầm bênh dịch tả lợn châu Phi từ các chuồng trại có lợn đã và đang nhiễm bệnh, qua con đường của chất thải chăn nuôi theo nguồn nước mưa chảy ra đồng ruộng, kênh mương, sông ngòi làm nguồn nước mặt nhiễm vi rút dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng, khó kiểm soát.
Ngoài ra, còn do một số nguyên nhân khác, như số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lớn; các hộ chăn nuôi trong vùng dịch tái đàn khi chưa đủ điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học; một số địa phương còn lơ là trong công tác chỉ đạo triển khai các giải pháp về quản lý thức ăn chăn nuôi, quản lý giết mổ, chợ thực phẩm, tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn, chăn nuôi an toàn sinh học…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.