Thú vị với thiết bị 'trị' học sinh ồn ào trong giờ học

20/08/2022 09:30 GMT+7

Một nhóm học sinh tại TP.Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk sáng chế thiết bị hỗ trợ giáo viên quản lý học sinh trong giờ tự học buổi tối ở trường nội trú.

Tại Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng (TP.Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk), học sinh phải học chính khóa vào buổi sáng và hai buổi tự học là chiều và tối tại trường.

Nhóm học sinh Hoàng Thị An, Lê Tố Uyên (cùng lớp 10) và Đỗ Quốc Huy (lớp 11A) nhận thấy nhiều bất cập khi chỉ có 1 đến 2 giáo viên quản lý cùng lúc 18 lớp trong giờ tự học.

Giáo viên Đinh Thị Huyền Trang, tham gia quản lý học sinh nội trú trong giờ tự học đồng thời là chủ nhiệm CLB STEAM của Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng chia sẻ: “Khó khăn trong việc quản lý đồng thời 18 lớp học không phải là vấn đề lớn vì cơ bản các học sinh nội trú đều ngoan và có ý thức tự học. Tuy nhiên, vào những ngày trời mưa, bão, việc di chuyển để trực và quản lý lớp trở nên khó khăn hơn và không hiệu quả”.

Do đó, nhóm học sinh lên ý tưởng tạo ra thiết bị “cảnh báo lớp ồn” giúp giáo viên quản lý học sinh trong giờ tự học thuận tiện và hiệu quả. Đây là lần đầu tiên các thành viên trong nhóm tham gia sáng chế các sản phẩm khoa học ứng dụng, do đó để có thể hoàn thiện sản phẩm, các thành viên trong nhóm phải mất hơn 2 tháng.

Cảm biến và màn hình LCD sáng lên khi máy hoạt động

NVCC

Lê Tố Uyên, thành viên của nhóm, cho biết: “Chúng em bắt đầu lên ý tưởng từ cuối tháng 5 và thực hiện đến giữa tháng 6 thì về nhà nghỉ hè. Trong khoảng thời gian nghỉ hè, chúng em vẫn tìm hiểu và học thêm về lập trình ứng dụng. Đến ngày 24.7, chúng em trở lại trường 2 tuần để hoàn thiện sản phẩm”.

Nhóm trưởng Quốc Huy chia sẻ: “Quá trình lắp ráp gặp rất nhiều khó khăn như phải tìm kiếm và mua các thiết bị, việc phải thay đổi hình dạng sản phẩm liên tục để tiện lắp ráp các thiết bị bên trong hay quá trình chạy code cho cảm biến cũng như các thiết bị xảy ra lỗi khiến chúng em mất rất nhiều thời gian để khắc phục và hoàn thành”.

Thiết bị vận hành với nguyên tắc ghi nhận và đưa ra thông báo “lớp ồn” khi âm thanh trong một lớp học vượt quá khoảng quy định là 55dB. Dữ liệu sẽ được tự động chuyển đến máy chủ để giáo viên dễ dàng quản lý lớp học từ xa.

Hoàng Thị An, một thành viên của nhóm, bày tỏ: “Thiết bị này sẽ giúp các bạn trong giờ tự học có tính tự giác vì lớp học là nơi công cộng gồm nhiều bạn học sinh. Do đó, khi thảo luận các bạn sẽ nói nhỏ tiếng để tránh ảnh hưởng đến các bạn học khác trong lớp”.

Cấu hình, vị trí các lắp ráp bên trong thiết bị

NVCC

Thiết bị hỗ trợ giáo viên quản lý học sinh trong giờ tự học buổi tối ở trường nội trú đã giành được giải ba trong cuộc thi sáng kiến “Em yêu STEM” do viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững MSD-United Way Việt Nam tổ chức.

Quốc Huy bày tỏ mong muốn sẽ nhận được nhiều hồi tích cực của thầy cô giáo để sắp tới sẽ có một sản phẩm hoàn chỉnh có thể áp dụng ngay tại ngôi trường mình đang học và mở rộng quy mô sử dụng của sản phẩm.

Giáo viên Đinh Thị Huyền Trang cho biết thêm: “Sáng chế này hoàn toàn có thể được ứng dụng trong thực tế, bởi ở tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh khác đều có hệ thống trường nội trú bậc THCS và THPT. Vì vậy, việc ứng dụng sáng chế này sẽ giúp đỡ giáo viên rất nhiều trong việc quản lý học sinh tự học và một số tình huống khác. Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng dự kiến sẽ đưa sản phẩm ra thử nghiệm trong tháng 9 tới”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.