Xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm: ‘Bị cáo không kiềm chế được lòng tham, nhận tiền bất chính’

Vũ Hân
Vũ Hân
24/06/2018 07:14 GMT+7

Nói lời sau cùng trước tòa phúc thẩm, bị cáo Ninh Văn Quỳnh bày tỏ sự ăn năn, hối hận, xấu hổ khi không kiềm chế được lòng tham, nhận tiền bất chính.

Ngày 23.6, bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí VN (PVN), và đồng phạm trong vụ PVN góp 800 tỉ đồng vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) đã nói lời cuối cùng tại phiên xét xử phúc thẩm.
VKS khẳng định không buộc tội oan các bị cáo
Trong phần đối đáp trước tòa sáng 23.6, bị cáo Đinh La Thăng giơ tay đầu tiên và đặt ra hàng loạt câu hỏi cho đại diện Viện kiểm sát (VKS): 244 tỉ đồng cổ tức của PVN tại OceanBank là tiền thật hay ảo; 4.000 tỉ đồng vốn của OceanBank sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại 0 đồng là thật hay ảo, nếu là thật thì PVN không mất vốn vì NHNN không bỏ tiền vào đó; lý do vì sao PVN không được thoái vốn dù đã tìm được đối tác mua lại, trách nhiệm thuộc về ai?... Khi đối đáp, đại diện VKS nêu hàng loạt tài liệu và bị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở “đề nghị đại diện VKS không thống kê tài liệu, mà phải rõ văn bản sai chỗ nào”, vì “nói thế người ta không hiểu, HĐXX cũng không hiểu”.
Sau đó, đại diện VKS tiếp tục nhắc lại những quan điểm buộc tội từ trước, như bị cáo ký thỏa thuận góp vốn vào OceanBank khi chưa xin ý kiến các thành viên HĐQT, chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, đã có hành vi cố ý làm trái. “Việc kết luận Đinh La Thăng phạm tội với các tội danh như trên là không oan”, đại diện VKS nêu rõ.
Với bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN, đại diện VKS cho rằng nếu Quỳnh không có chức vụ thì Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN, sẽ không bao giờ đưa lãi ngoài cho Quỳnh, nên cáo buộc “lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản” với bị cáo này là chính xác.
Về trường hợp bị cáo Phan Đình Đức, nguyên thành viên HĐTV PVN, bị cáo kêu oan cùng với bị cáo Thăng, đại diện VKS cho rằng bị cáo đã ký văn bản 124 trước ngày nghị quyết góp vốn lần 3 được ký, lời khai có chứng cứ ngoại phạm của bị cáo Đức không đủ căn cứ để xem xét. VKS cũng cho rằng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không đưa ra được căn cứ gì mới để xem xét việc bị cáo đưa cho Ninh Văn Quỳnh 180 tỉ đồng chứ không phải 20 tỉ đồng như bị cáo Quỳnh nhận.
Theo đại diện VKS, quyết định mua 0 đồng của NHNN là có căn cứ pháp luật, VKS tôn trọng quyết định của các cơ quan chuyên môn và các cơ quan này sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Nhiều luật sư và bị cáo không hài lòng với phần đối đáp của VKS, dẫn đến việc chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu các bên tôn trọng quan điểm của nhau và dành quyền phán quyết lại cho tòa.
Nhiều bị cáo xin giảm hình phạt
Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục cho rằng việc PVN góp vốn vào OceanBank là giải pháp tình thế để xử lý hậu quả của việc thành lập Ngân hàng Hồng Việt do thay đổi chính sách của Chính phủ, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và đã được Thủ tướng cho phép. Bị cáo Thăng cho rằng mình rời PVN từ tháng 8.2011, nên “trách nhiệm bảo toàn vốn của PVN với tư cách Chủ tịch HĐQT” đã được bị cáo hoàn thành. Đến năm 2013, PVN vẫn có cổ tức thu về từ phần vốn đầu tư vào OceanBank… Bị cáo “mong tòa xem xét vụ án một cách toàn diện, công tâm, khách quan”.
Bị cáo Phan Đình Đức nói ngắn gọn trước tòa, mong hành vi của bị cáo được xem lại một lần nữa để làm rõ vấn đề. Bị cáo Đức “tin tưởng HĐXX sẽ làm nên một bản án thấu tình, đạt lý, nhân văn, trả lại sự thanh bạch cho bị cáo”.
4 bị cáo còn lại, gồm: Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng và Ninh Văn Quỳnh đều xin tòa xem xét công bằng để giảm nhẹ hình phạt và phần bồi thường dân sự cho các bị cáo. Trong đó, đáng chú ý, bị cáo Ninh Văn Quỳnh đã bày tỏ sự ăn năn, hối hận, xấu hổ khi không kiềm chế được lòng tham, nhận tiền bất chính. Còn bị cáo Nguyễn Thanh Liêm bày tỏ “vô cùng ân hận và đau xót vì hành vi của mình làm hủy hoại truyền thống gia đình cách mạng của bị cáo, sự hy sinh của ba mẹ bị cáo, những đóng góp của bị cáo vào sự phát triển của ngành dầu khí mấy chục năm qua”.
HĐXX cho biết sẽ tuyên án vào 15 giờ ngày 26.6.
Đại diện PVN “vòng vo” về yêu cầu bồi thường 800 tỉ đồng
Cũng tại phiên tòa, đại diện PVN đã không thể có một câu trả lời rõ ràng về việc có yêu cầu các bị cáo bồi thường 800 tỉ đồng đã mất hay không, dù chủ tọa phiên tòa nhiều lần truy hỏi. Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của PVN là luật sư (LS) Nguyễn Hồng Thái “bảo lưu quan điểm của PVN trong hồ sơ vụ án... Đề nghị tòa căn cứ vào kết quả điều tra vụ án và quá trình tố tụng để xem xét phần liên quan của PVN theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của PVN cũng như của nhà nước”.
Khi chủ tọa đề nghị “nói ngắn gọn là ông yêu cầu hay không yêu cầu bồi thường 800 tỉ”, LS Thái tiếp tục nêu quan điểm trong công văn... và bị chủ tọa ngắt lời, đề nghị “ông trả lời luôn, PVN có yêu cầu các bị cáo trả số tiền này không, 800 tỉ hay bao nhiêu”. LS tiếp tục “đề nghị căn cứ vào hồ sơ”... thì chủ tọa nhắc nhở “ông nói thế hơi thừa, không căn cứ vào hồ sơ thì căn cứ vào cái gì” và đề nghị LS của PVN trả lời thẳng vào câu hỏi.
Đến lúc này, LS đề nghị nhường lời cho đại diện PVN. Đại diện PVN tiếp tục bày tỏ “đồng ý với LS” và quan điểm của PVN đã có “trong hồ sơ”. Chủ tọa tiếp tục ngắt lời “nếu chỉ nhìn hồ sơ thì cần gì mở phiên tòa nữa?” và nhấn mạnh “ông không trả lời được ông nói ông không trả lời được”. Cuối cùng, đại diện PVN đề nghị số tiền 800 tỉ đồng được “giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.