"Vừa qua sụt lún diễn ra ngày càng khó lường, tác động nhiều mặt đời sống người dân. Theo dự báo của Viện Tài nguyên thế giới, nếu mực nước biển dâng cao thêm 1 m thì 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập lụt, vì vậy cần sớm có giải pháp ứng phó", đại biểu Thanh nêu.
Cho biết Chính phủ đã chi theo đề xuất 4.000 tỉ đồng để cấp bách ứng phó sụt lún, sạt lở cho ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương giám sát việc thực hiện có hiệu quả không. Về lâu dài, sẽ có những dự án lớn chống sụt lún, sạt lở, đặc biệt là ở Bạc Liêu, Cà Mau…
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, Việt Nam cần phải góp phần cùng thế giới ngăn chặn sự nóng lên của trái đất, đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, ĐBSCL cần phải xây dựng những dự án lâu dài hàng tỉ USD, huy động nguồn vốn để thực hiện các dự án chống sạt lở.
"Phải bảo vệ dòng chảy tự nhiên của sông Mê Kông, lượng nước về sẽ đúng với quy luật của tự nhiên, và cát, phù sa cũng thay đổi. Ta đang tích cực hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông với các nước trong khu vực, kêu gọi các tổ chức quốc tế và những nước có điều kiện kỹ thuật, khoa học và hiểu biết… để hợp tác, như Nhật Bản, Mỹ", Thủ tướng nêu.
Việt Nam là nước hạ lưu, chịu ảnh hưởng lớn nhất so với các nước trong khu vực. Vấn đề này đã được nhìn nhận rõ từ những năm 1990, Việt Nam đã đề xuất các nước kiểm soát việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng Mê Kông và Lan Thương. Các nước đã có trách nhiệm nhưng cần nỗ lực hợp tác hơn thì mới giải quyết được.
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định quan điểm phải sản xuất xanh, tiêu thụ xanh. Xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không manh mún, nhỏ lẻ nữa.
Báo cáo giám sát của các ủy ban cho thấy nguồn lực vay quốc tế hiện nay có 2 vấn đề cần khắc phục, thứ nhất là thủ tục cần đổi mới và cải tiến đơn giản, thông thoáng, nếu không kéo dài sẽ lãng phí nguồn lực.
T.Ư không bỏ rơi địa phương
"ĐBSCL là trăn trở của Đảng và Nhà nước, cũng là nỗi lo toan của bà con ở đó. Ta phải đổi mới tư duy, vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa lo vấn đề căn cơ. Trong đó có 2 ưu tiên là đào tạo nguồn lực ĐBSCL và giải quyết hạ tầng giao thông ở ĐBSCL", Thủ tướng nêu.
Với ĐBSCL, chỉ tập trung dự án vào 4 lĩnh vực lớn là chống sụt lún, chống sạt lở, chống ngập mặn và chống hạn hán. Nếu đã đi vay thì phải làm những dự án lớn xoay chuyển tình thế chứ không làm lặt vặt, manh mún, dàn trải như hiện nay.
Theo đó, Chính phủ đang quyết liệt hoàn thành trục cao tốc Bắc - Nam. Ngoài ra, trục Đông - Tây từ Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang cũng sẽ làm.
Về hàng không cũng cần nâng cấp, như sân bay Cà Mau. "Cao tốc chưa xong, đường bộ khó khăn mà không có hàng không hỗ trợ thì rất khó phát triển. Như Điện Biên từng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu nhưng đi đường bộ mất 10 tiếng, không ai lên, nên phải quyết tâm nâng cấp sân bay Điện Biên để giúp tỉnh phát triển, khởi sắc", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, địa phương phải quyết tâm, bỏ tiền ra và tập trung làm, không ỉ lại T.Ư, T.Ư cũng không bỏ rơi địa phương. Địa phương bỏ tiền giải phóng mặt bằng, T.Ư bỏ tiền làm đường bay, sân đỗ, nhà ga.
"Cần có tư duy đổi mới, xác định có trọng tâm trọng điểm và vấn đề đầu tiên là tiền đâu, kết hợp giữa T.Ư và địa phương. Có địa phương vay xong rồi, làm xong rồi vẫn cảm giác không xoay chuyển được tình thế vì làm lặt vặt. Làm có trọng tâm trọng điểm và làm đến đâu dứt điểm đến đấy", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)