Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ: Chưa có chỗ tái định cư cho dân thì không được giải tỏa

26/08/2005 23:07 GMT+7

* Sẽ kiến nghị điều chỉnh giá đền bù đất nông nghiệp Hàng ngàn hộ dân tại các dự án trên địa bàn TP.HCM đang rất bức xúc vì bị giải tỏa, bị thu hồi đất nhưng chưa có chỗ tái định cư (TĐC); giá đền bù đất nông nghiệp quá thấp dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài và gay gắt... Tất cả những vấn đề nóng bỏng và bức xúc nói trên đã được PV Thanh Niên đặt ra với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) - ông Đặng Hùng Võ.

* Tại TP.HCM, rất nhiều người dân khiếu kiện về giá đền bù hiện nay quá thấp, Thứ trưởng có thể cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

- Tôi đã thấy việc đền bù hiện nay có quá nhiều bất cập, nhất là đối với đất nông nghiệp tại các dự án nhà nước. Có nhiều trường hợp bị thu hồi hàng ngàn mét vuông đất nhưng mức đền bù lại không thể mua nổi một căn nhà để ở, khiến cho người dân lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Trước đây, khi xây dựng khung giá đền bù đất nông nghiệp, người ta căn cứ vào khả năng sinh lợi trên đất mà đưa ra giá đền bù, mà đất trồng lúa thì làm sao sinh lợi cao được. Theo tôi điều này không phù hợp, bởi khi đã thu hồi đất làm dự án, đất ấy có còn là đất nông nghiệp nữa đâu. Vì thế có rất nhiều đơn khiếu nại rằng đất của tôi đền bù chỉ 100 - 200 ngàn đồng mà được bán lại 5-7 triệu đồng. Đây là một nghịch lý cần phải điều chỉnh. Sắp tới Bộ TN-MT sẽ bàn với Bộ Tài chính để xem xét điều chỉnh giá đền bù đất nông nghiệp cho phù hợp theo hướng đưa giá đất nông nghiệp lên sát giá thị trường, giá thị trường ở đây là mức giá chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Còn trước mắt, trong dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai trình Chính phủ (dự kiến tháng 9/2005 ban hành) có ghi đại ý: Dù khung giá đất nông nghiệp do các tỉnh thành ban hành quy định như thế nào thì khi bồi thường cho dân cũng phải sát giá thị trường, chứ không được bồi thường thấp theo khung giá đã ban hành. Còn khung giá chỉ là để tính thuế thôi.

* Thưa Thứ trưởng, nhiều người dân tại các quận 2, 9, 12 nơi đoàn kiểm tra đã đi qua rất bức xúc vì các chủ đầu tư dự án không bố trí cho họ TĐC trước khi giải tỏa?

- Làm như thế là sai luật. Không có chỗ TĐC cho dân thì không được giải tỏa.

* Các chủ đầu tư thì cho rằng dự án vẫn phải triển khai thực hiện ?

- Thì phải ngưng ngay dự án, bất kể là dự án nào cũng phải có chỗ TĐC rồi mới được giải tỏa. Không được đẩy người dân vào chỗ bế tắc, cùng đường. Nếu địa phương nào làm sai điều này thì phải chấn chỉnh ngay.


Người dân Q.9 (TP.HCM) bức xúc phản ánh với đoàn kiểm tra
chuyện đền bù giải tỏa (ảnh: D.Đ.M)

* Tại các dự án trọng điểm khu công nghệ cao (Q.9) hoặc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2)... có rất nhiều hộ dân bị giải tỏa các địa phương đều nêu nhiều khó khăn khiến chưa kịp xây dựng các khu TĐC...

- Như thế là không được. Chưa xây dựng kịp thì đừng có làm. Tôi nhắc lại là chưa có chỗ TĐC thì phải ngưng ngay dự án.

* Người dân rất có nhu cầu được ghi nợ tiền sử dụng đất khi đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ý kiến Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

- Trong dự thảo nghị định trình Chính phủ tôi đã nói ở trên có kiến nghị Chính phủ cho phép ghi nợ tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giảm áp lực về tài chính cho người dân. Thậm chí có thể cho ghi nợ đối với những trường hợp chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Tôi tin là Chính phủ sẽ đồng ý với vấn đề này.

* TP.HCM vừa có kiến nghị cho phép ban hành phương án và áp giá đền bù  đối với những dự án kinh doanh đã giải tỏa 80% diện tích mà 20% còn lại chưa giải tỏa được. Điều này có đúng luật không, thưa Thứ trưởng?

- Hoàn toàn không đúng. Luật đã quy định là đối với các dự án kinh doanh là phải thỏa thuận với dân khi đền bù. Không thể trong cùng một dự án mà một phần thì thỏa thuận, một phần thì áp giá, cưỡng chế. Nếu làm vậy là sai luật.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Hà Nội quy hoạch... hành dân. Trả lời câu hỏi của Đoàn kiểm tra số 2 của Bộ TNMT về tình hình mua bán đất rừng tại huyện Sóc Sơn ngày 26/8, ông Trần Đức Hoàn, Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện tại có khoảng 2.700 hộ dân Sóc Sơn đang chịu khổ vì quy hoạch rừng. Trước đây khi giao khoán rừng cho người dân sản xuất thì đây là khu vực rừng kinh tế (trồng chè, bạch đàn...) nhưng đến năm 1998, thành phố quyết định chuyển toàn bộ rừng của Sóc Sơn thành rừng đặc dụng, tất cả mọi quyền về cầm cố, thế chấp, liên kết, mua bán đất rừng đều bị nghiêm cấm. (Tuyết Nhung)

Chỉ mới có 50% hộ dân ở Cần Giờ (TP.HCM) được cấp giấy chủ quyền nhà đất. Báo cáo với Đoàn kiểm tra số 1 ngày 26/8, ông Đoàn Văn Thu - Phó chủ tịch UBND huyện Cần giờ cho biết đến nay huyện chỉ mới cấp được 7.000 giấy chủ quyền nhà đất (đạt 50%). (T.T.Bình)

Tiền Giang quy hoạch treo vì... thiếu vốn. Làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang ngày 26/8, Đoàn kiểm tra số 12 cho rằng việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được địa phương chú trọng. Ông Nguyễn Văn Phòng, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết tình trạng quy hoạch treo tại các huyện là do bế tắc về tài chính. (Hoàng Phương)

Thanh Bình - Đức Minh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.