Thủ đoạn Trung Quốc dùng để cưỡng đoạt Hoàng Sa

20/06/2014 23:55 GMT+7

(TNO) Sáng 20.6, tại TP.Đà Nẵng khai mạc hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử”, do ĐH Đà Nẵng và ĐH Phạm Văn Đồng phối hợp tổ chức.

 Người Việt Nam tham gia đào giếng tại Hoàng Sa năm 1938 - Ảnh do UBND H.Hoàng Sa - Đà Nẵng cung cấp
Người Việt Nam tham gia đào giếng tại Hoàng Sa năm 1938 - Ảnh do UBND H.Hoàng Sa -
Đà Nẵng cung cấp

Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng, cho biết hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình biển Đông hết sức phức tạp sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, nhằm hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò”.

Trong tham luận tại hội thảo, Th.sĩ Lưu Anh Rô, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, dẫn một tài liệu của Việt Nam Cộng hòa: “Năm 1956, Trung cộng đưa dân chài đến xâm chiếm các đảo Phú Lâm và Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa, rồi dần dần thay thế bằng quân đội, lập nên những cơ sở và công sự kiên cố”.

Ông Lữ Điều, người làng Nam Ô (trú P.Tam Thuận, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng), người có mặt tại Hoàng Sa thời Bảo Đại, kể rằng: “Năm 1952, tàu cá của ngư dân Trung Quốc vào Hoàng Sa để xin nước ngọt. Dù lúc ấy chúng tôi phải dùng tiết kiệm nhưng vẫn cung cấp cho họ đầy đủ. Đảo trưởng chúng tôi nói với họ rằng đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nên không được xâm phạm. Họ gật đầu cảm ơn, rồi quay trở lại thuyền”. “Lợi dụng sự thân thiện đó và cũng để che giấu ý đồ xâm lược, Trung Quốc đã sử dụng vỏ bọc “ngư dân”, nấp dưới dạng những ngư dân chân chính như một biện pháp để “thực thi chủ quyền mạo nhận của mình” trong suốt thời gian dài”, Th.sĩ Lưu Anh Rô nói và cho biết sau khi chiếm được quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc lập tức cho đập phá các bia chủ quyền, đào các mộ của người Việt đã chôn tại đây, xóa các di tích lịch sử của Việt Nam...

Trong khuôn khổ Hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu, học giả uy tín của các nước đã lên tiếng ủng hộ lập trường, quan điểm của Việt Nam về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Leszek Buszynski, Trường An ninh quốc gia, ĐH Quốc gia Úc, nói: “Yêu sách của Trung Quốc đối với toàn bộ biển Đông rất mơ hồ và dựa trên hai cơ sở không chắc chắn. Đầu tiên là đường chữ U hay đường 9 đoạn ban hành năm 1947 nhưng đường này lại không xác định những thuật ngữ pháp lý. Bản thân người Trung Quốc cũng không rõ là đường này thể hiện cái gì và vẫn chưa quyết định về tác dụng pháp lý của nó. Điều thứ hai là tính lịch sử mà người Trung Quốc liên tục nói đến quyền ‘cổ xưa” để biện minh cho đòi hỏi của mình... Các đại diện của Bắc Kinh đưa ra khẳng định về “chủ quyền không tranh cãi” đối với biển Đông không được kiểm chứng. Thiếu một cơ sở pháp lý rõ ràng nên Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật quấy nhiễu để tăng cường đòi hỏi của mình”.

Patrick M.Cronin, Cố vấn cao cấp và Giám đốc cao cấp của Trung tâm an ninh Mỹ mới - CNAS, phân tích: “Đầu tháng 5 này, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan vào ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Tàu Trung Quốc đâm vào tàu cá và tàu bảo vệ biển của Việt Nam. Hai hành động trên ở biển Đông cùng phản ảnh những động thái trơ tráo trên biển Đông và là một phần của những tính toán kỹ lưỡng của Bắc Kinh”.

Hữu Trà - An Dy

 >> Ngày nhà báo ấm áp giữa Hoàng Sa
 >> Tường thuật từ Hoàng Sa ngày 20.6: Trung Quốc tăng thêm máy bay quân sự, tàu quét mìn
 >> Khai mạc hội thảo quốc tế 'Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử
 >> Tuyên dương các phóng viên tác nghiệp ở vùng biển Hoàng Sa
 >> Báo Trung Quốc: Bắc Kinh sẽ cho đăng ký quyền sử dụng đất ở Hoàng Sa và Trường Sa
 >> Tường thuật từ Hoàng Sa ngày 17.6: Giàn khoan Hải Dương - 981 lại có dấu hiệu dịch chuyển
 >> Tuyên dương phóng viên Báo Thanh Niên tác nghiệp ở Hoàng Sa
 >> Tường thuật từ Hoàng Sa: Bằng chứng tàu hải giám Trung Quốc cố tình đâm tàu VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.