Thủ khoa 'bật mí' cách làm bài đạt điểm cao: Không được để mất điểm câu dễ

Thúy Hằng
Thúy Hằng
09/07/2020 08:06 GMT+7

Không chỉ là thủ khoa đầu vào , họ còn là thủ khoa đầu ra các trường ĐH. Họ đã 'bật mí' bí quyết giành điểm cao bài thi tốt nghiệp THPT.

Thời đểm này luyện giải đề thi rất quan trọng

Đó là chia sẻ của Nguyễn Đức Hoàn (23 tuổi), thủ khoa Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm 2015. Điểm đầu vào ĐH là toán 9; hóa 9,5; lý 8,75; ra trường với điểm học tập toàn khóa 3,85/4.
Nguyễn Đức Hoàn cho biết các thí sinh (TS) còn khoảng 1 tháng nữa để ôn tập, lúc này việc luyện đề thi rất quan trọng. Với các môn toán, lý, hóa thi trắc nghiệm, các câu khó hay dễ thì điểm đều bằng nhau nên tuyệt đối không được mất điểm câu dễ. Nhiều người làm đúng câu khó, nhưng lại sai câu dễ. Khi TS luyện giải đề xong, những câu khó nên tổng hợp lại để phân tích và làm riêng. Theo Hoàn, việc chọn đề để luyện cũng cần được chú ý, các TS có thể tham khảo đề từ các trường THPT trên địa bàn, trung tâm luyện thi uy tín.

Thủ khoa Phạm Thị Hồng Thảo

Thủ khoa kép cũng khuyên TS không được xem nhẹ các môn tiếng Anh, ngữ văn, dù chọn tổ hợp khoa học tự nhiên. Theo Hoàn, các môn này chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, ôn tập nghiêm túc thì không thể nào bị điểm dưới trung bình.
Hoàn nói: “Khi còn khoảng 1 tuần nữa chính thức thi, các TS nên giảm cường độ luyện giải đề và ôn lại lý thuyết, xem lại những phần ghi chú mà mình dễ bị sai sót. Đặc biệt, TS nên chuẩn bị sẵn các đồ dùng mang vào phòng thi như: bút chì, gọt bút chì, thước kẻ, compa, máy tính... Quên một thứ nào đó cũng khiến bạn dễ bị cuống lên, mất bình tĩnh, không làm bài tốt”.
Nguyễn Đức Hoàn cho rằng năm nay các TS có khoảng thời gian nghỉ học vì Covid-19, đây cũng là cơ hội để các bạn bình tâm ôn tập kỹ lưỡng. “Đề thi thường gồm 3 phần, câu hỏi cơ bản, trung bình và khó. Nếu bạn tự học tốt thì phần cơ bản và trung bình bạn hoàn toàn có thể làm tốt”, Hoàn nói.

Bí quyết nào cho tổ hợp khoa học xã hội ?

Nên chia thành những mảng lớn kiến thức để ôn tập. Đó là ý kiến của Phạm Thị Hồng Thảo (20 tuổi), thủ khoa nhóm ngành báo chí, Học viện Báo chí - Tuyên truyền năm 2018 với 27,5 điểm ở khối C00 (văn 8,5 điểm; lịch sử 9,25; địa lý 9,5 điểm) và 27,12 điểm ở khối R16 (văn 8,5; năng khiếu báo chí 9,2; tổ hợp khoa học xã hội 9,42 điểm).

Ghi những câu dễ sai vào một cuốn sổ

Thủ khoa “bật mí” cách làm bài đạt điểm cao: Không được để mất điểm câu dễ
Đó là kinh nghiệm của Vũ Quỳnh Hoa (24 tuổi), thủ khoa kép khối A, Trường ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội năm 2014, tốt nghiệp ĐH xuất sắc với điểm học tập 3,82/4. Hiện Hoa đang làm việc tại Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích Q.1, TP.HCM.
Hoa cho hay thời điểm nước rút này, mỗi TS cần phải ôn tập những vấn đề mấu chốt. “Trong 1 tháng cuối cùng, tôi không tới trường ôn thi mà chỉ ôn tập tại nhà, phân bổ các ngày trong tuần luyện đề toán, lý, hóa, những phần dễ sai sẽ được ghi vào một cuốn sổ. Khoảng 10 ngày trước khi chính thức thi, tôi giảm cường độ ôn tập, đi ngủ sớm để đầu óc tỉnh táo, đọc lại những điều được tổng hợp trong cuốn sổ”, Hoa nói.

Thảo cho biết: Với môn lịch sử, TS cần hệ thống lại những mốc thời gian cơ bản của dòng chảy lịch sử, hiểu những sự kiện lịch sử cơ bản nhất từ nguyên nhân, kết quả đến ý nghĩa. Từ đó có cái nhìn tổng quát nhất về tiến trình lịch sử đang diễn ra và tự hình thành tư duy logic về lịch sử.
Với môn địa lý, được phép mang Atlat vào phòng thi, TS có thể vận dụng những kỹ năng của mình để khai thác Atlat, đọc biểu đồ. TS nên ôn theo những chủ điểm lớn trong sách giáo khoa, từ địa lý tự nhiên tới địa lý vùng kinh tế. Việc nắm chắc các kiến thức này giúp bạn có thể xử lý các câu hỏi một cách nhanh chóng nhất có thể.
“Môn giáo dục công dân “dễ thở” hơn, bạn có thể học từ chính những quan sát ngoài đời sống xã hội, đây sẽ là môn giúp bạn nâng điểm tuyệt vời nếu ôn tập tốt. Kinh nghiệm của tôi là dù với môn học nào cũng nên vẽ sơ đồ tư duy trong quá trình ôn tập để dễ nắm bắt kiến thức, hệ thống logic, dễ đối chiếu, so sánh”, Thảo nói.
Đối với môn văn, Thảo cho biết lúc ôn tập không nên bỏ qua những phần chữ nhỏ ghi kiến thức tác giả, tác phẩm trong sách giáo khoa. “Năm 2018 khi ngồi trong phòng thi, tôi đã khá tiếc vì không đọc kỹ những phần này khiến bản thân hoang mang trong vài câu hỏi”, Thảo nói.
Theo Thảo, để làm tốt phần nghị luận xã hội, các TS nên chăm đọc báo hằng ngày, chọn lọc thông tin từ những tờ báo uy tín để nắm bắt thông tin xã hội, đời sống, từ đó có thêm những góc nhìn về những vấn đề ngoài đời sống, tư duy ngôn ngữ sắc sảo hơn. Bên cạnh việc đọc nhiều, TS nên tập viết những đoạn văn ngắn hay bài văn trình bày suy nghĩ về một vấn đề nào đó mà bạn cảm thấy tâm đắc và có hứng thú.
“Chăm hay không bằng tay quen”, việc viết thường xuyên sẽ giúp bạn viết dễ dàng hơn khi vào phòng thi. Hãy phát triển tư duy phản biện vì điều ấy rất quan trọng nếu bạn muốn thể hiện cá tính và những suy nghĩ mới, thuyết phục. Nếu không có tư duy phản biện, bài viết của bạn sẽ giống như hàng trăm bài viết khác mà không có một chút dấu ấn nào với người chấm thi”, thủ khoa Thảo chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.