Thử phân tích nguyên nhân lật tàu Dìn Ký và vấn đề trách nhiệm

25/05/2011 22:35 GMT+7

Vụ lật tàu Dìn Ký đang được điều tra, ở đây xin phân tích một số yếu tố liên quan đến nguyên nhân gây lật tàu và trách nhiệm.

Không thể không lật khi gió mạnh

Xem hình chụp con tàu, chúng ta thấy thân tàu rất cao, phần trên cùng cũng được bố trí làm nơi ăn uống, vì thế phải chịu tải trọng lớn của người, bàn ghế, vật dụng khác...  khiến trọng tâm con tàu dịch lên cao. Trong khi chiều ngang tàu khá mỏng. Như vậy tàu Dìn Ký được thiết kế sai nguyên tắc vật lý. Trạng thái cân bằng của con tàu này là “cân bằng không bền”, chỉ đứng thẳng trong điều kiện bình thường. Tàu có xu hướng đổ nhào nếu có lực tác động đủ mạnh lên phần thân trên của nó.

Khi gió to, nhân viên đóng các cửa kính lại, gió không xuyên qua cửa sổ được nên toàn bộ phần trên cùng của tàu chịu tác động rất mạnh của lực gió thổi. Trong khi đó, phần chìm dưới nước rất nhỏ so với phần trên, nên dù có lực cản theo phương nằm ngang của nước tác động lên phần thân tàu chìm, nhưng theo nguyên tắc đòn bẩy, thì lực cản của nước không thắng nổi lực đẩy của gió (mặt nước là điểm tựa của đòn bẩy). Con tàu sẽ nghiêng với độ nghiêng ngày càng lớn. Đến một lúc nào đấy, trọng tâm con tàu rơi ra ngoài chân đế, trọng lực sẽ cộng hưởng với lực đẩy của gió kéo con tàu lật nhào xuống nước nhanh hơn.

 
Tàu Dìn Ký trước khi lật  

 
Sơ đồ chịu lực của tàu Dìn Ký

Vấn đề xem xét trách nhiệm

Khi con tàu thiết kế sai nguyên tắc vật lý như thế, thảm họa không chỉ là trách nhiệm của lái tàu, người quản lý tàu, người quản lý khu du lịch. Bởi việc chìm tàu có những yếu tố vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ. Với lái tàu, có thể xem xét trách nhiệm khi đưa tàu đi vào vùng nước bị cấm tàu thuyền du lịch, đưa tàu đi trong tình tình thời tiết sắp mưa… Với quản lý tàu, xem như là thuyền trưởng, xem xét trách nhiệm đã đồng ý để lái tàu đưa tàu đi vào vùng nước bị cấm vào, không chuẩn bị đầy đủ phương tiện áo phao, cửa thoát hiểm… Nhưng phải xử lý những người liên quan khác trong đó có người có thẩm quyền đưa con tàu vào sử dụng và cơ quan đăng kiểm.

Nếu con tàu này là của nhà máy đóng tàu thì người có thẩm quyền cho đưa con tàu vào sử dụng phải chịu trách nhiệm. Nhưng khả năng lớn theo dự đoán, con tàu này chỉ được làm thủ công theo yêu cầu thiết kế của phía sử dụng là hệ thống nhà hàng Dìn Ký. Trong trường hợp này, cần xem xét trách nhiệm người có thẩm quyền cao nhất của Dìn Ký đã đồng ý sử dụng con tàu này. Về phía cơ quan đăng kiểm, nếu trước đó đã từng làm thủ tục đăng kiểm con tàu này, cho phép nó hoạt động, mà không phát hiện ra kết cấu không an toàn của con tàu này thì nay cũng phải chịu trách nhiệm (không phụ thuộc vào việc hết hạn đăng kiểm). Và trách nhiệm này của cơ quan đăng kiểm phải là rất lớn. 

Trần Đình Giàu 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.