Thông điệp lớn từ mỗi việc nhỏ

19/04/2010 14:49 GMT+7

Tiến sĩ Vũ Minh Khương (đang giảng dạy tại ĐH Quốc gia Singapore) cho rằng điều quan trọng nhất là chúng ta phải làm việc nhỏ vì một thông điệp lớn.

Từ việc nhỏ, rất nhỏ...

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên tại Singapore hôm 16.4, tiến sĩ Khương kể: hồi còn nhỏ sống ở Hải Phòng, có lần ai đó vứt ra đường một con chuột chết làm thối um cả xóm, mọi người đi ngang qua đều bịt mũi và phàn nàn. Mãi đến chiều, mẹ ông đi làm về thấy mới dọn dẹp. Làng xóm lại sạch sẽ. Việc làm nhỏ nhoi ấy tự nó đã đem đến cho anh em ông một bài học sâu sắc về vệ sinh, môi trường cùng với ý thức cộng đồng và nó theo ông mãi mãi.

Đến khi đi bộ đội ở Binh đoàn 318 đóng tại Vũng Tàu hồi đầu thập niên 1980, ông và đồng đội đã có những ngày xách phân tưới rau, trồng tỉa, nuôi gà... Đó là khoảng thời gian “nhớ đời”. Tuy vậy, tiến sĩ Khương cho rằng công việc đó đã mang đến cho ông xúc cảm sâu sắc về sự gian khổ của nhà nông, sự bấp bênh của mùa vụ. Và theo ông, nếu hiểu được điều đó, những ai có cơ hội học hành, có chức quyền không cần phải xắn quần xuống ruộng làm giúp nông dân, mà phải nghĩ cách làm sao để cải thiện việc làm nông bớt cực nhọc, mà năng suất cao hơn, thu nhập nhà nông ổn định và đời sống được nâng lên.

Tiến sĩ Khương cho rằng giáo dục thanh niên làm việc nhỏ là cần thiết, bởi nếu chỉ hô hào những việc to tát, chung chung thì nền tảng sẽ bị rỗng. Tuy nhiên, làm việc nhỏ để nghiệm ra một thông điệp lớn hơn, để có một xúc cảm sâu xa, chứ không phải chỉ để có kỹ năng, để biết làm.

Theo ông Khương, khát vọng đó có khi cần phải cụ thể hóa ở tầm quốc gia. Chẳng hạn, người ta có thể đề ra một tầm nhìn: Việt Nam phải là một dân tộc văn minh. Tầm nhìn đó, khát vọng đó sẽ đánh thức trong mỗi con người ý thức chấp hành luật lệ giao thông, không xả rác bừa bãi, biết xếp hàng, chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi... Ý thức đó không nhằm để đối phó với việc bị xử phạt, bị quở trách, mà bởi người ta muốn đạt đến cái gọi là “văn minh”, để “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

Dám nghĩ lớn, làm lớn

Bản thân tiến sĩ Vũ Minh Khương từng được nhiều người biết đến như một người có khát vọng mãnh liệt, dám nghĩ lớn và làm lớn. Xuất ngũ năm 1983, chàng thanh niên 24 tuổi tốt nghiệp xuất sắc ngành Toán của ĐH Quốc gia Hà Nội đã một mình vào TP.HCM, tìm gặp trực tiếp giám đốc các trung tâm máy tính để xin việc. Trung tâm Điện toán Công ty điện lực 2 nhận ông làm chuyên viên phân tích chương trình máy tính với điều kiện làm việc rất tốt. Năm 1985, ông viết thư cho Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đề nghị được làm Giám đốc Xí nghiệp hóa chất Sông Cấm, một doanh nghiệp quốc doanh với hơn 400 công nhân bên bờ vực phá sản. Năm 1986, ông Khương về Xí nghiệp Sông Cấm làm kế toán trưởng. Năm 1988, ông lên làm giám đốc và xoay chuyển xí nghiệp từ tình trạng khó khăn sang làm ăn phát đạt.

