Xung đột giữa các khuynh hướng là động lực tạo ra sự tiến bộ

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt nhìn nhận như vậy khi trao đổi với PV Thanh Niên xoay quanh những kỳ vọng của người dân đặt ra đối với Đại hội 12 của Đảng khai mạc hôm nay, 21.1.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt nhìn nhận như vậy khi trao đổi với PV Thanh Niên xoay quanh những kỳ vọng của người dân đặt ra đối với Đại hội 12 của Đảng khai mạc hôm nay, 21.1.

Ông Nguyễn Trần BạtÔng Nguyễn Trần Bạt
Đổi mới vì đời sống của nhân dân
Đại hội 12 diễn ra trong bối cảnh đất nước đối mặt với nhiều thách thức, từ nội tại nền kinh tế, vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cho đến các vấn đề hội nhập, bảo vệ chủ quyền… Nhiều ý kiến mong muốn Đại hội lần này sẽ có những đổi mới mang tính đột phá như Đại hội năm 1986, thậm chí kỳ vọng có cuộc đổi mới lần 2. Ông chia sẻ thế nào trước mong muốn này?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi cho rằng, qua 30 năm đổi mới, Đảng Cộng sản VN và xã hội VN đã có một trong những thể nghiệm dũng cảm nhất, đó là hội nhập. Hội nhập và đổi mới là phép thử chính trị, hay chính xác hơn là thể nghiệm chính trị quan trọng của người Việt trong lịch sử của dân tộc chúng ta. Cho nên, với Đại hội 12, tôi nhận thấy có hai khuynh hướng kỳ vọng:
Khuynh hướng thứ nhất là muốn tiếp tục đổi mới một cách nhanh chóng, đôi khi dễ dãi và xem việc xác lập tốc độ phát triển kinh tế nhanh như là mục tiêu phát triển của toàn xã hội VN. Trong những kỳ vọng loại này có cả việc sửa đổi chính trị, sửa đổi những đặc điểm căn bản của thể chế, để tạo thuận lợi cho việc phát triển nhanh hơn nữa, đôi khi bất chấp cả sự tồn vong của Đảng. Xuất phát từ đó mà vừa qua, xuất hiện những khuynh hướng xa rời các nguyên lý, các truyền thống cơ bản của Đảng, được tuyên truyền một cách khá rộng rãi trong xã hội.
Khuynh hướng thứ hai là chấn chỉnh lại Đảng, chấn chỉnh lại Nhà nước VN và chấn chỉnh lại những khuynh hướng cơ bản về mặt chính trị trong xã hội VN.
Theo dõi các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội, tôi cho rằng khuynh hướng thứ hai, khuynh hướng chấn chỉnh lại đã trở thành khuynh hướng chủ đạo. Chính vì thế mới xuất hiện những sự công kích vào những công việc chỉnh đốn Đảng và những phản ứng tiêu cực đối với các dự thảo văn kiện Đại hội. Có thể nói Đại hội 12 là thời điểm thể hiện tính xung đột giữa các quan điểm chính trị ở trong Đảng khá rõ. Nhiều người giải thích sự xung đột chính trị như là sự mất đoàn kết nội bộ. Tôi không ủng hộ cách giải thích như vậy. Xung đột giữa các khuynh hướng, các tư tưởng chính trị bao giờ cũng là động lực cơ bản để tạo ra sự tiến bộ chính trị hay sự đúng đắn chính trị.
Tôi cho rằng, sự lựa chọn khuynh hướng của Đại hội 12 là đúng đắn, tức là những mục tiêu cơ bản của đại hội 12 là mục tiêu đúng, trong đó “xây dựng Đảng là then chốt” là một mục tiêu quan trọng. Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy địa vị của Đảng trong việc đảm bảo sự ổn định và phát triển của xã hội chúng ta còn lâu dài. Một số dư luận cho rằng Đảng không tồn tại lâu nữa. Tôi không tán thành quan niệm này. Đảng Cộng sản VN vẫn còn một quỹ thời gian rất dài để duy trì cương vị lãnh đạo Nhà nước và xã hội VN, vì thế tôi hoan nghênh những mục tiêu được nêu ra một cách công khai của Đại hội 12.
