Thú chơi độc đáo: 40 năm 'xin chữ' nhà văn Việt

10/11/2016 06:09 GMT+7

Đều tốt nghiệp Khoa Văn ĐH Sư phạm Hà Nội, tình yêu dành cho văn chương của vợ chồng ông Trần Thanh Phương là khởi nguồn cho ý tưởng sưu tập thủ bút các tác giả mình mến mộ.

Ở tuổi thất thập, vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương - Phan Thu Hương vẫn tìm thông tin về các nhà văn, nhà thơ VN để thu thập những bản thảo viết tay hoặc “xin chữ” cho bộ sưu tập bút tích văn sĩ VN mà ông bà đã dày công thực hiện hơn 40 năm qua.
Ngôi nhà của ông bà ở TP.HCM được thiết kế như một thư viện nhỏ. Ngoài những chiếc kệ và tủ kính cất giữ các bộ tư liệu được xếp theo chủ đề: cải lương, âm nhạc, mỹ thuật - hội họa, cổ vật…, phần lớn diện tích từ tầng trệt đến căn gác gỗ đều dành lưu trữ hàng trăm khung ảnh có bút tích, hình ảnh của các nhà văn, nhà thơ VN.

tin liên quan

Thú chơi độc đáo: Người níu giữ thanh âm xưa
Ông Phương Chánh Hùng (53 tuổi, ở đường Cổ Loa, TP.Nha Trang) là người có niềm đam mê băng đĩa, máy phát nhạc xưa, đặc biệt là đầu máy băng cối. Có thời điểm, ông có trong tay khoảng 6.000 băng cối, 200 đầu máy băng cối.
Buồn vui chuyện xin chữ
Đều tốt nghiệp Khoa Văn ĐH Sư phạm Hà Nội, tình yêu dành cho văn chương của vợ chồng ông Trần Thanh Phương là khởi nguồn cho ý tưởng sưu tập thủ bút các tác giả mình mến mộ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã gắn bó với nghề báo, từng làm việc ở Báo Nhân Dân, Báo Giải Phóng rồi Báo Đại Đoàn Kết. Trong những chuyến công tác khắp mọi nơi, cứ có dịp là ông “xin chữ” nhà văn. Ông nhớ lại: “Một số nhà văn từ chối vì khiêm tốn, nhưng có người “kênh xì po” lắm. Sau khi mình thuyết phục, đôi khi phải năn nỉ nữa, cuối cùng họ hiểu được công việc mình làm, có người còn tặng thêm bản thảo bên cạnh dòng thủ bút tình cảm, trân trọng”. Ngược lại, có những nhân vật ông tưởng sẽ rất khó “xin” nhưng hóa ra lại không như mình nghĩ. “Như với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi biết ông vào nam công tác, tôi đã xin gặp thư ký của ông để ngỏ ý muốn lưu lại chữ viết của ông như của một danh nhân văn hóa. Chỉ sau một ngày, tôi nhận được từ ông dòng nhắn nhủ: “Đồng chí Phương thân mến, tôi gợi ý đồng chí đi tìm những người lao động ở nước ta đã làm nên những thành tựu kỳ diệu. Đó là những chữ ký có giá trị. Thân ái. 20.1.1989”.
Nhà văn Chế Lan Viên không chỉ tặng ông Phương thủ bút của mình mà còn gửi thêm bút tích của các nhà văn mình có. Nhà văn Sơn Nam thì gửi luôn cho ông một bản thảo đầy rẫy những chỉnh sửa cùng dòng chữ “Sơn Nam dành cho đồng chí Trần Thanh Phương lưu trữ cho vui”. Càng quý hơn khi ông Phương cầm được trên tay những dòng chữ viết của các nhà văn do con, cháu họ gửi về, rồi qua đó ông mới biết rằng nhà văn đã “cho chữ” khi đang nằm trên giường bệnh. Chẳng hạn nhà thơ Chính Hữu cho chữ khi đang bị tai biến nên chỉ viết ngắn gọn “Đầu súng trăng treo”. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết gửi cho ông Phương những trăn trở của mình khi đang chữa bệnh trong một ngôi chùa…
Gửi trăm thư, nhận về 5, 7 bút tích
Theo ông Phương, việc tìm thông tin địa chỉ các tác giả thời trước rất khó khăn. “Thế nên tôi thật sự cảm phục sự kiên nhẫn của vợ mình. Bà nhà tôi có khi viết cả chục lá thư chỉ để tìm địa chỉ của một nhà văn, viết cả trăm thư đôi khi chỉ nhận về 5, 7 hồi âm có bút tích”, ông nói.
Bà Hương, vợ ông, vẫn còn nhớ như in những lần viết thư gửi đi dù không rõ chính xác địa chỉ cụ thể. Đa phần bà viết thư gửi về hội văn học nghệ thuật các tỉnh, là quê hương hoặc là nơi các nhà văn, nhà thơ đang sinh sống theo thông tin mà bà đọc, biết được. Ngoài thư bà luôn viết kèm ghi chú: “Nếu quý cơ quan biết địa chỉ của nhà văn ở đâu, xin chuyển giúp chúng tôi”.
Bút tích một số nhà văn, nhà thơ ẢNH: N.V
Còn với nhà thơ Minh Huệ, sau khi bà Hương gửi thư về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An (quê hương tác giả) nhưng vẫn không tìm được địa chỉ, trong dịp công tác đến Vinh, bà đích thân đi tìm. “Thật may mắn khi tôi gặp được con dâu nhà thơ, vì cả vợ và con trai ông đều đã mất. Và càng quý giá hơn khi biết con dâu ông đã lưu giữ, bảo quản cẩn thận các tác phẩm của bố chồng trong phòng tư liệu riêng”…
Từ nguồn tư liệu quý giá này, vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương đã có 2 cuộc triển lãm vào năm 2006 và 2015; được Trung tâm sách kỷ lục VN trao chứng nhận kỷ lục “Người có bộ sưu tập chân dung và bút tích nhà văn VN nhiều nhất”; được NXB Giáo dục phát hành 2 quyển Chân dung và bút tích Nhà văn Việt Nam. Theo tâm nguyện của hai vợ chồng, sau khi qua đời, tất cả tư liệu này được chuyển giao cho Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM để phục vụ cho bạn đọc và giới nghiên cứu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.