Thủ tướng Phan Văn Khải: Nếu để xảy ra đại dịch là đại họa của đất nước

20/11/2005 00:14 GMT+7

Sáng 19/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải và các Phó thủ tướng: Nguyễn Tấn Dũng, Vũ Khoan, Phạm Gia Khiêm đã họp với lãnh đạo các bộ, ngành để bàn thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch cúm gia cầm và bệnh cúm A (H5N1) ở người.

Sau khi các thành viên Chính phủ báo cáo kết quả kiểm tra việc phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương, Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu kết luận cuộc họp. Thủ tướng nhận xét: Mặc dù Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị, Chính phủ có nghị quyết về phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người (H5N1), nhưng ở các địa phương, công tác chỉ đạo về vấn đề này vẫn còn chậm, chưa quyết liệt và thiếu hiệu quả. Dịch cúm gia cầm vẫn bùng phát và ngày càng nghiêm trọng. Nếu dịch cúm gia cầm không được ngăn chặn kịp thời, thì nguy cơ xảy ra đại dịch ở người đối với nước ta là rất lớn. Thủ tướng nhấn mạnh: Nếu để xảy ra đại dịch thì sẽ là đại họa của đất nước. Sau cuộc họp này, các bộ, ngành và các địa phương phải triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống, trên cơ sở thực hiện đồng bộ, có kiểm tra, đôn đốc và phê bình nghiêm khắc những nơi không làm tốt.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có điện khẩn yêu cầu UBND các cấp, các bộ, ngành chức năng cần tập trung chỉ đạo thực hiện kiên quyết các nhiệm vụ cấp bách sau đây: Huy động cả hệ thống chính trị và các phương tiện thông tin đại chúng tập trung làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, coi đây là biện pháp có ý nghĩa quyết định. Làm cho mọi người hiểu rõ về dịch bệnh, nguy cơ và hiểm họa của bệnh dịch để chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Khẩn trương hoàn thành tiêm phòng vắc-xin cho toàn bộ đàn gia cầm hiện có. Đồng thời có kế hoạch cụ thể về việc tiêm phòng cho đàn gia cầm năm 2006. Thực hiện hỗ trợ đối với gia cầm bị tiêu hủy (gia cầm mắc bệnh, gia cầm buộc phải tiêu hủy trong vùng dịch, gia cầm của người chăn nuôi tự nguyện xin tiêu hủy) theo nguyên tắc Nhà nước và người chăn nuôi cùng chia sẻ rủi ro. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình gấp với Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy; người chăn nuôi gia cầm tập trung gặp khó khăn về trả nợ ngân hàng; hỗ trợ việc nuôi giữ đàn gia cầm giống gốc, giống ông bà, giống quý hiếm. Đóng cửa việc tham quan du lịch tại khu vực có gia cầm, chim hoang, chim quý ở các vườn quốc gia, khu vui chơi giải trí; có biện pháp tích cực xua đuổi, ngăn chặn đối với đàn chim di trú từ nơi khác đến...

PV
(Theo TTXVN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.