Thủ khoa khối C ĐH Huế 2014 chia sẻ bí quyết học môn sử

02/06/2015 06:09 GMT+7

(TNO) Môn lịch sử đạt 10 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và 9,5 điểm trong kỳ thi đại học, Phạm Thị Hằng Linh, thủ khoa khối C Đại học (ĐH) Huế năm 2014 cho biết học môn lịch sử rất thú vị.

(TNO) Môn lịch sử đạt 10 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và 9,5 điểm trong kỳ thi đại học, Phạm Thị Hằng Linh, thủ khoa khối C Đại học (ĐH) Huế năm 2014 cho biết học môn lịch sử rất thú vị.

Theo Hằng Linh (ảnh nhỏ), học sinh không hẳn là không thích môn lịch sử, chẳng qua do phương pháp chưa đúng, tâm thế học mang tính ép buộc - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Học gì chắc đó
Trong khi nhiều học sinh rất ngại học môn lịch sử thì với Phạm Thị Hằng Linh, việc học môn này đặc biệt thú vị, mang lại nhiều cảm xúc.
Thủ khoa Phạm Thị Hằng Linh (khu 1, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) là thủ khoa ngành Báo chí - Truyền thông (ĐH Khoa học Huế) đồng thời là thủ khoa khối C trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH Huế năm 2014 với số điểm các môn: địa lý 9 điểm, ngữ văn 7,5 và lịch sử 9,5 điểm. Điểm tổng kết môn sử các năm học thời phổ thông của Linh luôn đạt trên 9,0. Đặc biệt, Linh từng đạt giải ba môn lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
“Trước đây, em cũng từng nghĩ lịch sử là một môn học cực hình, khô khan, khó nhớ. Nhưng dần dần tìm hiểu rõ về môn học này, em mê luôn. Môn sử trở thành lợi thế của em trong những kỳ thi”, Hằng Linh chia sẻ.
Theo Linh, muốn học môn này hiệu quả thì cần nắm chắc tất cả những kiến thức cơ bản. Để nắm chắc thì phải có kế hoạch, ngày nào học bài nào, học bài nào xong bài đó. Sau khi đã chắc chắn những kiến thức cơ bản thì mở rộng hơn, tìm những câu hỏi khó hơn mang tính hiểu biết. Đối với những câu hỏi mở như thế thì đòi hỏi phải tư duy và áp dụng những hiểu biết đời thường. Ví dụ như đề lịch sử năm vừa rồi, không đơn giản chỉ là lý thuyết mà muốn bài làm tốt thì đòi hỏi phải liên hệ thực tế.
Không cố nhớ
Nhiều sự kiện kèm theo đó là những con số về ngày tháng năm khiến không ít học sinh rất sợ môn lịch sử bởi học rồi quên.
Chia sẻ về điều này, Hằng Linh cho biết: “Các sự kiện luôn có tính logic. Cần có cái nhìn tổng thể về từng thời kỳ lịch sử, nắm chắc các mốc thời gian. Khi đã nắm được thì từ sự kiện này có thể liên kết với sự kiện khác. Thật ra, các kiến thức môn sử luôn có quan hệ với nhau nên không quá khó để nhớ các dữ liệu. Không nên cố nhồi nhét để nhớ mà không có sự liên kết các sự kiện. Đừng nghĩ học lịch sử chỉ cần học thuộc lòng, như thế sẽ quên nhanh chóng”.
Ngoài học kiến thức sách giáo khoa, theo Linh nên đọc thêm nhiều về sách lịch sử. Sẽ dễ tiếp thu hơn nếu chọn những cuốn sách viết về những câu chuyện lịch sử có phong cách như chuyện kể và nên thường xuyên xem phim tài liệu.
“Học sử không khó nếu mình học với tâm thế thích thú tìm hiểu. Thực ra, học sinh không hẳn là không thích môn học này, chẳng qua do phương pháp chưa đúng, tâm thế học mang tính ép buộc. Vì em thấy lứa tuổi chúng em khá thích phim giả sử, phim cổ trang, tò mò ngày xưa như thế nào…”, Hằng Linh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.