Thông tin mới nhất về vụ thảm sát kinh hoàng ở trường học Mỹ

18/04/2007 00:34 GMT+7

** Lời kể trong nước mắt của các nhân chứng ** 33 người chết ** Thủ phạm là một sinh viên gốc Hàn Quốc Sát thủ cùng 32 nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ thảm sát học đường đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ tại Đại học Công nghệ Virginia. Bi kịch này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về an ninh học đường tại Mỹ.

Hai vụ bắn giết

Đại học Công nghệ Virginia tại tiểu bang cùng tên ở miền đông nước Mỹ có khoảng 26.000 sinh viên, trong đó nhiều người đến từ châu Á. Ngày 16.4, vụ thảm sát đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ đã xảy ra tại đây.

Bi kịch bắt đầu vào lúc khoảng 7 giờ sáng (giờ địa phương) khi một tên sát nhân xuất hiện ở lầu 4 của ký túc xá West Ambler Johnston với hai khẩu súng. Màn bắn giết sau đó đã khiến 2 nạn nhân thiệt mạng. Lúc 7 giờ 15, cảnh sát địa phương nhận được điện thoại báo tin nhưng khi đến nơi thì tên sát nhân đã chuồn khỏi khu ký túc có 895 người ở này. Tuy nhiên, bi kịch chỉ tạm ngắt quãng, để rồi sau đó lại ập tới với một mức độ kinh hoàng hơn.

Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, tiếng súng vang lên ở khu giảng đường Norris, cách West Ambler Johnston chừng 800m. Một tên sát nhân ăn vận như hướng đạo sinh, xộc thẳng vào một phòng học và xả súng. Máu chảy lênh láng giữa sàn nhà và hành lang nhưng điều đó vẫn không hề làm kẻ sát nhân mảy may xúc động. Hắn tiếp tục bắn giết trước sự bất lực của cảnh sát, vốn đã huy động lực lượng hùng hậu bao vây và đột nhập vào khu trường.

Cuối cùng, sau một hồi bắn giết, kẻ sát nhân kề súng vào đầu mình, như một kịch bản đã được hắn dựng sẵn. Tiếng nổ vang lên và hắn gục xuống. Bi kịch tại khu giảng đường Norris kết thúc với 31 người chết, kể cả tên sát thủ. Tổng cộng số người thiệt mạng trong hai vụ bắn giết tại Đại học Công nghệ Virginia sáng 16.4 là 33 người, 15 người khác bị thương.

Lời kể trong nước mắt

"Hắn tiến vào, cách cửa chừng hơn một mét và bắt đầu xả súng", Erin Sheehan, một sinh viên tại khu giảng đường Norris, kể lại với Đài CNN. Sheehan, một trong 4 sinh viên sống sót trong một lớp học tiếng Đức gồm 25 người, miêu tả sát thủ mặc áo sơ mi ngắn tay màu nâu, cùng áo lót đen. "Hắn chẳng nói gì, cứ bắn hết người nọ tới người kia. Tôi và một số người giả gục xuống giữa vũng máu mới thoát", Sheehan kể.


Sự bàng hoàng của các sinh viên sống sót - Ảnh Reuters

Khi thấy cả lớp đã chết hết, kẻ sát nhân ra ngoài nhưng chỉ sau đó khoảng 30 giây hắn trở lại. "Có lẽ hắn nghe chúng tôi thì thầm", Sheehan giải thích. May thay vào lúc đó, cô cùng với một số người còn sống đã đóng sập cửa lại. Vì cửa không có khóa nên họ phải đè người lên để cố thủ. Tên sát nhân thử đẩy cửa vài lần nhưng không được, sau đó hắn bắn vào cửa rồi đi.

