Thời thanh niên như giấc mơ đẹp

21/03/2011 18:07 GMT+7

“Tôi không bao giờ quên hình ảnh hàng nghìn thanh niên xung phong (TNXP) đi bộ hàng trăm cây số, nườm nượp vào mặt trận, lấy sự nhanh nhẹn, mưu trí đối đầu với sức mạnh bom đạn của kẻ thù”, ông Nguyễn Văn Đệ (ảnh nhỏ), nguyên Trưởng ban Chỉ đạo TNXP chống Mỹ cứu nước, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn khóa III, nhớ lại.

Kể về quãng thời gian ngót 20 năm làm công tác thanh niên, ông Đệ thao thao bất tuyệt về những ngày tháng gắn bó với TNXP trên tuyến lửa đánh Mỹ và cho đó là giấc mơ đẹp. Lúc ấy, ông Đệ chuyển từ Trưởng ban Công nghiệp T.Ư Đoàn thanh niên lao động Việt Nam sang làm Tổng chỉ huy lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước.
 

Từ tháng 2 - 6.1965, Mỹ tăng cường ném bom tàn phá các công trình ở các tỉnh, thành từ vĩ tuyến 20 trở ra. Đường hỏng, cầu cống sập, nhà ga, hải cảng bị phá tơi tả. Hàng triệu tấn hàng chi viện cho miền Nam ách lại dọc đường. Ngành giao thông điều toàn bộ quân số, có lực lượng công binh tăng cường, thêm cả người dân hai bên đường ra sức hỗ trợ mà việc thì nhiều không đếm xuể. Theo đề xuất của T.Ư Đoàn thanh niên lao động Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải, ngày 21.6.1965, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị thành lập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước. Nguyễn Văn Đệ được tin tưởng, giao trọng trách Trưởng ban Chỉ đạo TNXP chống Mỹ cứu nước.

Giữa lúc phong trào Ba sẵn sàng hừng hực khí thế, phát lời kêu gọi, thanh niên khắp nơi nô nức viết đơn tình nguyện đi TNXP. “Ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tuyển 200 người thì có 1.000 người nộp đơn; ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tuyển 400 người thì có hơn 3.000 người tình nguyện”, ông Đệ cho biết. Đợt tuyển quân đầu tiên, trên 5 vạn thanh niên của 12 tỉnh, thành phía Bắc đi TNXP lên đường hành quân. Khắp các con đường hàng nghìn thanh niên rầm rập hướng ra tiền tuyến. Chỉ sau 2 tháng đi bộ, TNXP đã có mặt tại nơi xa nhất trên miền tây Quảng Bình. Ông Đệ cũng trực tiếp đi bộ, chỉ huy cánh quân tiến vào Hà Tĩnh. TNXP có mặt ở đâu, mạch máu giao thông ở đó được nối lại thông suốt. “Đi bộ cả tháng trời, nhiều anh em phồng rộp bàn chân, ăn uống thì kham khổ mà không có ai chịu tụt lại hay đào ngũ”, ông Đệ kể.

Đến cuối năm 1966, tổ chức TNXP chống Mỹ cứu nước đi vào ổn định, với hơn 7 vạn người trải ra khắp các tuyến đường, lập hàng trăm chốt, kiên cường cùng công binh bám giữ trọng điểm đảm bảo mạch máu giao thông không gián đoạn.

 
Ông Nguyễn Văn Đệ (thứ hai từ trái qua) trong một chuyến thăm đơn vị TNXP tại Hà Tĩnh năm 1968 - Ảnh:  tư liệu

Mong muốn xây dựng môi trường TNXP như là trường học lớn để rèn luyện, ông Đệ tổ chức và phát triển các lớp dạy học cho TNXP. “Đánh” trúng nhu cầu, TNXP hào hứng sáng tạo phương pháp học tập. Mảnh

ni -lông, vỏ bao thuốc lá đến giấy bọc đường, bọc kẹo được tận dụng làm giấy viết. Ở trọng điểm bom giặc đánh phá ác liệt, ban ngày TNXP chui xuống hầm thắp đèn học văn hóa, đêm xuống ra đường làm nhiệm vụ. “Phong trào học tập lan rộng nhưng chỉ mở được từ  lớp 1 - 7. Mỗi kỳ thi đều có giám thị của ngành giáo dục giám sát nghiêm túc, chứ không hề châm chước hay ưu tiên”, ông Đệ tự hào.

Ông Đệ cho rằng, khoảng thời gian gắn bó, gần gũi với thanh niên phần nào hình thành phong cách làm việc của ông. Đó là sự năng động, thái độ nhiệt tình với công việc, sáng tạo trước quần chúng, chưa bao giờ từ chối, phàn nàn về vị trí, công việc. Cũng theo ông Đệ, công tác Đoàn không thể cứ làm ào ào, chỉ tập trung vào nhóm thanh niên tích cực mà cần quan tâm hơn đến nhóm thanh niên chậm tiến; xây dựng nhân tố điển hình để nhân rộng, gây ảnh hưởng thì khi ấy sức sống của hoạt động, phong trào mới đi vào chiều sâu trong đời sống thanh niên.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.