Năm 1992, ông Khương lên Hà Nội, tìm đến khách sạn nơi đoàn cán bộ ĐH Harvard sang VN tuyển người đi học ở Mỹ đang lưu trú, trình bày nguyện vọng du học. Và ông đã xin được học bổng Fulbright, học chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường kinh doanh của ĐH Harvard. Kể với Thanh Niên, ông Khương nói trong đời ông có lẽ “việc nhỏ” gian nan nhất mà ông từng trải qua là học tiếng Anh. Ở tuổi 30 mới bắt đầu học tiếng Anh quả là quá khó. Nhưng chính khát vọng mãnh liệt là phải đi học nước ngoài để vươn cao, ông đã thành công.

Về nước năm 1995 sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, ông Khương được bổ nhiệm làm Trưởng ban cố vấn kinh tế cho Chủ tịch UBND TP Hải Phòng và làm Phó ban quản lý Khu kinh tế Đình Vũ. Sau đó ông lên Hà Nội làm cho Ủy ban Nghiên cứu thuộc Văn phòng Chính phủ. Năm 1999, ông trở lại Harvard làm nghiên cứu sinh và hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ về chính sách và kinh tế vào năm 2005. Giáo sư Dale Jorgenson - một nhà kinh tế lừng danh thế giới tại ĐH Harvard, thầy hướng dẫn luận án - đánh giá Vũ Minh Khương là một trong những học trò xuất sắc nhất của ông. Tên của tiến sĩ Khương cũng được khắc trang trọng trên bảng vàng của trường Hành chính Kennedy thuộc ĐH Harvard.

Từ đó, tiến sĩ Vũ Minh Khương thỉnh giảng những môn về kinh tế và chính sách tại nhiều trường đại học ở Mỹ và Nhật Bản. Từ tháng 7.2006, ông về dạy tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu, thuộc ĐH Quốc gia Singapore. Cùng với giáo sư Jorgenson và những giáo sư kinh tế khắp thế giới, tiến sĩ Vũ Minh Khương thường xuyên có những báo cáo nghiên cứu được những cấp ra quyết định ở Singapore và nhiều quốc gia khác đánh giá rất cao.

Dù vậy, đằng sau những tràng cười thoải mái khi trò chuyện với Thanh Niên, giọng ông vẫn trĩu nặng một trăn trở: Nếu Hải Phòng hay TP.HCM cần người về giúp sức, mình và bạn bè sẽ về nước ngay ngày mai!

“Khi mình chọn ngành Chăn nuôi - Thú y, có khá nhiều người chế giễu: Bao nhiêu ngành nghề thời thượng khác không học, tự dưng bỏ đến 5 - 6 năm trời chỉ để học cách... thiến heo! Những người đó nghĩ đơn giản rằng ngành này chỉ tập trung làm chuyện “thiến heo”. Thực ra, mình nghĩ đây là ngành mang lại nhiều ích lợi cho nông dân nên sẽ theo đuổi đến cùng. Theo mình, việc học để lấy được tấm bằng đại học là “việc nhỏ”. Nhưng nếu không làm tốt “việc nhỏ” này thì tụi mình khó thực hiện “việc lớn” - đó là đem kiến thức đã học về giúp tỉnh nhà phát triển chăn nuôi, đồng thời giúp kinh tế của bà con được ổn định”. (Lý Minh Thuận - dân tộc Khmer, quê Sóc Trăng, SV khoa Chăn nuôi - Thú y trường ĐH Nông lâm TP.HCM)

“Để giữ uy tín với khách hàng, tôi đã từng phải chạy xe gắn máy gần 50 km chỉ để giao một món hàng trị giá rất nhỏ. Chính những lần như thế, tôi đã tạo được niềm tin đối với khách hàng và sau này khi chuyển sang công ty khác, những khách hàng cũ vẫn tiếp tục hợp tác. Trải qua những ngày làm việc như người thợ mà tôi hiểu được tất cả các quy trình, kỹ thuật cùng những “chiêu” trong nghề để khi trở thành lãnh đạo thì biết phải làm gì. Tôi rất thích câu nói: Không thể là một chỉ huy giỏi nếu bạn đã không là chiến sĩ giỏi”. (Nguyễn Quốc Dũng - Phó giám đốc Công ty công nghệ và thiết bị Mekong).

N.Lịch - T.Long
(ghi)

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.