'Xé' quy trình, cứu bệnh nhân: Lo cho bác sĩ

Kim Lan
Kim Lan
20/08/2019 05:00 GMT+7

Bạn đọc Báo Thanh Niên đồng ý rằng Bộ Y tế nên có quy định đối với những trường hợp khẩn cấp để bác sĩ cứu bệnh nhân trước, bỏ qua quy trình.

Tranh luận về bài viết Cứu bệnh nhân không cứng nhắc theo quy trình, bạn đọc Báo Thanh Niên đều đồng ý rằng Bộ Y tế nên có quy định đối với những trường hợp mang tính khẩn cấp để bác sĩ có thể bỏ qua quy trình thông thường, xử lý cho bệnh nhân trước.
Nhưng một khi đã “xé” quy trình để cứu bệnh nhân, nhiều bạn đọc (BĐ) cũng lo lắng cho chính các bác sĩ, khi chẳng may bệnh nhân không được cứu thành công.

Đúng sai ai xét?

Đêm 5.8, ê kíp mổ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị bỏ qua “quy trình”, cứu sống sản phụ Hồ Thị Hình (21 tuổi, xã Đakrông, H.Đakrông) cùng bé sơ sinh 2,7 kg bị sa dây rốn, nguy hiểm tính mạng.
Nhiều BĐ đã ngay lập tức lo lắng với ý tưởng có thể không cứng nhắc để các bác sĩ bỏ qua quy trình, cứu bệnh nhân. BĐ Hư Trúc (Hà Nội) thậm chí còn cho rằng quy trình được lập ra là để đảm bảo “mọi người phải sống và làm việc theo pháp luật”, vì vậy, đã không ngần ngại kêu gọi “Các bác sĩ trẻ đừng nghe những lời nói không có căn cứ…”. Tuy nhiên, ngay dưới bình luận của BĐ Hư Trúc, BĐ Tất Vinh (Hải Phòng) lập tức không tán thành: “Các bác sĩ trẻ có thể bỏ qua các thủ tục hành chính để kịp cứu bệnh nhân trong trường hợp cấp cứu khẩn cấp”.

Nói đó là điều phải làm, nhưng lại chưa có một hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ nhân viên y tế. Các quy định còn nhiều chỗ mơ hồ, giới hạn thì không rõ ràng, khi xảy ra sự cố ai sẽ bảo vệ nhân viên y tế?

Hùng (TP.HCM)

BĐ Hùng (Quảng Nam) phân tích “Là người công tác trong ngành y trên 30 năm và cũng là phẫu thuật viên, tôi biết cứu sống tính mạng bệnh nhân trong “thời gian vàng” là vô cùng cần thiết và đặc biệt. Nhưng ai là người chịu trách nhiệm cho bác sĩ nếu không may không thành công? Bác sĩ chịu!” và đề nghị “phải quy định bằng văn bản luật cho những trường hợp đặc biệt bác sĩ có quyền quyết định mà không phải tuân thủ theo quy trình”.
Câu hỏi “đúng - sai” khi các bác sĩ chấp nhận “xé” quy trình để cứu bệnh nhân, thậm chí còn được liên kết ngay đến một vụ án đang được các bác sĩ cả nước quan tâm - vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương. BĐ Trí Nguyễn (TP.HCM) lo lắng “cứu được thì không nói gì, cứu không xong là tù tội như chơi. Cứu người rồi ai cứu mình? Cứ làm theo quy trình cho chắc”.

Cần bác sĩ quyết đoán

Về việc ê kíp mổ ở Quảng Trị đã bỏ qua quy trình để cứu bệnh nhân, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng: “Đó là làm đúng chuyên môn và đúng quy định chứ không phải bỏ mặc quy trình”.
Ông Khoa cho biết luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định trong trường hợp khẩn cấp, bác sĩ là người hoàn toàn chịu trách nhiệm chuyên môn, đánh giá tình trạng bệnh và tiên lượng diễn biến để ra quyết định mà không phải chờ hoàn thành các thủ tục hành chính. “Trong tình huống này, nếu bệnh nhân không thể qua khỏi thì bác sĩ vẫn được bảo vệ chứ không thể vì không có cam kết mà đổ lỗi cho bác sĩ”, ông Khoa nói.
BĐ Báo Thanh Niên nhận xét, trong những trường hợp phải “xé” quy trình, ngoài cái tâm của bác sĩ, thì yếu tố quan trọng chính là… trình độ năng lực. BĐ Nam (TP.HCM) đánh giá “Sự thông minh, nắm chắc kiến thức, sẽ giúp thầy thuốc quyết đoán cứu lấy mạng sống của người bệnh trong hoàn cảnh khó có phương tiện vật chất hỗ trợ”. BĐ Trần Thời (Đồng Tháp) tán thành: “Trước hết, bác sĩ phải là người có kiến thức, chuyên môn cao, và đánh giá chính xác sự hỗ trợ của ê kíp trực chung, của thiết bị kỹ thuật... Điển hình như vụ truyền bia cứu người ngộ độc rượu, nếu chờ quy trình, hoặc làm đúng quy trình, mà sự hỗ trợ không kịp thời, thì khó lường lắm...”. Một BĐ đến từ TP.HCM đúc kết “Khi trình độ y tế và nhận thức người dân phát triển đến một tầm cao nhất định thì mọi thủ tục hành chính chỉ mang ý nghĩa tham khảo”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.