Nữ sinh Tiffany Otey thì đang làm bài tại phòng bên cạnh khi vụ bắn giết xảy ra. Cô cùng khoảng 20 người khác chạy sang phòng giáo viên và đóng cửa lại. Súng nổ ùng oàng bên ngoài trong khi phía sau lưng Otey có một nhóm cảnh sát với

Thủ phạm là sinh viên Hàn Quốc

Đại học Công nghệ Virginia hôm qua cho biết thủ phạm vụ thảm sát bên trong khu giảng đường Norris của đại học này hôm 16.4 là Cho Seung-hui (ảnh), 23 tuổi, người Hàn Quốc. Cho là sinh viên năm cuối khoa Tiếng Anh và sống tại ký túc xá của trường. Các cuộc xét nghiệm đạn đạo cho thấy một trong hai khẩu súng được tìm thấy bên trong giảng đường Norris được sử dụng trong vụ bắn giết trước đó tại ký túc xá West Ambler. Hãng tin AP dẫn lời một quan chức thực thi pháp luật giấu tên cho biết Cho mang một ba lô trong đó có biên lai mua một khẩu súng Gloc 9 ly hồi tháng trước. Cảnh sát Virginia chưa tiết lộ động cơ của kẻ sát nhân là gì. Trưa qua, Tổng thống Bush và phu nhân đến dự lễ tưởng niệm các nạn nhân tại trường. Thống đốc bang Virginia T.Kaine trở về từ Tokyo để tham dự một cuộc họp về vụ thảm sát lúc 2 giờ chiều cùng ngày.

áo chống đạn và tiểu liên án ngữ. "Họ (cảnh sát) bảo chúng tôi giơ hai tay lên trời, ai không tuân lệnh sẽ bị bắn. Tôi đoán là họ cũng sợ, họ sợ tên sát nhân là ai đó trong số chúng tôi", Otey kể với CNN.

Một số sinh viên quá hoảng đã nhảy qua cửa sổ để trốn. "Tôi thấy hai người nhảy từ cửa sổ tầng lầu trên cùng. Một cậu bị dập mắt cá và một cô gái nằm bất động trên mặt đất", nhân chứng Matt Waldron thuật lại. Trong khi vụ bắn giết đang xảy ra, một số sinh viên chốt cửa phòng lại và viết thông tin tường thuật rồi tung lên mạng internet để báo động cho bạn bè.

Nhà chức trách ở đâu?

Hai vụ bắn giết cách nhau khoảng 2 tiếng đồng hồ và cảnh sát đã nhận được tin báo gần như ngay từ đầu. Vậy tại sao không có biện pháp ngăn chặn nào được triển khai?

Wenden Flinchum, Cảnh sát trưởng khu Đại học Virginia, lý giải rằng sau khi nhận được tin báo vụ thứ nhất, họ đã đến hiện trường. Tuy nhiên, vì cho rằng đây là một vụ riêng lẻ và thủ phạm đã chạy trốn, họ đã không phong tỏa toàn khu đại học. Giới chức nhà trường cũng không có phản ứng cần thiết nào để báo động cho sinh viên. Vì thế, sau khi vụ thứ hai bắt đầu, dù đặc nhiệm SWAT cùng cảnh sát địa phương đã được huy động tối đa nhưng tên sát nhân vẫn ung dung thủ ác trước khi tự sát.

Sau vụ bắn giết, Quốc hội Mỹ đã mặc niệm tại Washington DC. Tổng thống G.Bush nói sự kiện này "gây sửng sốt và làm đau lòng" toàn dân Mỹ. "Trường học lẽ ra là nơi an toàn, được bảo vệ và nơi để học hành. Khi điều này bị xâm phạm, tác động của nó sẽ lan đến mọi lớp học, mọi cộng đồng tại Mỹ", ông nói. Ông đã ra lệnh treo cờ rũ để tưởng niệm các nạn nhân.

Những nạn nhân đã được nhận diện

Ngoài thủ phạm là Cho Seung-hui, người Hàn Quốc, sau đây là thông tin về những nạn nhân đã được nhận diện:

- Ryan Clark, 22 tuổi, đến từ Martinez, bang Georgia, sinh viên năm cuối ba ngành Sinh học, Tiếng Anh và Tâm lý học. Anh là một trong hai nạn nhân ở ký túc xá West Ambler.