Thưa ông, quan sát 30 năm đổi mới đất nước, có ý kiến cho rằng chúng ta mới chú trọng đổi mới kinh tế trong khi chậm đổi mới về chính trị, dẫn tới việc thực hiện đổi mới thiếu đồng bộ. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Tôi không đồng ý với nhận định ấy. Chính trị là khoa học của những cái có thể. Khi chưa chuẩn bị và chưa hội tụ đủ các điều kiện thì không thành chính trị được. Trong cuốn sách viết về cải cách, tôi đã nói rất rõ rằng, cải cách là một đòi hỏi khách quan. Bây giờ sau tất cả các thử thách về kinh tế, chúng ta mới có kinh nghiệm để xác định được đổi mới chính trị tới đâu thì phù hợp với đòi hỏi của sự phát triển kinh tế. Đòi hỏi đi đến đổi mới chính trị không chỉ xuất phát từ sự phát triển kinh tế mà còn nảy sinh từ đời sống văn hóa và giáo dục nữa. Nói cách khác, vấn đề đặt ra là Đảng ta phải làm thế nào để hoạch định được một không gian chính trị phù hợp với thực tế của đời sống xã hội hiện nay.
Nếu không có kinh nghiệm để nắm bắt được sự đòi hỏi của thực tế về đổi mới chính trị, thì rất khó biết cần đổi mới chính trị đến đâu. Các bạn nên biết rằng, nếu đổi mới chính trị thì không phải chỉ có Đảng quyết định quy mô đổi mới, mà xã hội cũng phải tham gia vào đấy, kể cả các lực lượng đối lập cũng sẽ tham gia vào, khoét sâu, khơi rộng tất cả các ý đồ ban đầu của Đảng. Trong quyển sách về cải cách, tôi đã đưa ra kết luận là đổi mới chính trị phải phù hợp với sức chịu đựng của tất cả các lực lượng xã hội, trong đó, quan trọng nhất là lực lượng cầm quyền.
Tôi cho rằng, trách nhiệm của người lãnh đạo toàn diện đối với sự phát triển xã hội làm cho Đảng Cộng sản VN buộc phải chín chắn. Đảng phải hết sức thận trọng trong việc lựa chọn chính sách, lựa chọn quy mô để đổi mới không gian chính trị. Cần phải xác định, chúng ta không đổi mới vì đổi mới, mà đổi mới vì đời sống của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, vì sự an nguy của quốc gia.
Nhiều khi chúng ta cứ tưởng đổi mới là cái gì đó nằm ngoài cuộc sống, nằm trên cuộc sống. Sửa đổi Hiến pháp 2013 là một hoạt động có chất lượng đổi mới mà Đảng đã thực hiện. Hiện nay chúng ta cũng đã thấy Quốc hội đưa ra thảo luận về luật Biểu tình, luật Trưng cầu dân ý và nhiều bộ luật liên quan đến sự thay đổi bán kính chính trị cho các hoạt động xã hội. Đấy chính là đổi mới.
Không thể dùng áp lực dân chủ xã hội để đòi hỏi dân chủ trong Đảng
Thưa ông, một vấn đề mới được đưa vào chủ đề Đại hội 12 là phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đại hội lần này xác lập được cơ chế gì để thực hiện được dân chủ xã hội chủ nghĩa?
Tôi nghĩ rằng đấy là mệnh đề phổ biến trong những hoạt động chính trị của một quốc gia được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản. Nói thì có vẻ máy móc nhưng nó buộc phải như thế, nếu không thì những người cộng sản không còn giữ được quyền lãnh đạo nữa. Duy trì các đặc điểm xã hội chủ nghĩa là một tất yếu trong điều kiện một nước được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản.
