Gọi là “xưởng” nghe cho sang chứ thật ra tất cả gói gọn trong phòng trọ hơn 10m2. Một cái máy may đời cũ, một manơcanh, một chiếc bàn dùng để cắt đồ là toàn bộ tài sản của Nguyễn Ly Ly, cô sinh viên năm 4 ngành thiết kế thời trang ĐH Kiến trúc TP.HCM.
|
Xưởng may “phòng trọ”
Mua khúc vải ngoài chợ 30.000 đồng, gần 2 giờ cắt cắt may may Ly có ngay một chiếc áo đầm xinh xắn. Mặc vội lên manơcanh để phối thêm phụ kiện, chiếc áo còn nóng hổi thì cô bạn của Ly đã nài nỉ mua cho bằng được. 80.000 đồng là giá chiếc áo đầm khởi nghiệp của Ly.
Theo học Trường ĐH Hồng Bàng được hơn một năm thì Ly quyết thi vào ĐH Kiến trúc để quay lại với đam mê của mình: thiết kế thời trang. Ban ngày học ở trường, ban đêm đến trung tâm học về kỹ thuật cắt may, nhưng mãi gần hai năm cô sinh viên Nha Trang mới thành thạo cắt may bởi lịch học ở trường quá dày và cứ đến hè là “xin nghỉ để tham gia chiến dịch Mùa hè xanh”.
Năm 2009, bố Ly mang vào chiếc máy may, Ly trích học bổng lấy 300.000 đồng mua một manơcanh, trích thêm mấy trăm ngàn mua chiếc bàn cắt vải. Rồi vài chục ngàn tiền vải, tiền vắt sổ... là Ly có những bộ quần áo, những chiếc đầm xinh xắn cho mình, cho cô em gái... Kế đến là may bán cho bạn bè, khách... cứ thế “xưởng” của Ly có thêm những khách hàng mới.
Nhiều lúc không có tiền, vải thì quá nhiều, Ly bắt đầu tận dụng đống vải tồn để xoay tiền. Thiết kế liền liền và tùy dáng người của khách mà chỉnh sửa, giá từ 100.000-250.000 đồng một món, Ly cũng có kha khá khách.
Học và làm đồ án tốt nghiệp chiếm nhiều thời gian của Ly, nhưng hễ rảnh rỗi là chiếc máy may ở căn phòng trọ chật chội lại xìch xịch chạy, và vẫn cứ chạy như thế gần hai năm nay để chuẩn bị cho một ước mơ lớn hơn: “Ly sẽ xây dựng một trung tâm thời trang. Ở đó phụ nữ có thể thư giãn, làm đẹp, được tư vấn và xem những thiết kế thời trang” - Ly tâm sự.
Kinh doanh là trải nghiệm
“Tại sao không thể tạo ra một thương hiệu thời trang dành riêng cho người VN, bằng chất liệu đặc trưng với những thiết kế độc đáo”, đó là lý do Lê Giang Thanh (sinh viên năm 4 ngành thiết kế thời trang Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) manh nha ý tưởng mở cửa hàng thời trang.
Thế là sau hai tháng chuẩn bị mẫu, tháng 1-2011 Giang Thanh cùng một người bạn khai trương cửa hàng thời trang với 50 triệu đồng khởi nghiệp. Thuê mặt bằng nhỏ xíu ở quận 1, Thanh vừa thiết kế vừa may mẫu, còn hàng gia công thì nhờ các xưởng may.
Tất bật với đồ án tốt nghiệp và lịch học của năm cuối, Thanh phải sang lại cửa hàng cho người khác quản lý, cô chỉ lo khâu thiết kế. Những ngày hè này Thanh vừa làm đồ án, vừa chuẩn bị cho một cửa hàng mới.
“Mình hướng đến xây dựng một thương hiệu thời trang công nghiệp có tính ứng dụng. Muốn làm lớn thì phải bắt đầu làm nhỏ trước và đây là lúc để chuẩn bị”, Thanh tiết lộ.
Pensée shop của cô bạn Ngô Thị Túy Trúc (năm 5 ngành thiết kế thời trang ĐH Kiến trúc TP.HCM) cùng hai người bạn là địa chỉ quen thuộc và khá yêu thích của những bạn gái thích dòng thiết kế hơi cổ điển. Mẫu tự thiết kế, phụ kiện giày, dép, trang sức, giỏ đi kèm cũng được nhóm của Trúc thiết kế. Và cửa hàng quần áo nằm khiêm tốn trong một khu chung cư ở quận 1 là nơi để các bạn thử sức với kinh doanh và thực nghiệm những gì đã học.
“Kinh doanh giúp tụi em có nhiều kinh nghiệm, mở rộng các mối quan hệ, phát triển khả năng, kỹ năng của mỗi người... Tất cả là những kinh nghiệm quý giá cho khởi nghiệp sau này”, Túy Trúc chia sẻ thêm.
Dẫu chỉ chiếm một thị phần khá nhỏ, thiết kế của các sinh viên ngành thời trang đang được nhiều khách hàng trẻ ưa chuộng. Quan trọng hơn, các sinh viên kiêm nhà thiết kế trẻ này sẽ có nhiều “của để dành” cho những ước mơ lớn hơn.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)