- Giáo sư Kevin Granata thuộc khoa Cơ học và Kỹ thuật. Ông đã tiến hành nghiên cứu kỹ thuật chỉnh hình ở các bệnh viện trước khi làm việc cho Đại học Công nghệ Virginia và được coi là một trong năm nhà nghiên cứu cơ-sinh học hàng đầu ở Mỹ. Văn phòng của ông ở giảng đường Norris.

- Giáo sư GV Loganathan, 51 tuổi, giảng dạy Kỹ thuật môi trường và dân dụng. Ông rời bang Tamil Nadu sang Mỹ để giảng dạy vào năm 1977. Ông làm việc ở Đại học Công nghệ Virginia kể từ năm 1982.

- Giáo sư Liviu Librescu, 76 tuổi, là một học giả làm việc ở khoa Cơ học và Kỹ thuật. Ông cũng là nạn nhân sống sót của vụ thảm sát người Do Thái và đến Virginia vào năm 1985. Nổi tiếng về các công trình nghiên cứu tầm cỡ, ông được coi là anh hùng khi chặn cửa để bảo vệ các sinh viên của mình.

- Ortiz, sinh viên tốt nghiệp khoa Kỹ thuật dân dụng.

- Maxine Turner, từ Vienna, bang Virginia, sinh viên năm cuối học ngành Kỹ thuật hóa học.

- Jamie Bishop, giảng viên ngành Ngoại ngữ và Văn học (Đức).

- Matt La Porte, từ Dumont, bang New Jersey, sinh viên năm thứ nhất ngành Nghiên cứu đại học.

- Henry Lee, từ Roanoke, bang Virginia, sinh viên năm thứ nhất ngành Kỹ thuật máy tính.

- Jarrett Lane, từ Narrow, bang Virginia, sinh viên năm thứ ba ngành Kỹ thuật dân dụng.

- Emily Hilscher, từ Woodville, bang Virginia, học ngành Khoa học động vật và gia cầm.

- Caitlin Hammaren, sinh viên năm thứ hai ngành Quốc tế học và Tiếng Pháp.

- Leslie Sherman, sinh viên năm thứ hai ngành Lịch sử và Quốc tế học.

- Reema Samaha, từ Centreville, bang Virginia, sinh viên năm thứ nhất và là vũ công có tài.

- Ross Alameddine, từ Saugus, bang Massachusetts, sinh viên năm thứ hai ngành Tiếng Anh.

- Erin Peterson, sinh viên đang học năm thứ nhất.

- Mary Karen Read, từ Annandale, bang Virginia.

- Daniel Perez Cueva, từ Peru, học ngành Quan hệ quốc tế.

Không có nạn nhân người Việt trong vụ thảm sát

Theo thông tin từ những sinh viên mà phóng viên TTXVN tại Mỹ liên hệ ngay sau vụ thảm sát, gồm hai sinh viên người Mỹ gốc Việt học tại trường và một nghiên cứu sinh Việt Nam đang làm luận án tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Virginia bên cạnh, tới đêm 16.4 (sáng 17.4 giờ Hà Nội), không có sinh viên Việt Nam nào, kể cả sinh viên từ trong nước sang cũng như sinh viên người Mỹ gốc Việt, là nạn nhân trong vụ thảm sát trên.

Những sinh viên am hiểu Việt Nam nói rằng tại trường, ngoài hơn 10 sinh viên Việt Nam từ trong nước sang học theo dạng Nhà nước cấp học bổng (Dự án 322) và dạng tự túc, có hàng trăm sinh viên người Mỹ gốc Việt theo học tại trường. Mặc dù công tác khắc phục hậu quả hiện thời đã hoàn tất, sinh viên ngoại trú đã được về nhà, song nhiều sinh viên Đại học Công nghệ Virginia vẫn ở trong trạng thái hoảng hốt.

Sự bàng hoàng của các sinh viên sống sót

Đỗ Hùng - Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.