Để hiện thực hóa được điều đó, Đại hội 12 phải kêu gọi được sự chín chắn của tất cả các lực lượng tham gia đời sống chính trị VN, như thế mới thống nhất chính trị được. Chín chắn là điểm quan trọng nhất để xét đoán và đánh giá một chính sách. Chín chắn là cái anh định đưa ra phải phù hợp với năng lực chịu đựng của tất cả các lực lượng xã hội tham gia vào tiến trình. Chúng ta chưa có được một bộ máy nhà nước đủ năng lực để quản lý những yếu tố hiện đại mà phổ biến những hoạt động hiện đại quá sức so với kinh nghiệm quản lý và chịu đựng của Nhà nước ở các cấp thì sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề. Nghiên cứu các lực lượng ủng hộ và không ủng hộ đổi mới ở trong xã hội, chúng ta sẽ thấy rất rõ điều ấy.
Để phát huy dân chủ trong xã hội thì thực hiện dân chủ trong Đảng thường được coi là yếu tố tiên quyết. Nếu dân chủ trong Đảng chưa được phát huy triệt để thì thực hiện dân chủ xã hội sẽ rất khó khăn. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Tôi không chia sẻ nhận định đó. Hiện nay xuất hiện những mong muốn thiết lập một trật tự chính trị khác so với trật tự chính trị mà Đảng muốn thể hiện trong Đại hội 12. Nói rằng dân chủ trong Đảng là chìa khóa của việc tổ chức dân chủ xã hội là không đúng. Dân chủ trong Đảng về bản chất là dân chủ của một tổ chức, nó có những tiêu chuẩn, những đặc điểm rất cá biệt, nhất là khi nó là tổ chức chính trị. Không thể gắn các tiêu chuẩn của dân chủ trong Đảng với dân chủ xã hội được.
Dân chủ xã hội là một phổ quát, dân chủ trong Đảng là một cá biệt. Không thể dùng áp lực của dân chủ xã hội để đòi hỏi dân chủ trong Đảng cũng giống thế. Việc gán ghép cho dân chủ trong Đảng những nghĩa vụ như thế là không đúng. Ngay cả dân chủ trong Đảng cũng có hai mảng khác nhau: dân chủ về mặt tư tưởng, tức là lựa chọn chính sách và dân chủ về mặt phương thức, tức là quản trị nội bộ. Khi nào Đảng tuyên bố không chấp nhận dân chủ trong xã hội nữa, không xây dựng nhà nước pháp quyền nữa thì mới có thể nói rằng Đảng bắt đầu phi dân chủ về mặt tư tưởng. Nhưng Đảng chưa tuyên bố như thế bao giờ, vẫn theo đuổi đòi hỏi dân chủ, tức là về mặt tư tưởng, Đảng không phi dân chủ. Còn khi Đảng cấu trúc lại các lực lượng của mình để đảm bảo dân chủ về tư tưởng thì không có gì sai.
Vậy theo ông, Đảng Cộng sản VN cần phải hành động như thế nào để phát huy được dân chủ trong xã hội với tư cách là một Đảng lãnh đạo?
Là một Đảng chính trị lãnh đạo duy nhất mà tuyên bố ủng hộ dân chủ xã hội thì đấy là mức hợp lý nhất trong việc tuyên bố ủng hộ các giá trị phổ quát. Còn cách thức thì có thể đúng lúc này, sai lúc kia, có thể đúng trong việc này, sai trong việc kia, cho nên mới cần có một quá trình sửa đổi liên tục, để các giải pháp chính trị cụ thể hỗ trợ lý tưởng chính trị mà Đảng muốn.
Là người nghiên cứu về lĩnh vực này, tôi cho rằng dân chủ hóa xã hội là lý tưởng chính trị mà Đảng Cộng sản VN muốn thực hiện và đang cố gắng tổ chức một cách vô cùng vất vả. Vất vả vì thực thi dân chủ là rất khó, vì xã hội chúng ta là một xã hội chưa tự giác, chưa đủ trình độ và chưa đủ trưởng thành để hiểu dân chủ một cách đúng đắn. Xã hội chúng ta vẫn sốt ruột, vẫn muốn có ngay dân chủ mà không hiểu rằng, để có dân chủ thì phải đầu tư, mà thể hiện rõ rệt nhất của việc đầu tư cho dân chủ chính là giáo dục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.