Thư bạn đọc tuần qua (22 - 28.4)

29/04/2008 09:03 GMT+7

(TNO) Nghiêm trị những hành động bạo hành trẻ thơ là đề nghị của đông đảo người đọc sau thông tin về một số trường hợp trẻ bị người trong gia đình đánh đập, đẩy vào vòng nhơ nhớp. TNO trích đăng dưới đây một số ý kiến tiêu biểu:

Nguyễn Thành Thái <thai.nguyen@mekong-energy.com>: Thời gian gần đây, thỉnh thoảng lại thấy một bài viết về việc bạo hành trẻ em, và một điều thật đau xót là nhiều trường hợp sự bạo hành đó được thực hiện bởi chính cha mẹ của các cháu. Phải chăng việc răn đe của pháp luật chưa đủ mạnh để bảo vệ các cháu khỏi sự bạo hành về thể xác và tinh thần? Theo tôi, pháp luật phải có những biện pháp mạnh hơn để có thể ngăn ngừa các hành động bạo hành nhằm bảo vệ các cháu. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp các em nhỏ bị cha mẹ đánh đập thường xuyên, sau này khi lớn nên thường có những hành vi không bình thường, như lầm lì, ngại giao tiếp, thậm chí có tính ưa bạo lực, quậy phá. Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết chúng ta cần phải có các biện pháp mạnh hơn để chống sự bạo hành trong gia đình và nhất là với trẻ thơ.

Hồ Công Lý <lyhc@gmail.com>: Qua vụ việc này, tôi đề nghị chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp phường xã cần quan tâm hơn nữa đến cuộc sống của người dân, đừng để xảy ra các vụ việc ngược đãi, hành hạ con người đau lòng như các báo, đài đã đưa tin trong thời gian qua. Phải có một cá nhân có và chịu trách nhiệm về vấn đề này ở địa phương.

Thanh Thao <httthao1407@yahoo.com.vn>: Tôi thực sự bức xúc trước tình trạng trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước chúng ta bị đối xử một cách thiếu tình người đến như vậy. Trong lúc chúng ta nỗ lực để mang đến cho các em những gì tốt đẹp nhất thì ngay trong gia đình của mình, các em đang phải gánh chịu sự bất công, sự thờ ơ đến nhẫn tâm của chính những người ruột thịt. Tôi và bao nhiêu độc giả khác mong đợi các cơ quan chức năng can thiệp và làm được điều gì đó cho bé Kiên, bé Hằng và nhiều đứa trẻ khác nữa đang cô đơn và bất hạnh ngay trong chính gia đình của mình.

Ý kiến về các vấn đề khác:

Nên gắn camera cho các phòng thi
 
Chúng ta đã bàn khá nhiều về kỳ thi tốt nghiệp, tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc. 8.500 thanh tra viên cho một kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng có chắc là công tác thanh tra sẽ được tiến hành một cách hoàn toàn không tiêu cực? Theo tôi, hội đồng thi nên gắn camera vào các phòng thi, đồng thời sẽ có một hội đồng thanh tra theo dõi các phòng thi qua các camera này. Việc mua sắm thiết bị này có thể bị xem là quá tốn kém, nhưng chúng lại có thể sử dụng cho nhiều kỳ thi sau này, giảm nhiều chi phí và nhất là giảm thiểu tiêu cực. (Huynh Anh Tuan - nhatrangcitynew@yahoo.com.vn)

Điều bất hợp lý trên xa lộ Hà Nội 
 
Tôi là một người dân thường xuyên lưu thông trên đường xa lộ Hà Nội (TP.HCM). Đường này rộng và chia làm nhiều làn đường. Nhưng hiện nay làn đường phía trong dành cho xe gắn máy thường xuyên bị cày ải, thi công nên người đi xe 2 bánh thường xuyên phải chuyển sang làn đường dành cho ô tô. Đây là một sự nguy hiểm mà nếu có sự lựa chọn khác thì không ai muốn tham gia. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tình trạng CSGT thường xuyên chốt chặn sau các đoạn thi công và bắt phạt người đi xe mô tô không đi đúng làn đường của mình. Chuyện này gây bất bình cho nhiều người đi đường, vì:

- Thứ nhất, các đoạn đường thi công xen kẽ nhau nên người đi đường không biết đoạn nào xong đoạn nào đang thi công để đi đúng làn đường của mình. Các công trình đều không có bảng báo hiệu để người lưu thông biết đã hết đoạn thi công, đề nghị đi đúng phần đường dành riêng. Rất nhiều người vì không để ý mà "dính" phạt.

- Thứ hai, khi có CSGT chốt chặn thì cũng đồng thời xuất hiện một dòng người đi ngược chiều (quay lại) để tránh CSGT. Điều này gây ùn tắc giao thông và dễ gây tai nạn cho người đi đường.

Đề nghị các đơn vị chức năng xem xét vấn đề trên. (Phạm Chuẩn - PCHUANVN@YAHOO.COM)
 
Chuyện học phí: Cũng nên có quy định cách xử lý trường hợp chậm nộp

Tôi đồng cảm với người viết bài Những lời làm đau lòng người nghe và cũng cho rằng dù bất kỳ hoàn cảnh nào thì Ban lãnh đạo/cán bộ nhà trường cũng không được có những lời lẽ xúc phạm đến các em học sinh chưa nộp học phí. Vì thứ nhất, suy cho cùng đấy không phải lỗi của các em; thứ hai, những lời lẽ đó ảnh hưởng rất xấu, tiêu cực đến toàn bộ học sinh khác của nhà trường. Tuy nhiên, qua thực tế cuộc sống, tôi thấy có khá nhiều người chỉ thích hưởng thụ "chùa" công sức của người khác; đôi khi số tiền chẳng đáng là bao (ví như phí gom rác chỉ 10 - 15 ngàn đồng) cũng tìm mọi cách lảng tránh, không phải vì khó khăn. Quay lại vấn đề học phí, theo tôi, Nhà nước (Bộ Giáo dục) cũng cần có những quy định rõ ràng về nghĩa vụ đóng góp của phụ huynh học sinh, về cách xử lý các trường hợp chậm nộp hoặc chây ỳ không nộp học phí, giúp nhà trường thuận lợi hơn trong công tác quản lý của mình. (Phan Hồng Chương -honghoahuong@yahoo.com)

Nhiều bài viết của bạn đọc về các vấn đề khác đã được đăng trong mục Ý kiến.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được một số thư phản ảnh những lỗi kỹ thuật và nội dung trên trang web từ các địa chỉ mail: Ami <honeyasamy@yahoo.com>; Thuan <thuanptc@yahoo.com>; tam <tampeter32@yahoo.com>; Nguyen Hoang <hoangdnpc@yahoo.com.vn>; Yen <thiyen@gmail.com>.

TNO cảm ơn sự quan tâm, góp ý và tín nhiệm của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.