Thư bạn đọc tuần qua (15 - 21.4): Tán đồng "giải pháp để không mất điện"

22/04/2008 09:08 GMT+7

(TNO) Thời gian qua ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM - nơi nhiệt độ trong ngày thường xuyên 33-34 độ C - chắc không ít người đã từng cảm thấy khốn khổ vì không có điện. Cắt điện luân phiên là giải pháp mà ngành điện đưa ra để đối phó với tình trạng thiếu điện hiện nay. Trong bối cảnh đó, giải pháp để không mất điện mà KS Trần Đình Hiệp đưa ra nhận được nhiều sự tán đồng. Ngoài ra, bạn đọc còn góp thêm nhiều ý kiến mang tính chuyên môn xung quanh vấn đề này:

Nguyễn Trần Anh Tuấn <tuanelectronic@gmail.com>: Tôi rất vui và bất ngờ với ý tưởng thú vị này. Là một người hoạt động trong lĩnh vực điện tử, tôi được biết có khá nhiều nhà kỹ thuật trong nước đã sản xuất được công tơ điện tử. Nói về nguyên lý thì thiết bị của KS Trần Đình Hiệp mô tả cũng tương tự như công tơ điện tử đang được sử dụng tại một số nơi trong nước. Cũng xin được bổ sung thêm một tính năng đó là cho phép thay đổi hạn mức công suất tiêu thụ trên máy từ xa, việc này cũng giống như đọc giá trị trên công tơ điện tử từ xa. Với chức năng này thì cơ quan điện lực dễ dàng thay đổi hạn mức sử dụng điện khác nhau tùy theo tình trạng điện "thừa" hay "thiếu". Rất mong các vị lãnh đạo điện lực quan tâm đến ý tưởng này và các bạn đọc cùng gửi bài tham gia về vấn đề này. Cũng xin nhấn mạnh một lần nữa là với chức năng của thiết bị trên thì khả năng để triển khai thiết kế và sản xuất trong nước là hoàn toàn trong tầm tay!
 
Thanh Tùng <Mattroido_7777@yahoo.com>: Tôi hoàn toàn nhất trí và tán thành giải pháp này. Ngành điện cần sớm nghiên cứu để đưa vào sử dụng có hiệu quả, có như vậy mới đúng là toàn dân tiết kiệm một cách bắt buộc mà hiệu quả.

Lê Hồng Bội <baoloc1970-news@yahoo.com>: Sáng kiến của KS Trần Đình Hiệp rất hay! Tôi tin rằng người dùng điện sẽ ủng hộ việc áp dụng sáng kiến này nếu kèm theo đó ngành điện không cắt điện điều tiết nữa. Khi đưa vào sản xuất các dụng cụ trên, nên thêm một số tính năng sau:

- Ngoài việc tự động chuyển trạng thái giữa tiết giảm và bình thường bằng bộ đếm thời gian, nên thêm khả năng điều khiển từ chi nhánh điện lực. Và có thể thêm một trạng thái nữa là tiết giảm đặc biệt: chỉ dùng dòng điện bằng nửa trạng thái tiết giảm. Khi thật sự cần thiết, chi nhánh điện lực sẽ phát tín hiệu qua lưới điện, các dụng cụ này trong mỗi nhà nhận được tín hiệu sẽ đồng loạt chuyển sang trạng thái tiết giảm hoặc tiết giảm đặc biệt.

- Thêm đèn màu đỏ báo tình trạng tiết giảm và màu xanh báo tình trạng bình thường để người dùng điện dễ dùng hơn.

- Thêm đèn báo mức dòng điện đang dùng, ví dụ cứ mỗi Ampere thì tăng lên một đèn.
 
- Thêm đèn báo hệ số công suất cos φ. Nhìn vào đèn này người dùng có thể cắm thêm hay bớt tụ bù (có bán sẵn trên thị trường) vào mạng điện nhà để tăng cos φ và giảm cường độ dòng điện. Khi cường độ dòng điện giảm xuống thì có thể bật thêm 1 bóng đèn hay một cái quạt máy nhỏ. Nếu nhiều người tận dụng được đèn báo cos φ thì rất lợi cho ngành điện.

Đào Văn Nam <daovannam1962@yahoo.com>: Tôi rất đồng tình với giải pháp của KS Trần Đình Hiệp. Hy vọng EVN và Nhà nước xem xét áp dụng sớm biện pháp giới hạn này. Xin cảm ơn tác giả.

