TNO

Thơm lừng vịt nấu thơm

19/03/2015 11:01 GMT+7

Nếu như miền Bắc nổi tiếng với vịt nấu sấu, vịt nấu măng thì miền Trung và miền Nam, món vịt nấu thơm được ưa chuộng hơn cả.

Nếu như miền Bắc nổi tiếng với vịt nấu sấu, vịt nấu măng thì miền Trung và miền Nam, món vịt nấu thơm được ưa chuộng hơn cả.
>> Nồng đậm vị quê bánh canh vịt Quảng Trị
>> Đi ăn cà ri vịt trong chợ Xã Tây

Món ăn hấp dẫn này có thể “đánh gục” những ai ăn ngay từ lần đầu tiên. Thịt vịt đậm đà, không ngán nhờ nước trái thơm tiết ra nên mềm hơn và có vị chua dịu, ngòn ngọt cùng mùi thơm thanh mát. Mạ tôi người Huế, nấu món này rất cầu kỳ và tỉ mỉ để thịt vịt không còn mùi hôi đặc trưng.

Thơm lừng vịt nấu thơm 1
Cái cảm giác chan muỗng nước thịt vào chén bún, đưa vào miệng rồi cắn miếng vịt thơm lừng
cùng miếng thơm ngọt lịm, đến giờ nghĩ lại vẫn còn tứa cả nước miếng - Ảnh: Giang Vũ
 

Trước tiên, phải nhặt lông măng thật kỹ, đây là nguyên nhân chủ yếu khiến vịt có mùi không mấy thiện cảm. Sau đó, tiếp tục tẩy mùi bằng cách thoa bên ngoài da vịt một ít gừng giã nát với rượu, sau đó rửa sạch, chặt miếng to chừng nửa bàn tay. Nếu chặt nhỏ quá, khi nấu chín, miếng vịt bị teo nhìn không đẹp mắt.

Ướp thịt vịt chừng một giờ với nước mắm, tiêu, cùng hành tím giã nhỏ, một miếng gừng đập dập, nhiều gừng quá sẽ làm át mùi thơm. Tỉ lệ gia vị trong một món ăn rất quan trọng, chẳng hạn, với vịt nấu măng thì cần nhiều gừng, trong khi đó, vịt nấu thơm cần nhiều hành tím hơn.

Phi hành tím với một ít dầu, xào vịt cho thật thơm và săn lại. Tiếp đó, đổ nước sôi vào và đun lửa to, đây là cách “khóa” chất ngọt lại để nó khỏi tuôn ra trong quá trình hầm lâu, đồng thời nhanh tay hớt bọt khi lửa đang to. Khi hớt bọt xong, hạ lửa liu riu nấu chừng nửa giờ.

Nếu nấu một con vịt, chỉ dùng một trái thơm là đủ. Thơm cắt miếng lớn, dày chừng 1 ngón tay, xào riêng với muối, mắm, tiêu cho thấm. Khi vịt hầm được nửa tiếng đồng hồ, cho thơm vào hầm cùng cho tới khi thịt vịt chín mềm.

Lúc mùi thơm dậy lên cả gian bếp là xem như món ăn hoàn tất. Múc thịt vịt và thơm ra tô, rắc lên ít hành lá và ngò gai, khi vịt nguội bớt có thể xếp một ít lá quế lên trên cho đẹp mắt.

Món này ăn cùng với bún ngon hơn ăn cùng với cơm. Lúc nhỏ, mỗi khi nghe mạ nói chuẩn bị nấu món thịt vịt hầm thơm, thể nào anh em chúng tôi cũng tranh nhau phần đi mua bún, khiến cả nhà chộn rộn hẳn lên.

Cái cảm giác chan muỗng nước thịt vào chén bún, đưa vào miệng rồi cắn miếng vịt thơm lừng cùng miếng thơm ngọt lịm, đến giờ nghĩ lại vẫn còn tứa cả nước miếng. Ăn hết chén thứ nhất, chắc chắn sẽ có thêm chén thứ hai vì khó lòng cưỡng lại sự hấp dẫn của món ăn này.

Giờ đây, mỗi lần cảm thấy ngán các món ăn thường nhật, tôi lại làm món vịt nấu thơm giống mạ như là một biến tấu khác lạ cho bữa ăn hàng ngày thêm thi vị.

Giang Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.