Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến' để chống dịch Covid-19

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/11/2021 10:45 GMT+7

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính , điều bất biến là đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân; ứng vạn biến là có phương pháp phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, hiệu quả.

Đại dịch bộc lộ nhiều yếu kém có tính hệ thống

Sáng 12.11, báo cáo một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu trong 2 ngày vừa qua trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng khẳng định, như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu, qua đại dịch đã khẳng định những kết quả đáng trân trọng trên các lĩnh vực mà đất nước ta đã đạt được.

Ngược lại, đại dịch cũng làm bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập có tính hệ thống của nhiều ngành, nhiều cấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

gia hân

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong “nguy” có “cơ”, đại dịch đã tạo ra áp lực và là động lực để các cấp, các ngành, các địa phương, người dân, doanh nghiệp phải tiếp tục đổi mới tư duy và hành động để thích ứng với tình hình mới.

Về chiến lược phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết, sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, kịp thời và đang được các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực triển khai thực hiện.

Ông cho biết, thời gian qua đã đẩy mạnh nhập khẩu và thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng dịch lớn nhất từ trước tới nay trên toàn quốc; có lộ trình từng bước tiêm vắc xin cho trẻ em; đồng thời tích cực chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước.

Bên cạnh đó, tích cực thiết lập hệ thống trạm y tế lưu động, bệnh viện hồi sức, chăm sóc, điều trị; số ca tử vong tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp.

"Tuy còn có nhiều ổ dịch xuất hiện, nhưng trạng thái bình thường mới dần được thiết lập ở tất cả các địa phương trên cả nước, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kiểm soát rủi ro", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo trước quốc hội: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" để chống dịch Covid-19

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến"

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại dịch Covid-19 có thể còn tiếp tục kéo dài trên toàn cầu với khả năng xuất hiện các biến chủng mới.

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, cần vận dụng phương châm và triết lý hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

"Điều bất biến là đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân; ứng vạn biến là trong điều kiện diễn biến của dịch bệnh có phương pháp và cách tổ chức phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, hiệu quả", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, cần thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh; cùng với việc khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19.

Từ đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý "không Covid-19" (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm tử vong; thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ; kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp; bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương.

Bao phủ vắc xin trong năm 2021

Bên cạnh đó, tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch được đúc rút trong thời gian vừa qua; tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Tập trung bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở từ nay đến hết năm 2022.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược vắc xin đầy đủ, nhanh nhất để tiêm sớm nhất cho người dân; phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi cho 100% đối tượng cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cần rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và có chính sách đặc thù phù hợp cho cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp trong chủ động tổ chức phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, bảo đảm giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận, củng cố niềm tin cho nhân dân trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục hỗ trợ người dân gặp khó khăn

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, về hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ đã tập trung triển khai nhiều chính sách giúp người dân, người lao động vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, việc triển khai nhiệm vụ này vẫn còn những hạn chế, bất cập, như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập; tiếp tục rà soát, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thiết thực cho người dân gặp khó khăn, đặc biệt là các cháu bị mồ côi do dịch Covid-19; củng cố hệ thống an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro.

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hiện hành; đồng thời rà soát, hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho những nhóm đối tượng khó khăn nhất. Chú trọng thực hiện các chính sách về người có công, trợ giúp xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu quốc gia, giải quyết kịp thời các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động…

Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là người dân bị tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.