Thông tin đầy đủ hơn về Biển Đông để nhân dân yên tâm

01/11/2019 06:07 GMT+7

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 31.10, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả đã đạt được, song cũng lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường , tăng trưởng GDP chưa bền vững.

Đặc biệt, nhiều đại biểu mong muốn Chính phủ chủ động cung cấp thông tin đầy đủ tới cử tri về diễn biến phức tạp trên Biển Đông.

Cần “tam công chiến pháp” để đối phó với Trung Quốc

Đề xuất đổi giờ học, làm việc lên 8 giờ 30 hoặc 9 giờ 

Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng trên thế giới cũng như châu Á, hầu hết các nước bắt đầu giờ học, giờ làm lúc 8 giờ 30 hoặc 9 giờ, thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng được áp dụng đồng bộ cho khối cơ quan hành chính, khối văn phòng, cơ sở giáo dục. Hiện nay, ở nước ta, một số doanh nghiệp, cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài cũng đã áp dụng giờ làm việc theo khung này.
Theo ĐB Cảnh, mới đây, một trang báo ở VN đã lấy ý kiến của hơn 23.000 độc giả về thời điểm bắt đầu làm việc. Trong đó, 14% chọn 7 giờ 30, 33% chọn 8 giờ và 53% chọn 8 giờ 30. Điều này cho thấy có nhiều người ủng hộ đối với đề xuất đổi giờ học, giờ làm nên cần tiếp tục xem xét. Hiện tại, nước ta đang dùng khung giờ làm việc của thời kỳ còn là nước nông nghiệp để áp vào các đô thị đang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch là không phù hợp. Ông Cảnh cho rằng, việc đi học, đi làm muộn, nghỉ trưa ngắn sẽ đem lại lợi ích về giao thông, tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả giờ làm và kỷ cương làm việc của công chức.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói: “Mọi người dân VN ai cũng yêu nước và muốn bảo vệ chủ quyền mà không có sự nhân nhượng nào khi nói đến chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ”. Vì thế, ông Nghĩa đề nghị nên thông tin qua hệ thống chính trị một cách kịp thời, đầy đủ hơn về tình hình phức tạp trên Biển Đông để người dân yên tâm, tin tưởng vào tương lai, vào kết quả bảo vệ chủ quyền của đất nước.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng báo cáo của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh vừa qua cho thấy tình hình Biển Đông mấy tháng qua diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc (TQ) xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.
“Được biết các nỗ lực ngoại giao, các lực lượng trên biển của chúng ta đã giành được kết quả quan trọng và cơ bản. Đó là kiên trì đấu tranh và vận động để TQ rút tàu ra khỏi vùng biển VN, giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích chính đáng của VN ở Biển Đông, đặc biệt là thực hiện được kế hoạch hoạt động dầu khí của chúng ra, được quốc tế ủng hộ, đồng tình và thừa nhận”, ông Trí nói, đồng thời cho hay nguyện vọng của cử tri là mong Chính phủ làm tốt hơn nữa việc chủ động cung cấp thông tin dưới các hình thức khác nhau để nhân dân biết rõ, yên tâm và tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông đúng cách, hiệu quả.
Vấn đề công khai cũng là một trong “tam công chiến pháp” mà ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) hiến kế để đối phó với TQ trên Biển Đông. Ông Vân khẳng định dã tâm của TQ là chiếm đoạt Biển Đông thành ao nhà, TQ đã và đang sử dụng "tam chủng chiến pháp" gồm tâm lý, truyền thông và pháp lý. Về tâm lý, TQ rao giảng cho người dân rằng Biển Đông là của TQ. Về truyền thông, TQ đã rêu rao hết các diễn đàn, Biển Đông là của TQ. Về pháp lý, TQ đang sửa lại, diễn đạt lại luật biển của họ và trên thực tế đang tiến hành xâm lấn các quốc gia ven biển.
Từ đó, ĐB tỉnh Cà Mau kiến nghị cần có “tam công chiến pháp” để đối phó với TQ. Thứ nhất, về công luận, VN phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, củng cố hồ sơ chứng minh cho dư luận thế giới biết chủ quyền hợp pháp của VN ở Biển Đông. Thứ hai, phải công khai hóa các hoạt động phi pháp của TQ trên Biển Đông cho thế giới biết, trong nước biết. Cuối cùng về công pháp, theo ông Vân, cần sử dụng tối đa công cụ pháp lý từ công ước quốc tế cho tới cơ sở pháp lý mà luật Biển VN đã quy định. "Về lâu dài, ta phải có đối sách căn bản, phòng thủ chặt chẽ, để ngăn chặn sự lấn tới của TQ, vi phạm trắng trợn của TQ trên Biển Đông", ông Vân khẳng định.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) trăn trở khi ngay trên diễn đàn QH, vẫn có ĐB né tránh, thay thế chỉ đích danh TQ bằng khái niệm rất mơ hồ “nước ngoài”.
“Như vậy người dân ta nghĩ thế nào và cả người TQ nghĩ thế nào về tâm thế khó hiểu ấy. Sau này con cháu chúng ta, những người làm sử hậu duệ của chúng tôi đọc những văn bản này họ sẽ nghĩ gì về thời đại chúng ta đang sống”, ông Quốc đặt câu hỏi và cho rằng dân tộc VN có cả một chiều dài lịch sử, không chỉ có chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà có thời kỳ rất dài của hòa hiếu quan hệ VN - TQ. Vì vậy, VN có đầy đủ những kinh nghiệm của ông cha để giữ được tư thế của mình trong mối quan hệ ấy để bảo đảm môi trường hòa bình, phát triển của dân tộc.

