Xét xử đại án Huyền Như: Luật sư đề nghị Vietinbank trả 718 tỉ đồng cho ACB

24/12/2014 21:21 GMT+7

(TNO) Chiều 24.12, trong phiên tranh luận vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng ACB, đề nghị Vietinbank trả 718 tỉ đồng cho ACB.

(TNO) Chiều 24.12, đại diện Viện KSND Tối cao (VKS) giữ quyền công tố tại tòa, các luật sư bắt đầu phần tranh luận xoay quanh trách nhiệm của Vietinbank đối với thiệt hại trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng.

Luật sư đề nghị Vietinbank trả 718 tỷ cho ACB 1Các bị cáo trong phòng xử ngày 24.12
Luật sư Lưu Văn Tám, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB, mở đầu đã đề cập đến vấn đề VKS bác kháng cáo của ACB và các nhân viên ngân hàng này.
Luật sư Tám cho rằng về hình thức, nội dung và bản chất thì hành vi chiếm đoạt hơn 718 tỉ đồng của bị cáo Như đối với các nhân viên ACB giống với hành vi chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của Như với Công ty Phương Đông, Công ty An Lộc, Công ty chứng khoán Toàn cầu, Công ty cổ phần chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS), Công ty Hưng Yên.
“Nhưng với 5 công ty trên thì VKS xác định Như chiếm đoạt tiền của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và buộc Vietinbank phải có trách nhiệm trả lại tiền, và hành vi của Như có dấu hiệu của tội 'tham ô tài sản'. Còn đối với ACB thì VKS lại khẳng định Như lừa đảo chiếm đoạt của khách hàng”, luật sư Tám phân tích.
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của ACB, luật sư Tám đề nghị hủy phần dân sự liên quan đến ACB.
Luật sư đề nghị Vietinbank trả 718 tỷ cho ACB 2Bị cáo Như tại tòa
Tương tự, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, bảo vệ quyền lợi cho ACB, cũng đề nghị Vietinbank có trách nhiệm trả 718 tỉ đồng cho ACB. Luật sư Uyên cho rằng tòa sơ thẩm xác định ACB là nguyên đơn là vi phạm quy định tố tụng.
Luật sư Uyên lập luận, VKS cho rằng Như giả danh Vietinbank để huy động vốn là sai, vì Như là nhân viên của Vietinbank, có nhiệm vụ huy động vốn. Các nhân viên ACB ký kết hợp đồng gửi tiền với Vietinbank do bà Nguyễn Thị Minh Hương, ông Trương Minh Hoàng (cùng là phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) làm đại diện có chữ ký, con dấu thật. Vì vậy, việc mở tài khoản, ký kết hợp đồng tiền gửi và chuyển tiền là hợp pháp.
Theo luật sư Uyên, việc ủy thác của ACB cho các nhân viên dù đúng hay sai cũng không làm thay đổi trách nhiệm của Vietinbank. Không có quy định pháp luật nào về việc ngân hàng không chịu trách nhiệm với tiền gửi có nguồn gốc trái pháp luật, việc kết luận này là suy diễn và không có căn cứ pháp lý. Tất cả các ngân hàng tại Việt Nam đều không yêu cầu khách hàng chứng minh và kiểm tra nguồn gốc tiền gửi của khách hàng.
Khép lại bài bào chữa, luật sư Uyên khẳng định: “Lỗi của Vietinbank với khoản tiền gửi của ACB không khác gì so với lỗi của Vietinbank với những khoản tiền gửi của các công ty: SBBS, Toàn Cầu, An Lộc, Phương Đông, Hưng Yên. Tôi cho rằng có sự phân biệt giữa các khách hàng gửi tiền trong quan điểm của VKS”.
Ngày mai (25.12), tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.