Thủ tướng: 'Sẽ có doanh nghiệp Việt vào top 500 doanh nghiệp toàn cầu vào năm 2045'?

Chí Hiếu
Chí Hiếu
09/05/2020 09:39 GMT+7

Thủ tướng cho rằng, doanh nghiệp nội phải có tầm nhìn, mục tiêu để làm sao sau 20 - 25 năm nữa sẽ xuất hiện đế chế kinh doanh "made in Vietnam" trên toàn cầu, có doanh nghiệp Việt vào top 500 doanh nghiệp lớn của thế giới .

Phát biểu khai mạc hội nghị đối thoại với doanh nghiệp cả nước sáng 9.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn doanh nghiệp Việt sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, để đến 2045 sẽ có tên công ty Việt Nam vào top 500 doanh nghiệp lớn của thế giới.
Nhấn mạnh tinh thần hội nghị không phải để than nghèo kể khổ mà cần nêu sáng kiến, đề nghị để doanh nghiệp bật dậy sau thời gian khó khăn bởi đại dịch, Thủ tướng đã có những đề nghị rất cụ thể với cộng đồng doanh nhân.
“Đó trước hết phải là yêu Tổ quốc, vì không yêu Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc thì phải thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ. Thứ hai là không lãng phí. Rồi phải năng động quyết đoán, vì nếu thụ động là tự đánh mất cơ hội. Cùng với đó phải sáng tạo, để không bị tụt lại. Ngoài ra, cần có niềm tin, để không tự mình chối bỏ mình”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc đến việc dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề cập đến những mục tiêu, định hướng lớn. Đó là xác định Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại và khẳng định những khó khăn của đại dịch Covid-19 sẽ không làm thay đổi tầm nhìn, định hướng, mục tiêu này. “Vậy doanh nghiệp tầm nhìn thế nào? Doanh nghiệp chúng ta sẽ ở đâu vào năm 2045?”, Thủ tướng nêu câu hỏi.
Nhắc đến một số cái tên mang thương hiệu Việt là doanh nghiệp tư nhân đã lan ra toàn cầu như Vinamilk, Vingroup… hay một số doanh nghiệp lớn của nhà nước như Viettel, EVN đã đóng góp lớn trong thời gian qua, nhất là trong đại dịch, như giảm giá điện, viễn thông để hỗ trợ doanh nghiệp… song Thủ tướng không khỏi tâm tư: “Hiện trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới vẫn chưa có tên doanh nghiệp Việt. Liệu đến năm 2045 chúng ta có được doanh nghiệp nào lọt vào top 500 không? Liệu sẽ xuất hiện các đế chế kinh doanh lớn “made in Vietnam” không?
Như để trả lời cho câu hỏi này, Thủ tướng nhắc lại rằng, 20 - 25 năm trước, thế giới chưa biết đến Alibaba, Google… nên doanh nghiệp nội không lý do gì để không đặt mục tiêu, khát vọng.
Về phía chính quyền, Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ tìm cách thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tăng năng suất. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải dành thời gian đề xuất, hiến kế, xây dựng luật pháp. Chính phủ đóng vai trò bảo trợ để thực thi nó công bằng, cạnh tranh, hiệu quả. Thủ tướng thúc giục các bộ phải xắn tay vào, các địa phương phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới phát triển, cần lưu ý  không "quyền anh quyền tôi" mà vì đất nước, dân tộc.
“Tôi yêu cầu các bộ, ngành phát biểu phải nói rõ chính sách, giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt có giải pháp để cán bộ công chức không vô cảm, nhũng nhiễu, gây khó cho người dân, doanh nghiệp nên phải sử dụng công nghệ thông tin tốt hơn trong quản lý điều hành. Hội nghị cần có ý tưởng mới về chuỗi giá trị, về keo dán lại những đứt vỡ vừa qua, phải có chính sách về lao động, thuế, phí. Chúng ta đã có gói hỗ trợ 62.000 tỉ hỗ trợ khó khăn, giờ là lúc cần chính sách đòn bẩy, tăng tốc. Tinh thần chống trì trệ như chống dịch cần được thúc đẩy”, Thủ tướng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.