Để ô nhiễm là sự tắc trách của chính quyền

Trong buổi thảo luận buổi chiều, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) đã nêu lên mối nguy hại của ô nhiễm nguồn nước đối với người dân. Ông cho biết, sự cố dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho Nhà máy nước sông Đà ở Hà Nội vừa qua cho thấy công tác quản lý nhà nước đối với nguồn nước ngọt còn nhiều sơ hở, ẩn chứa nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân. ĐB Giang đặt câu hỏi: “Sẽ ra sao nếu vừa rồi chất gây ô nhiễm không phải là dầu mà là một loại hóa chất độc hại khác”.
Từ đó, ĐB này kiến nghị Chính phủ cần tiến hành quy hoạch liên quan đến nguồn nước lưu vực sông theo luật Quy hoạch để đảm bảo chất lượng nguồn nước. Bên cạnh đó, cần kiểm tra các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan đến nhà máy nước trên toàn quốc.
Nêu lên thực trạng ô nhiễm nguồn nước, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cũng nhận định tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng. Một loạt vụ ô nhiễm nước sạch, ô nhiễm không khí xảy ra vừa qua đang khiến người dân vô cùng bức xúc. ĐB Phúc đặt dấu hỏi: “Thở, ăn, uống... đều nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống liệu có thực sự tăng cao? Trên thực tế, tình trạng ô nhiễm vẫn đang tiếp diễn thì Chính phủ đã thực sự vào cuộc xử lý quyết liệt vấn đề ô nhiễm hay chưa?”.
Trước đó, khi bàn về vấn đề này, ĐB Dương Trung Quốc đã cảnh báo: "Phải đến vụ cháy cơ sở Rạng Đông chúng ta mới giật mình nhận ra chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm trong khu dân cư đã triển khai từ lâu nay vẫn giậm chân tại chỗ. Ở vụ nước sông Đà, cả triệu người dân thủ đô lao đao do nguồn cung cấp nước sạch bị ô nhiễm, kéo dài cả tuần, chúng ta lại tiếp tục giật mình nhận ra cách quản lý tắc trách của nhà nước đối với vấn đề sinh tử của dân. Những điểm tối tuy không che lấp được nhưng nó làm xấu bức tranh sáng sủa của những thành tựu tích cực mà Chính phủ cùng nhân dân đã ra sức phấn đấu, làm mất mát lòng tin của người dân đối với năng lực của một nhà nước luôn coi mình là của dân, do dân, vì dân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.