Lê Thị Lành <lanhdhqn@gmail.com>: Hiện nay, việc thiếu điện đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Nhiều gia đình phải mua các thiết bị sạc điện với giá khá cao (hầu hết là hàng của Trung Quốc). Do vậy, khi có điện, các thiết bị điện được dùng nhiều hơn - vừa dùng vừa sạc. Hơn nữa, khi đang sử dụng, điện bị mất đột ngột, nhiều gia đình quên tắt các thiết bị điện, khi có điện lại các thiết bị tự động chạy, gây hao tổn điện,... Thiết nghĩ, ngành điện nên thay vì cắt điện thì vận động và giao khoán cho các gia đình sử dụng tiết kiệm 10-20% so với lượng điện tiêu thụ của các tháng trước đó. Như vậy vừa đảm bảo được cho sản xuất, sinh hoạt và vừa tiết kiệm.

Một bài viết khác của bạn đọc TNO, liên quan đến chủ trương mở rộng Thủ đô Hà Nội, cũng nhận nhiều phản hồi và thêm nhiều ý kiến mới:

Đặng Văn Hải <danghai46@gmail.com>: Tôi bày tỏ sự đồng tình với cách đặt vấn đề của tác giả bài báo. Không phải vì chúng ta đã có hơn 80 triệu dân (gấp khoảng gần 4 lần dân số những năm 50), thì diện tích Thủ đô cũng phải mở rộng tương đương. Hà Nội của chúng ta, đã qua 3-4 nhiệm kỳ, các vị lãnh đạo cứ "lấn bấn" hết tách lại nhập các huyện ngoại thành, cho đến nay công việc "xóa đói giảm nghèo" ở một số xã của hai huyện Đông Anh và Sóc Sơn vẫn chưa xong, thậm chí qua cơn bão giá lần này, hiện tượng tái nghèo còn tăng lên. Hà Tây là một tỉnh có vùng sâu vùng xa, có nhiều đồng bào dân tộc. Việc nhập Hà Tây vào Hà Nội nhằm "để có thêm đất" cho Thủ đô mở rộng, để có thể biến những vùng đất nông nghiệp nghèo nàn của Hà Tây trong "chốc lát" biến thành đất của các khu công nghiệp, các khu dân cư với giá trị được tăng hàng chục, hàng trăm lần... Nhưng, quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp làm ảnh hưởng chiến lược "an toàn lương thực quốc gia" đã được tính toán đến chưa? Theo tư duy hiện đại, việc mở rộng Thủ đô Hà Nội nên theo hướng "không gian đứng" trước, sau đó mới đến mở rộng.

Nguyễn Thanh Danh <danhdollars@yahoo.com>: Một số câu hỏi nên được đặt ra xung quanh vấn đề này: Đất ngoại thành của Hà Nội ở các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm đã được quy hoạch chỉnh trang hết chưa, đã được bố trí mục đích sử dụng về lâu dài chưa hay là nhiều nơi vẫn còn bị "bỏ xó"? Việc mở rộng Hà Nội có là quá cấp bách đến mức HĐND không có thời gian trưng cầu dân ý; ĐBQH Hà Nội trong HĐND không thể tham khảo cử tri? Nếu việc mở rộng thủ đô Hà Nội bằng cách sáp nhập các tỉnh là một "tất yếu" không cần cân nhắc thì các cơ quan ra quyết định hãy giải thích rõ lợi ích của việc mở rộng cho người dân cùng hiểu. Việc sáp nhập như thế có giúp cho việc khai thác và sử dụng "tiềm năng đất" tốt hơn không?... Ý kiến của tôi là, nếu mở rộng chỉ để khoanh lại địa giới trên bản đồ, còn đất chỗ nào vẫn được khai thác y như chỗ đó bây giờ thì tuyệt đối không nên mở rộng, chỉ làm rối loạn "nhịp sống" của nhân dân. Việc mở rộng thủ đô thiết nghĩ cần phải có một kế hoạch tỉ mỉ và lâu dài, tham khảo và thông báo cho người dân biết trước vài năm trước khi thực hiện; khi thực hiện thì cần một lộ trình cho từng vùng cụ thể chứ không thể tất cả cùng một lúc được; phải chuẩn bị một lượng lớn ngân sách cho các thay đổi về hành chính nữa.

Phạm Văn Tới <vaca@vnn.vn>: Tôi đồng ý với những băn khoăn xung quanh vấn đề mở rộng Thủ đô. Muốn có nhiều ý kiến khoa học, khách quan xung quanh việc mở rộng thủ đô thì cần phải có những cuộc trưng cầu, thảo luận không bị áp đặt bởi ý muốn chủ quan của cơ quan quyền lực.

