Xử nghiêm những kẻ tiếp tay cho 'giặc quá tải'

01/11/2015 06:31 GMT+7

Đó là một trong những ý kiến bạn đọc sau khi đọc bài Phải coi “chở quá tải là giặc” trên Thanh Niên ngày 31.10.

Đó là một trong những ý kiến bạn đọc sau khi đọc bài Phải coi “chở quá tải là giặc” trên Thanh Niên ngày 31.10.

Phá hoại tài sản xã hội
Đường là của chung, toàn xã hội đóng phí đường bộ nhưng một số đối tượng sử dụng như phá, khiến đường mau chóng xuống cấp. Sức chịu đựng của các con đường có hạn, xe quá tải chạy liên tục thì làm sao đường không mau xuống cấp? Chỉ một số người hưởng lợi mà toàn xã hội phải chịu cảnh đường xấu, đường xuống cấp thì dân không bức xúc sao được.
Hồ Thanh Trúc
(thanhtruc_ho32@yahoo.com.vn)
LÝ DO “trạm cân hỏng” là ngụy biện
Chỉ cần vịn lý do trạm cân hỏng, chưa khắc phục kịp là từng đoàn xe quá tải có thể vô tư chạy qua, cán bộ trạm cân phủi trách nhiệm. Với kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại như hiện nay thì có khó gì việc thay thế thiết bị, sửa chữa hư hỏng ở trạm cân. Chẳng qua đó là lý do ngụy biện mà các cán bộ đưa ra để thoát tội mà thôi.
Trần Minh Tiến
(minhtien_tran@yahoo.com)
Bỏ ngay kiểu phạt rồi cho đi
Thực trạng các trạm cân sau khi phát hiện xe quá tải nhưng không đủ phương tiện, thiết bị hạ tải hoặc hàng hóa đó nếu hạ tải sẽ hư hỏng nặng thì đưa ra hướng xử lý là “phạt cho tồn tại”, nghĩa là xe quá tải vẫn được phép lưu thông sau khi đóng phạt. Nếu xử lý như vậy cũng bằng không.
Ngô Tiếu Thu
(thu_ngo@gmail.com)
Xử lý cả đầu vào, đầu ra
Để chấm dứt nạn xe quá tải, cơ quan chức năng cần đề xuất hướng xử lý đơn vị bốc xếp hàng hóa (đầu ra) và đơn vị tiếp nhận hàng hóa quá tải (đầu vào). Không thể nói đơn vị lên hàng không biết xe đó quá tải và đơn vị tiếp nhận cũng không hay. Một xe tải trọng 1 mà chất lên 2, 3 thì không thể nói không biết. Cứ thế, khi phát hiện xe quá tải, ngoài xử phạt người vi phạm thì cần làm rõ trách nhiệm và xử phạt cả đầu ra hay đầu vào của hàng hóa.
Cao Xuân Tâm
(caoxuantam@gmail.com)
Do cán bộ biến chất tiếp tay
Nhà nước tốn bao nhiêu tiền của, công sức xây dựng đường sá tốt đẹp để người dân đi lại thuận lợi, nhanh chóng. Thế nhưng, vì lợi ích của riêng mình, nhiều chủ phương tiện bất chấp quy định pháp luật cứ cho xe quá tải lưu thông cộng với sự tiếp tay của cán bộ tham nhũng, biến chất khiến đường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của toàn xã hội. Phải xử lý mạnh những trường hợp như thế này để người dân được an toàn hơn trên những tuyến đường.
Nguyễn Thành Tâm
(tamdaphuoc@gmail.com)
Không chung chi sao dám !
Đã có quy định, xe nào quá tải đều buộc phải hạ tải mới cho phép lưu thông tiếp tục. Đây là nỗi sợ lớn nhất của chủ hàng, các doanh nghiệp vận tải bởi hạ tải sẽ tốn nhiều chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng hàng. Do đó, nếu không có sự chung chi dọc hành trình vận chuyển chắc chắn không chủ hàng nào dám quá tải. Nhận biết quy luật đó thì Bộ trưởng Bộ GTVT đủ biết phải khắc phục ở khâu nào.
Trần Trọng Nguyên
(nguyen_tran68@yahoo.com)
       
Theo tôi, cần có điện thoại đường dây nóng của cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý xe quá tải để người dân kịp thời cung cấp thông tin. Đường dây nóng phải thu âm cuộc gọi để làm bằng chứng. Nếu cơ quan tiếp nhận không xử lý thông tin mà người dân cung cấp thì dân có quyền khiếu nại, tố cáo đơn vị tiếp nhận cố tình bao che...
Nguyễn Văn Liêm
 (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
       
Xe qua trạm cân vào giờ nào, tải trọng bao nhiêu, quá tải hay không các trạm cân phải ghi nhận lại. Nếu đã qua trạm mà phát hiện quá tải thì phải xử lý ngay cán bộ để “lọt” xe quá tải. Đã xem là “giặc” thì bất kể ai tiếp tay cũng đều phải nghiêm trị.
Nguyễn Văn Tươi
(TP.Mỹ Tho, Tiền Giang)
T.T - Duy Khang
 (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.