Thông qua luật Địa chất và khoáng sản, nhiều quy định mới về cấp phép khoáng sản

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/11/2024 10:20 GMT+7

Chính phủ sẽ quy định tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đồng thời, mỗi cá nhân cấp tối đa 5 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản.

Sáng 29.11, 446/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua luật Địa chất và khoáng sản, có hiệu lực từ 1.7.2025.

Thông qua luật Địa chất và khoáng sản, nhiều quy định mới về cấp phép khoáng sản- Ảnh 1.

Quốc hội thông qua luật Địa chất và khoáng sản sáng 29.11

ẢNH: GIA HÂN

Liên quan tới đấu giá quyền khai thác khoáng sản, luật vừa thông qua quy định khu vực không thực hiện đấu giá là khu vực khoáng sản được khoanh định để bảo đảm an ninh năng lượng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, sử dụng hiệu quả khoáng sản chiến lược, quan trọng.

Luật cũng quy định, không thực hiện đấu giá với việc khai thác khoáng sản bảo đảm nguyên liệu, vật liệu cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. 

Luật tiếp tục giao Bộ TN-MT khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ TN-MT.

Ở địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ tổ chức thực hiện việc khoanh định, phê duyệt, điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND cấp tỉnh.

Chính phủ cũng được giao quy định tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Luật vừa thông qua cũng bổ sung quy định giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng tỷ lệ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của khoáng sản cùng loại ở khu vực không đấu giá. Bước giá được xác định tối thiểu là 1% và tối đa là 10% giá khởi điểm.

Thông qua luật Địa chất và khoáng sản, nhiều quy định mới về cấp phép khoáng sản- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Lê Quang Huy báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật

ẢNH: GIA HÂN

Báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy, cho biết, một số ý kiến đề nghị gộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên để tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực của Nhà nước và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên khác nhau về cơ chế xác định, việc thu, nộp và không trùng lặp thủ tục hành chính. Quy định tiền cấp quyền đối với tài nguyên khoáng sản thống nhất với pháp luật về tài nguyên nước. Trường hợp bỏ quy định thu tiền cấp quyền thì không có cơ sở tính giá khởi điểm khi tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Do vậy, dự thảo luật tiếp tục quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và không gộp với thuế tài nguyên. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục cải cách thủ tục nộp thuế, tiền cấp quyền để bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.

Mỗi tổ chức, cá nhân được cấp tối đa 5 giấy phép thăm dò một loại khoáng sản

Thông qua luật Địa chất và khoáng sản, nhiều quy định mới về cấp phép khoáng sản- Ảnh 3.

Bộ trưởng TN-MT Đỗ Đức Duy tại phiên họp thông qua luật Địa chất và khoáng sản. Dự án luật do Bộ TN-MT chủ trì soạn thảo

ẢNH: GIA HÂN

Luật Địa chất và khoáng sản vừa thông qua cũng quy định, mỗi tổ chức, cá nhân được cấp không quá 5 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, không kể giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực.

Báo cáo trước Quốc hội, ông Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ quy định đối với trường hợp tổ chức được cấp vượt quá 5 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến số lượng giấy phép thăm dò đối với khoáng sản năng lượng (than) cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo đã bổ sung quy định trường hợp cấp quá 5 giấy phép cho cùng 1 tổ chức phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản.

Về giấy phép khai thác khoáng sản, ông Huy phản ánh, có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, khoáng sản là tài sản công, việc thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có cách tiếp cận khác so với dự án đầu tư thông thường khác.

Luật đã quy định giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm, tổng cộng là 50 năm, bằng với thời gian thực hiện dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.