Ngọc Thúy <thuydn42@yahoo.co.uk>: Trước mắt cần mở rộng vùng đô thị Hà Nội chứ không cần mở rộng Hà Nội. Nếu quy hết về Hà Nội thì nhìn trên số liệu, Hà Nội sẽ là một thành phố lớn với hơn 6 triệu dân và gần 3.500 km2, đứng thứ ba về dân số (chỉ sau Manila và Jakarta) và đứng nhất về diện tích tự nhiên trong thủ đô các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên thủ đô Hà Nội sẽ gánh chịu những áp lực to lớn trong khi triển khai hàng trăm dự án lớn nhỏ và chỉ đạo một vùng nông nghiệp khổng lồ với khoảng hơn 3 triệu người làm nông nghiệp trên một diện tích hơn 1.900 km2, gấp hơn hai lần Hà Nội hiện nay. Về mặt kinh tế, Hà Nội hiện có tỷ số dân cư và đất nông nghiệp khá cao (khoảng 35% và 45%) - một cơ cấu kinh tế không hợp lý đối với bất cứ thành phố nào, nhưng nếu sau sáp nhập, tỷ số trên còn tăng lên nữa sẽ đem lại một cơ cấu kinh tế bất hợp lý hơn. Cũng so sánh với các thủ đô trên, Hà Nội hiện có diện tích tự nhiên không nhỏ (920km2), đứng thứ ba chỉ sau Bangkok và Rangoon nhưng dân số lại thấp, đứng thứ sáu sau Manila, Jakarta, Bangkok, Rangoon, Singapore. Mật độ dân số thấp (khoảng 3.700 người/km2) chứng tỏ Hà Nội có cơ sở hạ tầng yếu kém: thiếu các chung cư và nhà tập thể cao tầng, thiếu hệ thống đường cao tốc, xa lộ và các tuyến phố rộng rãi cũng như thiếu hệ thống xe điện ngầm và nổi vốn hoạt động rất hiệu quả bởi sự tiện ích, tốc độ cao và giờ giấc chính xác.

Tại sao không thể chia sẻ các dự án dự định làm trên địa bàn các tỉnh ngoài Hà Nội cho chính các tỉnh đó? Việc đầu tư như vậy sẽ nâng cao tính cạnh tranh, đem lại tính hiệu quả cao cho các dự án, mà Hà Nội lại được giảm tải trong việc thực thi các dự án và chỉ đạo những vùng nông nghiệp rộng lớn. Hà Nội và khu đô thị của các tỉnh sẽ được kết nối với nhau để cùng phát triển bởi một hệ thống đường cao tốc và xa lộ hoạt động hữu hiệu trong một khu vực được gọi là vùng đô thị Hà Nội với thủ đô là thành phố hạt nhân. Làm như vậy Hà Nội sẽ có điều kiện để cải thiện cơ sở hạ tầng đang yếu kém, vươn lên một thành phố hiện đại khi sử dụng hiệu quả quỹ đất còn khá rộng lớn của mình (ít ra cũng đạt mật độ vào khoảng 6.500 người/km2, như Singapore hiện nay). Mặt khác, các tỉnh cũng được đầu tư mạnh mẽ để tăng tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ đem lại nguồn GDP lớn hơn. Chỉ đến khi thành phố hạt nhân trở nên nhỏ bé trong vùng đô thị đang phát triển cả về chất lẫn về lượng, Hà Nội mới cần mở rộng để giữ vững vai trò thành phố đầu tàu trong vùng. Lúc này việc sáp nhập tỉnh (đã có cơ cấu kinh tế của một thành phố) vào thủ đô sẽ thuận lợi bởi được làm theo cơ sở "thành phố hạt nhân + thành phố vệ tinh", khắc phục được các khó khăn như đã trình bày trên.

Thiết nghĩ đây là vấn đề quan trọng, nếu nôn nóng mà không cân nhắc kỹ và không tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, e sẽ có những tổn hại cho kinh tế đất nước khiến chúng ta phải trả giá không rẻ.

Nhiều bài viết của bạn đọc về các vấn đề khác đã được đăng trong mục Ý kiến.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được một số thư phản ảnh những lỗi kỹ thuật và nội dung trên trang web từ các địa chỉ mail: Le Hung <lehung98@vnn.vn>; Tran Van Thuan <tvt_0312@yahoo.com.vn>; aka <ak_47@yahoo.com>; Nguyen Vy <ngocvy_cp@vnn.vn.>; ktsviethue <ktsviethue@gmail.com>; chinh <luatsuchinh@yahoo.com>; Huynh Duy Truc <huynhduytruc2511@yahoo.com>; my <anphumy@gmail.com>.

TNO cảm ơn sự quan tâm, góp ý và tín nhiệm của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.